Phát triển Chính phủ số cần tư duy và cách làm mới

Thứ năm, 30/09/2021 20:58

Việt Nam đã có Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số làm kim chỉ nam. Dù còn nhiều thách thức nhưng với tư duy, cách làm mới và sự vào cuộc quyết liệt, các mục tiêu đặt ra có thể hoàn thành.

Ngày 9/9, Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2021 được tổ chức trên các nền tảng trực tuyến với mục tiêu mang đến nhiều góc nhìn, đánh giá và những kinh nghiệm trong phát triển Chính phủ điện tử.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, năm 2020, thứ hạng phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam đã tăng hai bậc, lên vị trí thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ 6 trong thứ hạng phát triển Chính phủ điện tử ở khu vực Đông Nam Á. Điều này khiến cho lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư, phát triển đất nước chưa thực sự bứt phá.

20210909-pg8-TT.jpg

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng

Các chuyên gia cho biết, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao hiệu quả Chính phủ điện tử, đồng thời tập trung phát triển đô thị thông minh và TMĐT – hai lĩnh vực được kỳ vọng sẽ góp phần thiết thực trong việc ổn định tình hình kinh tế, xã hội giai đoạn hậu Covid-19. Đây cũng chính là hai chủ đề lớn của Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử.

Phát triển Chính phủ số gắn với tư duy và cách làm mới

Phát biểu khai mạc Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết: Tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số 2021-2025, định hướng tới năm 2030. Đây là lần đầu tiên sau 20 năm triển khai Chính phủ điện tử, Việt Nam ban hành một văn bản chiến lược ở tầm quốc gia với các tình huống lớn về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Chiến lược này trở thành kim chỉ nam xuyên suốt tất cả các hành động trong thập kỷ tới.

“Phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tại Việt Nam vì vậy cũng được xác định là gắn liền với việc giải quyết các vấn đề lớn, các nỗi đau của xã hội để từ đó phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn”, Thứ trưởng Dũng nói.

Năm 2021, Bộ TT&TT lựa chọn mục tiêu đưa toàn bộ dịch vụ công trực tuyến của các Bộ, ngành, địa phương đủ điều kiện lên mức độ 4. Tỷ lệ này trên toàn quốc mới chỉ đạt 45%. “Từ con số hiện trạng đến mục tiêu đặt ra còn một khoảng cách khá xa”, ông Dũng nhận định.

20210909-pg5.jpg

Kết quả triển khai Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Ảnh chụp màn hình

Tuy nhiên, Lãnh đạo Bộ TT&TT cũng tin tưởng: “Với tư duy và cách làm mới của chuyển đổi số là làm nhanh và làm trên nền tảng, tôi tin rằng mục tiêu này là hoàn toàn khả thi nếu có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương”.

Dẫn chứng là với cách làm tương tự, trong năm 2020, tỷ lệ cơ quan Nhà nước triển khai bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp được đưa từ con số 0 lên 100%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã gấp 3 lần năm 2019, hoàn thành mục tiêu đặt ra.

Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng lưu ý, cùng với việc đưa dịch vụ công lên mức độ 4, cần có giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến theo các tiêu chí đó là duy trì người dùng trực tuyến và tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến phải đạt tối thiểu 30% trong năm 2021. “Có như vậy thì dịch vụ công trực tuyến mới thực sự đi vào cuộc sống phục vụ doanh nghiệp và người dân”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói thêm.

Chất lượng phục vụ là thước đo của chuyển đổi số

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam đánh giá, chuyển đổi số là xu hướng quan trọng ở các quốc gia trên toàn thế giới khi công nghệ số là công cụ mạnh mẽ cho các Chính phủ. Việc sử dụng một cách chiến lược công nghệ số có thể tạo điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ công nhanh chóng và hiệu quả, đồng thời cải thiện trách nhiệm giải trình và tính cởi mở của Chính phủ.

Chuyên gia Ngân hàng Phát triển Châu Á cũng nhận định, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự chuyển đổi trong hành chính công và dịch vụ công. “Công nghệ số đã không còn là một sự lựa chọn mà là một nhiệm vụ cấp bách cho Chính phủ”, ông Andrew Jeffries cho biết.

Trao đổi về định hướng phát triển Cổng dịch vụ công thúc đẩy hình thành Chính phủ số, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho biết, Hệ thống thông tin điện tử giải quyết thủ tục hành chính đã cơ bản được hình thành theo hướng đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương, làm cơ sở hỗ trợ, thúc đẩy việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Trong đó, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đóng vai trò trung tâm.

Kể từ khi vận hành Cổng Dịch vụ công Quốc gia từ tháng 12/2019, đến nay đã đạt nhiều kết quả được người dân, doanh nghiệp ghi nhận. Theo đó, đã có hơn 1 triệu tài khoản đăng ký thành công; Cổng dịch vụ Công quốc gia cũng cung cấp trên 3.100 dịch vụ; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt với các khoản phí, lệ phí, bảo hiểm, thuế, vi phạm hành chính… với số tiền 258 tỷ đồng.

Ông Ngô Hải Phan cũng cho biết Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã có hơn 70 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái. “Đây là nguồn dữ liệu quan trọng để cho các bộ, ngành, địa phương giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính”.

Thời gian tới, Hệ thống dịch vụ Một cửa điện tử các cấp phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính sẽ tiếp tục được hoàn thiện. “Việc hoàn chỉnh Hệ thống thông tin giải quyết các thủ tục hành chính phải theo nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm, cải cách dẫn dắt và công nghệ hỗ trợ. Có như vậy mới triển khai thành công chương trình chuyển đổi số dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp”, ông Phan nói.

theo ictnews.vietnamnet.vn
banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top