Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam vừa chính thức phát động Giải thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam 2020 (Vietnam Smart City Award). Đây là Giải thưởng được tổ chức nhằm góp phần thúc đẩy nhanh việc xây dựng, phát triển thành phố thông minh bền vững tại Việt Nam và tiến trình chuyển đổi số quốc gia, thực hiện các mục tiêu, định hướng cũng như các chủ trương chính sách của Chính phủ. Giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam” sẽ được tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 2020.
Trong bối cảnh đó, Giải thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam 2020 được VINASA tổ chức nhằm mục đích tôn vinh, cổ vũ các thành phần, các đơn vị đã và đang có những đóng góp giúp thông minh hóa các đô thị tại Việt Nam qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển các đô thị thông minh tại Việt Nam. Giải thưởng cũng tạo ra nguồn động lực thúc đẩy các sáng tạo công nghệ song hành cùng các sáng tạo về cơ chế, chính sách giúp các thành phố nhanh chóng trở thành những thành phố có giá trị, có sức sống, sức cạnh tranh, và phát triển bền vững, đồng thời góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Với kinh nghiệm triển khai nhiều giải thưởng, chương trình bình chọn quy mô quốc gia và quốc tế như: Giải thưởng CNTT châu Á - Thái Bình Dương (APICTA), Danh hiệu Sao Khuê, Bình chọn doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam, VINASA cùng các chuyên gia đã xây dựng hệ thống Giải thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam quy mô và bài bản. Trong lần đầu tiên được tổ chức, Giải thưởng được xét trao cho 4 nhóm đối tượng bao gồm:
Nhóm 1: Các đô thị thuộc 6 loại hình đô thị của Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 42/2009/NĐ-CP
Nhóm 2: Các Dự án bất động sản, khu đô thị, tòa nhà thông minh
Nhóm 3: Các Dự án bất động sản công nghiệp (Business park)
Nhóm 4: Các giải pháp công nghệ cho các thành phố, dự án bất động sản, khu công nghiệp thông minh
Các đơn vị tham gia Giải Thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam 2020 sẽ trải qua 3 vòng đánh giá, bình chọn: Sơ tuyển; Thuyết trình và thẩm định thực tế; Bình chọn Chung tuyển. Với quan điểm ứng dụng các giải pháp công nghệ để tạo nên những giá trị tốt hơn, thúc đẩy đổi mới - sáng tạo, mang lại sự an toàn, thịnh vượng, tiện ích cho người dân và phát triển doanh nghiệp, mỗi nhóm đối tượng được xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá riêng biệt, cụ thể.
Theo đó, tiêu chí cho Nhóm 1 hướng tới khuyến khích xây dựng hành lang pháp lý, quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng số, nguồn lực, dịch vụ công, các tiện ích thông minh. Nhóm 2 hướng tới cổ vũ xây dựng môi trường đáng sống, đa tiện ích, cộng đồng văn minh cho cư dân. Nhóm 3 hướng tới khuyến khích tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh hoàn chỉnh hấp dẫn cho các doanh nghiệp Việt Nam và FDI. Nhóm 4 hướng tới thúc đẩy những sáng tạo công nghệ đem lại hiệu quả cao trong ứng dụng tại tất cả các hoạt động của các thành phố, khu đô thị, các dự án bất động sản và bất động sản công nghiệp.
Hội đồng đánh giá là các chuyên gia uy tín, có chuyên môn cao từ Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, các chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, quản lý, kinh tế xã hội, công nghệ, viễn thông, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, và các phóng viên báo chí.
Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, hiện nay 54,6% dân số thế giới (3,6 tỷ người) sống ở các đô thị, và đến năm 2050, tỉ lệ này sẽ là hơn 70% dân số thế giới. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng mặt khiến các thành phố trên toàn cầu đối mặt với rất nhiều vấn đề kinh tế, môi trường, xã hội. Xây dựng và phát triển các đô thị thông minh đang được xem là giải pháp hoàn hảo giải quyết triệt để các vấn đề của đô thị hóa.
Trong vào 10 năm trở lại đây, các thành phố từ phát triển như: New York, London, Tokyo, Singapore đến các thành phố thuộc các nước đang phát triển như Bangkok, Mexico, Cape Town... đều tập trung nghiên cứu phát triển xu hướng này. Thủ tướng Ấn Độ thậm chí còn tham vọng xây dựng 100 thành phố thông minh tại nước này vào năm 2022.
Việt Nam, với 833 đô thị các loại, đang rất tích cực thúc đẩy nhanh việc xây dựng và phát triển thành phố thông minh, xu hướng tất yếu của tất cả các quốc gia. Ngày 1/8/2018, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển Đô thị Thông minh bền vững giai đoạn 2018 – 2025, định hướng 2030 với mục tiêu có 06 thành phố thông minh thuộc 06 vùng kinh tế. Quyết định tạo ra một làn sóng thay đổi mạnh mẽ trong việc quy hoạch, xây dựng, định hướng phát triển của các thành phố. Đến nay, gần 40 đô thị Việt Nam đã có kế hoạch phát triển thành phố thông minh.
Ngày 31/5/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 829/QĐ-BTTT về Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh. Ngày 13/9/2019 Bộ cũng đã ban hành Công văn 3098/BTTTT-KHCN công bố Bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến 2025 (Phiên bản 1.0). Đây là những căn cứ pháp lý về CNTT cho việc xây dựng, phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam.