ảnh minh họa
Mùa Xuân 2018, nam bệnh nhân này tới bệnh viện Ontario thăm khám khi bị ho trở nặng. Ban đầu bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi và được kê đơn kháng sinh. Năm ngày sau, bệnh nhân tái khám với các triệu chứng nặng hơn và buộc phải nhập viện để truyền kháng sinh tĩnh mạch. Nhưng tình trạng sức khỏe bệnh nhân ngày càng diễn biến tệ hơn và phải đặt nội khí quản mà vẫn không cải thiện.
Bệnh nhân sau đó được chuyển tới Trung tâm Khoa học sức khỏe London và phải nhờ tới hệ thống trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) - biện pháp điều trị đặc biệt sử dụng máy hỗ trợ thay thế chức năng của phổi. Nhờ máy móc hỗ trợ, bệnh nhân sau đó ổn định nhưng bác sĩ lo ngại phổi của anh này sẽ không thể hồi phục để tự thở. Bệnh nhân sau đó được chuyển tới trung tâm cấy ghép ở Toronto để đánh giá khả năng phải ghép phổi. Sau khi các xét nghiệm cho thấy tổn thương phổi không phải do virus, các bác sĩ đã thử cho bệnh nhân sử dụng steroid liều cao giúp giảm viêm. Bệnh nhân có tiền sử dùng cả thuốc lá điện tử hương vị và hợp chất ức chế thần kinh THC, có nguồn gốc từ cần sa. Bệnh nhân thường xuyên sử dụng thuốc lá điện tử trong vòng 5 tháng trước khi phát bệnh. Ngay khi đó, các bác sĩ đã nghi ngờ bệnh nhân bị tổn thương phổi vì sử dụng thuốc lá điện tử, thời điểm này trước cả khi bệnh bùng phát tại Mỹ.
Tuy trường hợp mắc bệnh kể trên có nhiều đặc điểm tương đồng với hơn 2.000 ca bệnh liên quan đến thuốc lá điện tử tại Mỹ nhưng dạng tổn thương khác nhau. Không phải các túi khí trong phổi mà là đường thở của bệnh nhân bị tổn thương và các bác sĩ tin rằng đây là tổn thương do chất hóa học gây ra. Trong khi đó, ở các bệnh nhân tại Mỹ ghi nhận những tổn thương khác nhau, chủ yếu là các túi khí ở cuối đường thở.
Công bố mới được cho là càng đào sâu thêm những bí ẩn xung quanh thuốc lá điện tử, sản phẩm đang trở nên ngày càng thịnh hành. Tổng cộng 42 ca tử vong và hơn 2.000 ca mắc tổn thương phổi liên quan tới thuốc lá điện tử đã được ghi nhận tại Mỹ. Các nhà điều tra cho rằng thủ phạm là tinh dầu vitamin E sử dụng trong các sản phẩm thuốc lá điện tử, đặc biệt là những loại chứa hợp chất THC.
Các bác sĩ tại Trung tâm Khoa học sức khỏe London cho rằng ca bệnh trên chỉ ra một số chất hóa học, không chỉ riêng tinh dầu vitamin E, có trong các loại thuốc lá điện tử có thể gây tổn thương. Hiện đội nghiên cứu tập trung vào diacetyl vì chất này từng được chứng minh là gây ra những tổn thương tương tự. Bốn tháng sau khi ra viện, bệnh nhân vẫn có vấn đề về đường thở và các bác sĩ không dám chắc phổi của anh này có thể hồi phục hay không. Các trường hợp bị viêm tiểu phế quản tắc nghẽn thường là không thể hồi phục hoàn toàn.