Trình diễn hát xoan Phú Thọ-Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại-tại Lễ hội Đền Hùng năm 2021. Ảnh: VIẾT DƯƠNG
Đại hội XIII của Đảng xác định “Phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”(1). Sức mạnh mềm là sức mạnh nội sinh, có ý nghĩa góp phần quyết định đến tăng cường tiềm lực và sức mạnh tổng hợp của quốc gia.
Chiến lược đúng đắn để thúc đẩy đất nước phát triển
Sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam là khả năng huy động, phát huy những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần của dân tộc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam đến các quốc gia trên thế giới, đồng thời tăng cường uy tín, vị thế của dân tộc Việt Nam trong các quan hệ quốc tế. Sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam bao gồm sức mạnh của những giá trị văn hóa tinh thần và sức mạnh của những giá trị văn hóa vật thể. Những giá trị văn hóa tinh thần được thể hiện rất phong phú, đa dạng như lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết cộng đồng, sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau, ý chí quật cường, tinh thần kiên quyết đấu tranh giành độc lập dân tộc, tinh thần yêu chuộng hòa bình, lòng nhân nghĩa, hòa hiếu, khoan dung... Những giá trị văn hóa tinh thần không những tạo nên nét đặc sắc của văn hóa dân tộc, hun đúc nên bản lĩnh Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.
Sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam còn được thể hiện ở những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc, phản ánh những nét độc đáo về giá trị tinh thần của người Việt qua các thời đại. Với bề dày lịch sử, cùng với vị trí địa lý đặc biệt, Việt Nam có nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh độc đáo, tạo nên một đất nước Việt Nam có nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc và luôn tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa chung của nhân loại.
Trong xu thế phát triển hiện nay, ngày càng có nhiều quốc gia coi trọng chiến lược phát huy sức mạnh mềm của văn hóa. Với lợi thế của một nền văn hóa có nhiều nét độc đáo, mang lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế, việc phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam là một chiến lược đúng đắn để thực hiện các mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới. Vì vậy, xây dựng, phát triển văn hóa luôn được Đảng xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, là một trong những động lực để phát triển kinh tế-xã hội. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng, phát huy yếu tố văn hóa để thực sự là đột phá phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế”(2). Sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam được coi là một trong những sức mạnh nội tại đặc biệt. Năm 2007, khi Giáo sư Joseph Nye, tác giả của học thuyết “Sức mạnh mềm” đến Việt Nam, đã nhận định rằng, những điểm làm nên sức hấp dẫn nhất của sức mạnh mềm Việt Nam hiện nay là tinh thần tự chủ, độc lập dân tộc, chính sách phát triển kinh tế và nền văn hóa, trong đó văn hóa của Việt Nam luôn hấp dẫn và có sức lôi cuốn các nước phương Tây.
Trong lịch sử, dân tộc Việt Nam phải thường xuyên đương đầu với các cuộc chiến tranh xâm lược của các cường quốc trong khu vực và thế giới. Để giữ vững nền độc lập dân tộc, cha ông ta đã tìm ra nhiều cách thức phù hợp và hiệu quả, trong đó, sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam đã được sử dụng như một “bảo bối” để bảo vệ đất nước, duy trì nền độc lập dân tộc trước sự xâm lăng của các cường quốc.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần tạo ra sức mạnh nội sinh, động lực thúc đẩy đất nước phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Tuy vậy, nhìn nhận một cách nghiêm túc, việc phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam vẫn chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của văn hóa dân tộc.
Khai thác, phát huy tối đa sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam
Trong những năm tới, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tác động sâu rộng đến mọi quốc gia, dân tộc. Các quốc gia ngày càng mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện, tăng cường khai thác và phát huy tối đa các sức mạnh mềm, nhất là lợi thế về sức mạnh mềm của văn hóa, nhằm tạo ra sức mạnh nội lực, sức lôi cuốn, hấp dẫn đối với các quốc gia khác nhằm đạt được mục tiêu, lợi ích của mình. Sở dĩ nhiều nước phát triển, nhất là một số nước châu Á có nhiều nét lịch sử văn hóa tương đồng với nước ta đã phát triển một cách thần kỳ, ngoạn mục trong những thập niên gần đây như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc..., bởi các quốc gia này luôn coi trọng yếu tố văn hóa, coi văn hóa dân tộc nói chung, ngành công nghiệp văn hóa nói riêng là chiếc cầu nối gần gũi nhất, phương tiện quảng bá sức mạnh, vị thế, hình ảnh dân tộc hữu hiệu đến với bạn bè thế giới.
Văn hóa biểu hiện sức sống, sức sáng tạo, sức mạnh tiềm tàng của quốc gia, dân tộc; đồng thời là cốt cách, vị thế, tầm vóc của cả cộng đồng dân tộc. Để hoàn thành các mục tiêu cả trước mắt và lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng đã xác định, chúng ta cần phải phát huy mạnh mẽ và toàn diện những tiềm năng, lợi thế sẵn có của đất nước, trong đó phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.
Muốn vậy, giải pháp đầu tiên là cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chiến lược về phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và tiếp thu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, tiếp tục hoàn thiện chủ trương, đường lối về phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam phù hợp với các thế mạnh của dân tộc trong bối cảnh mới. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về văn hóa; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển đất nước. Trước mắt, chú trọng hoàn thành việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, với những giá trị cốt lõi, định hình bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, phù hợp với thực tiễn mới của thời đại.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến tháng 12-2021, cả nước ta có 166 bảo tàng với hơn 3 triệu hiện vật; 3.486 di tích được xếp hạng quốc gia, trong đó có 105 di tích quốc gia đặc biệt, 288 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 27 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đây là những giá trị văn hóa được kết tinh, lưu truyền từ hàng nghìn năm qua. Do vậy, cần chọn lọc những giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam để quảng bá ra thế giới, qua đó góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Một việc làm cần thiết hiện nay là chú trọng khôi phục, đẩy mạnh các hoạt động du lịch để truyền thông, quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam ra toàn thế giới, qua đó khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Cùng với đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa. Tập trung đầu tư phát triển có trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa mà Việt Nam có lợi thế, nhất là các ngành: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo; “phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP; mức tăng trưởng giá trị gia tăng hằng năm trung bình đạt 7%” như Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 12-11-2021.
Sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam là một thành tố cốt lõi cấu thành nên sức mạnh tổng hợp quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quan hệ quốc tế, trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Với lợi thế của một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đa dạng, độc đáo và hấp dẫn, Việt Nam có đủ các điều kiện phát huy sức mạnh mềm của văn hóa, nhằm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đủ sức “sánh vai với các cường quốc năm châu” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn.
-----
(1), (2): Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, HN, tr.145, tr.134.
Đại tá, PGS, TS VÕ VĂN HẢI (Phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự, Học viện Chính trị)