Thể theo nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức ngành Thông tin và Truyền thông, ngày 19/02/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 258/QĐ-TTg lấy ngày 28 tháng 8 hằng năm là Ngày Truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam.
Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng đất nước, ngành Thông tin và Truyền thông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thông tin liên lạc và tuyên truyền, không chỉ phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước một cách kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả mà còn đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao cho người dân và xã hội.
Tháng 8 năm 2007, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ Nhất đã quyết định thành lập Bộ Thông tin và Truyền thông trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Bộ Bưu chính Viễn thông, tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Bộ Văn hóa - Thông tin (khóa XI). Sự kiện này đã đánh dấu một bước phát triển mới của ngành Thông tin và Truyền thông, thể hiện tư duy mới trong quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng tinh gọn bộ máy quản lý hành chính, tăng tính trách nhiệm và hiệu quả quản lý, phù hợp với xu thế phát triển và hội tụ giữa công nghiệp nội dung và hạ tầng truyền thông của thế giới.
Sự ra đời của ngành Thông tin và Truyền thông hiện đại hôm nay là sự kế thừa truyền thống kiên trung, anh dũng của nhiều ngành có truyền thống hào hùng gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Đó là truyền thống của Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, lớn lên cùng cách mạng, phục vụ cách mạng, phụng sự Nhân dân; Truyền thống anh dũng, mưu trí, sáng tạo của Bưu điện Việt Nam và truyền thống của ngành Xuất bản - In - Phát hành sách luôn kiên cường trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân… Từ một ngành lạc hậu về kỹ thuật, thiếu thốn về cơ sở vật chất, yếu kém trong quản lý và kinh doanh, trải qua các giai đoạn phát triển tới nay Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã trở thành một ngành: vững về chính trị, mạnh về kinh tế, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại bắt kịp xu thế phát triển của thế giới; có tốc độ phát triển cao cả về quy mô, doanh thu và thị trường; tỷ trọng đóng góp cho ngân sách nhà nước ngày càng lớn; được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận là một trong những ngành đi đầu trong công cuộc đổi mới và là ngành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh. Truyền thống quý báu đó là tài sản tinh thần vô giá của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam hôm nay.
Cùng với xu thế đi lên của cả nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế, ngành Thông tin và Truyền thông đã đạt được một số kết quả nổi bật như: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các luật trong năm lĩnh vực quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin; Xây dựng đồng bộ cơ chế chính sách, chiến lược và quy hoạch về các lĩnh vực được giao quản lý; Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã được hoàn thiện theo tiêu chí thống nhất, hiệu quả; Quản lý doanh nghiệp thuộc Ngành ngày càng phù hợp với nền kinh tế Việt Nam và tiến trình hội nhập quốc tế trên tinh thần giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp; Các dịch vụ thông tin và truyền thông phục vụ xã hội và Nhân dân ngày càng phong phú, đa dạng, chất lượng cao, giá thành hạ; Chính sách công ích luôn được chú trọng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo...
Để tái hiện lại quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của ngành Thông tin và Truyền thông qua các thời kỳ lịch sử; có thể khái quát một số nét chính trên từng lĩnh vực của Ngành đã đạt được trong thời gian qua như sau:
Lĩnh vực báo chí
Ngày 21/6/1925, Báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, ra số đầu tiên, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo hoạt động, đánh dấu mốc khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Với trên 200 kỳ xuất bản, Báo Thanh niên đã góp phần rất quan trọng vào việc trang bị lý luận chính trị, tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, đào tạo cán bộ để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930 cũng như chuẩn bị cho cuộc trường chinh giải phóng dân tộc. Đối với lực lượng báo chí cách mạng, ngày 21/6 hằng năm vinh dự được gọi là ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Sau hơn 90 năm phát triển, Báo chí Việt Nam đã phát triển hùng hậu. Với hơn 850 cơ quan báo, tạp chí in và thông tấn, hơn 100 báo và tạp chí điện tử, 66 Đài phát thanh - truyền hình với trên 200 kênh phát thanh - truyền hình, hơn 200 trang tin điện tử của các cơ quan. Báo chí Cách mạng Việt Nam đã cống hiến xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, không chỉ làm tốt vai trò trách nhiệm là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước mà còn là diễn đàn đáng tin cậy của Nhân dân.
