Bộ tem do họa sĩ Phạm Quang Diệu, Lê Khánh Vương (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế với hình ảnh chính trên mẫu tem là chân dung bình dị của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, bên cạnh là nhạc phẩm "Đoàn Vệ quốc quân" - một trong những tác phẩm bất hủ để đời của nhạc sĩ trên nền gam màu ấm để chúng ta có chút hồi tưởng, lắng đọng về người nhạc sĩ tài hoa.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (11/11/1924 - 29/6/2015) sinh ra và lớn lên tại thành phố Đà Nẵng, là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của nền âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX. Ông bắt đầu sự nghiệp âm nhạc từ những năm 1940. Cách mạng Tháng 8 thành công, ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trở thành những ký ức không thể nào quên đối với mỗi người dân Việt Nam. Những khoảnh khắc thiêng liêng ấy được nhiều nhạc sĩ lưu lại trong những ca khúc cách mạng, trở thành những bài ca đi cùng năm tháng, sống mãi cùng lịch sử dân tộc, trong đó có ca khúc "Đoàn Vệ quốc quân" của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, bài hát như ngọn lửa của lòng yêu nước, thôi thúc tinh thần chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc của quân và dân Việt Nam.
Năm 1955, sau khi tập kết ra Bắc, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu công tác tại Ban Nhạc vũ, Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1957, khi thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông được cử vào Ban chấp hành là Ủy viên Thường vụ và công tác tại Hà Nội. Tháng 12/1964, ông vào chiến trường Trung Trung Bộ ở trong Ban văn nghệ Khu. Sau năm 1975, ông chuyển về công tác tại Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh và sống ở đó cho đến cuối đời.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nổi bật với phong cách sáng tác đa dạng, từ những ca khúc cách mạng đến những bản tình ca, nhạc thiếu nhi... Ông đã thể hiện sự nhạy bén trong việc nắm bắt tâm tư, tình cảm của con người trong từng bối cảnh lịch sử, qua đó sáng tác những tác phẩm có sức lan tỏa trong đời sống âm nhạc. Âm nhạc của ông không chỉ phản ánh thực tại mà còn khơi gợi những giá trị nhân văn sâu sắc. Các ca khúc như "Những ánh sao đêm", "Cuộc đời vẫn đẹp sao", "Hành khúc ngày và đêm", "Bóng cây Kơnia", "Anh ở đầu sông em cuối sông", "Sợi nhớ sợi thương,"Ở hai đầu nỗi nhớ", "Thuyền và biển", "Tia nắng", "Đội kèn tí hon", "Nhớ ơn Bác"... vẫn lắng đọng trong tim nhiều thế hệ người yêu âm nhạc…
Trong suốt cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật, Phan Huỳnh Điểu đã được cả giới chuyên môn và công chúng kính trọng, yêu mến. Ông là tấm gương cho các thế hệ nhạc sĩ trẻ, truyền cảm hứng cho họ trong hành trình sáng tạo nghệ thuật. Với những đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam, năm 1988, ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Năm 2000, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với các tác phẩm: "Đoàn Vệ quốc quân", "Tình trong lá thiếp", "Thuyền và biển", "Những ánh sao đêm" và "Bóng cây Kơ nia".
Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành một số bộ tem như lời tri ân đến những nhạc sĩ tiêu biểu của Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng và nền âm nhạc nước nhà:
MS 1149: "Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921-2021)". Ngày phát hành: 19/12/2021.
MS 1170: "Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1922-2022)". Ngày phát hành: 25/12/2022.
MS 1183: Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao (1923-2023). Ngày phát hành: 15/11/2023.