Các phóng viên báo đài tham gia tác nghiệp
|
Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, nhiều nhà báo đã xứng đáng với danh hiệu cao quý “Nhà báo - Chiến sĩ”; đã có hơn 400 nhà báo anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, với hơn 35.000 cán bộ, nhân viên làm việc trong lĩnh vực báo chí, trong đó có hơn 18.000 nhà báo; đội ngũ người làm báo ngày càng lớn mạnh và chuyên nghiệp, họ là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa ngày càng phức tạp, đa dạng. Báo chí nước ta đang từng ngày, từng giờ tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tới từng con người trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Báo chí Việt Nam đã có nhiều đổi mới và vươn lên mạnh mẽ, cả về số lượng, chất lượng, nội dung, hình thức, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của người dân, góp phần vào công tác giám sát và quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội. Đồng thời, báo chí cũng kịp thời phát hiện và biểu dương những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến, năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, kinh doanh, trong học tập, nghiên cứu khoa học; quảng bá ra thế giới hình ảnh tốt đẹp của đất nước và con người Việt Nam; đồng thời tham gia tích cực vào đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực, đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Có thể nói, các cơ quan báo chí, thông tấn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Lĩnh vực Xuất bản - In - Phát hành
Ngày 10 tháng 10 năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia trực thuộc Nha Tuyên truyền Văn nghệ (tiền thân của Tổng cục Thông tin, Bộ Thông tin, Bộ Văn hóa - Thông tin và nay là Bộ Thông tin và Truyền thông). Đây là mốc lịch sử quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển ngành Xuất bản - In - Phát hành sách nước ta. Nhà in Quốc gia trong những năm đầu thành lập vừa là một doanh nghiệp quốc gia, đồng thời là cơ quan quản lý cấp quốc gia về xuất bản, in và phát hành sách. Với ý nghĩa này, ngày 10 tháng 10 hằng năm được lấy làm Ngày Truyền thống của ngành Xuất bản, In, Phát hành sách Việt Nam. Đồng thời để tôn vinh các tác giả, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, những người làm công tác xuất bản và tạo điều kiện quan trọng để văn hóa đọc phát triển, ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam.
Gian trưng bày sách tại hội sách Hà Nội
|
Trải qua quá trình xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, sự nghiệp xuất bản - in và phát hành sách đã có những bước phát triển vững chắc, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, phục vụ tốt nhiệm vụ giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Hiện nay, cả nước có 61 nhà xuất bản với tổng số lao động khoảng 6.500 người, trong đó có gần 1.200 biên tập viên; khoảng 1.500 cơ sở in công nghiệp; hơn 14.000 cơ sở phát hành.
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và tạo mọi điều kiện cho ngành Xuất bản - In - Phát hành phát triển. Theo thời gian, Ngành đã lớn mạnh không ngừng, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng dân tộc trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, giữ vững định hướng chính trị, nâng cao dân trí, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân và xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Truyền thống quý báu được hun đúc hơn 60 năm qua luôn được giữ vững và phát huy cho các thế hệ những người làm công tác Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam.
Lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin
Vào năm 1925, Bác Hồ đã cho xây dựng tuyến thông tin bí mật từ Quảng Châu - Trung Quốc về Việt Nam. Mạng lưới liên lạc giữa Tổng bộ Thanh niên ở Quảng Châu với các Kỳ bộ trong nước được thiết lập. Công tác liên lạc trong những năm Đảng ta hoạt động bí mật luôn là một mặt trận quan trọng, đầy hiểm nguy. Bằng sự quả cảm và trí thông minh, những người giao liên cách mạng luôn đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, phục vụ Đảng, Bác Hồ lãnh đạo thắng lợi cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 với sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 14 và 15 tháng 8 năm 1945, Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương tại Tân Trào (Tuyên Quang) đã ra Nghị quyết trong đó có quyết định: Lập Ban Giao thông chuyên môn... Ngày 15/8 lịch sử đó được lấy làm Ngày Truyền thống của ngành Bưu điện.
Đi qua hai cuộc kháng chiến cứu nước đầy hiểm nguy và gian khổ, với lòng dũng cảm và sự hy sinh to lớn, cán bộ công nhân viên ngành Bưu điện đã ngoan cường bám đường dây, bám tổng đài, giữ vững mạch máu thông tin, liên lạc thông suốt trong mọi tình huống. Công tác chuyển công văn, báo chí, điện báo, chi viện người và thiết bị cho chiến trường đã thu được những kết quả to lớn, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Gần 10.000 cán bộ, công nhân, viên chức của Ngành đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc.
Trạm điều khiển và khai thác vệ tinh Vinasat
|
Trong tiến trình đổi mới của đất nước, ngành Bưu điện đã mạnh dạn đi đầu trong công cuộc đổi mới, đã triển khai nhiều chương trình lớn như: Nâng cao năng lực và chất lượng thông tin Bưu điện; Phát triển công nghiệp thông tin; Tổ chức lại sản xuất và bộ máy quản lý, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế ngành; Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ toàn ngành; Thực hiện các chính sách xã hội... Để thực hiện thành công các chương trình lớn đó, Ngành đã triển khai một loạt các giải pháp có tính chất đột phá như đi thẳng vào công nghệ hiện đại, xây dựng mạng lưới hiện đại, đồng bộ với các nước trong khu vực và trên thế giới; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phá vỡ sự bao vây, cấm vận, đa dạng hóa đối tác để tranh thủ vốn và công nghệ, tích cực tham gia các tổ chức quốc tế, thông qua đó để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; xây dựng và xin Nhà nước cho thực hiện cơ chế “Tự vay, Tự trả và Tự chịu trách nhiệm”.
Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang có những biến đổi to lớn, viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông là ngành mũi nhọn, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển đất nước và là động lực thúc đẩy các ngành khác phát triển. Các dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông được mở rộng và phát triển theo hướng đa dạng, hiện đại, ngày càng tiện ích cho người sử dụng thể hiện qua các chiến lược “Tăng tốc” giai đoạn 1993 - 2000, chiến lược “Hội nhập và phát triển” giai đoạn 2001 - 2010, định hướng “Cất cánh” giai đoạn 2010 - 2020... với các kết quả cụ thể như mạng lưới được số hóa hoàn toàn, xây dựng các hệ thống truyền dẫn băng rộng: cáp quang và viba, phát triển thông tin di động, phát triển đột phá các dịch vụ Internet, sử dụng hiệu quả vệ tinh Vinasat-1, Vinasat-2, dịch vụ di động vệ tinh... Ngành Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tái cấu trúc lĩnh vực bưu chính - viễn thông, tạo dựng thị trường cạnh tranh lành mạnh, từng bước hình thành các doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế của đất nước như: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, Vietnam Mobile, CMC, FPT... Bên cạnh đó đã có nhiều cơ chế phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia hoạt động viễn thông - công nghệ thông tin, tới nay đã có hàng nghìn doanh nghiệp công nghệ thông tin về công nghiệp phần cứng, công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin, các tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin...
Sự phát triển đột phá của lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin đã mở ra những vận hội lớn cho cả đất nước và từng người dân trong tiếp cận thông tin, chủ động hội nhập quốc tế, gia tăng vị thế của quốc gia trong thời kỳ toàn cầu hóa.
Trải qua hơn 70 năm xây dựng và phát triển, ngành Thông tin và Truyền thông xứng đáng là một ngành trung kiên trong kháng chiến, đi đầu trong đổi mới. Các lĩnh vực hoạt động của Ngành như Báo chí, Xuất bản, Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ thông tin đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất và Huân chương Chiến công hạng Nhất...
Để giữ vững và phát huy truyền thống vẻ vang đó, ngành Thông tin và Truyền thông đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về công nghệ thông tin với hạ tầng thông tin và truyền thông hiện đại; mọi người dân đều được hưởng các dịch vụ thông tin và truyền thông tiên tiến; công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng quốc gia được tăng cường nhằm xây dựng môi trường mạng an toàn, tin cậy, qua đó thúc đẩy các ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi trong mọi mặt đời sống xã hội, nhất là quản lý nhà nước và tổ chức chính quyền điện tử; có đủ nhân lực công nghệ thông tin đạt trình độ quốc tế phục vụ cho phát triển kinh tế tri thức và xã hội thông tin; công nghệ thông tin và truyền thông đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP với tỷ lệ ngày càng tăng; có nhiều Tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông mạnh, làm chủ thị trường nội địa và vươn ra quốc tế; phát triển hiệu quả, lành mạnh hệ thống báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ đất nước và nhu cầu hưởng thụ thông tin ngày càng cao của Nhân dân.
Trước những yêu cầu và đòi hỏi mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát huy truyền thống vẻ vang “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình”, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Thông tin và Truyền thông tiếp bước cha anh, không ngừng phát triển và trưởng thành, thực hiện thành công phương châm hành động “Đoàn kết - Trí tuệ - Đổi mới - Hội nhập và Phát triển” trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế./.
TS. Trương Minh Tuấn
Ủy viên BCH Trung ương Đảng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông