Kính thưa đồng chí Hồ Đức Phớc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính,
Chuyển đổi số (CĐS) thì điều kiện tiên quyết là cam kết của người đứng đầu vì nó liên quan đến sự thay đổi cách thức hoạt động. Chính vì thế mà Uỷ ban Quốc gia về CĐS là do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu. Ban chỉ đạo CĐS của Bộ Tài chính cần được thành lập và do Bộ trưởng đứng đầu. Lãnh đạo ngành Tài chính vốn có truyền thống là quyết tâm chính trị cao, quyết liệt. Anh Phớc là một người như vậy. Hàng chục năm qua, Bộ Tài chính luôn được xếp ở nhóm đầu về ứng dụng CNTT. Và đây là những thuận lợi căn bản để Bộ Tài chính CĐS thành công.
CĐS là dịch từ tiếng Anh: Digital Transformation. Transformation là sự thay đổi toàn diện, là chuyển đổi từ cái này thành cái kia, giống như quá trình sâu biến thành bướm. Thí dụ, nếu trước đây chúng ta quản lý chi tiêu theo định mức thì nay quản lý chi tiêu theo giá trị mà nó tạo ra.
Nhiều người hay quan tâm đến CĐS là gì. Nhưng có một cách tiếp cận khác là xem CĐS có mang lại giá trị gì không. CĐS có giải quyết được các vấn đề tồn tại kéo dài của ngành Tài chính không? CĐS ngành Tài chính có tăng thu ngân sách không? CĐS ngành Tài chính có làm cho chi tiêu công hiệu quả hơn không? CĐS ngành Tài chính có giảm tham nhũng không? CĐS có tăng năng suất lao động không? Nhìn vào kết quả cuối cùng vẫn luôn là cách tốt nhất để đánh giá và để hiểu về CĐS là gì. Vậy nên câu hỏi đầu tiên về các dự án CĐS luôn là về hiệu quả.
CĐS là công cuộc toàn dân và toàn diện. Vậy có ngành nào tác động đến toàn bộ công cuộc này không? Đó chính là ngành Tài chính Ngân hàng vì nó là huyết mạch của nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhắc đến CĐS ngành Tài chính Ngân hàng làm động lực cho CĐS quốc gia. Bởi vậy mà ngành Tài chính phải đi đầu về CĐS, lấy CĐS là đột phá cho nhiệm kỳ này, để tạo ra nhiều giá trị mới cho Ngành và cho đất nước.
Chuyển đổi là một sự thay đổi lớn. Thường thì ai cũng ngại. Một bộ lớn như Bộ Tài chính thì chắc là thay đổi sẽ khó khăn hơn. Đó là tư duy truyền thống. Nhưng ở một góc nhìn khác thì CĐS là làm cho công việc của mọi người dễ hơn. Máy móc và phần mềm thì sẽ phức tạp hơn để giúp cho công việc của người ra quyết định đơn giản hơn. CĐS thì tạo ra dữ liệu nhiều hơn, các công nghệ như Big Data và AI sẽ phân tích và đưa ra các khuyến nghị hỗ trợ cho lập ngân sách hiệu quả hơn.
Make in Vietnam là thiết kế tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam. Việt Nam có đến gần 60.000 doanh nghiệp công nghệ số. Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về gia công phần mềm. Người Nhật thuê FPT là công ty Việt Nam không chỉ gia công phần mềm mà còn là thiết kế phần mềm. Vậy nhưng tại sao Bộ Tài chính vẫn dùng nhiều phần mềm nước ngoài? Vấn đề là niềm tin thôi. Vừa qua, FPT xây dựng hệ thống khớp lệnh cho sàn chứng khoán TP HCM (HOSE) có công suất xử lý gấp 3 lần hệ thống hiện tại của nước ngoài chỉ trong vòng 100 ngày. Điều này làm thay đổi nhận thức về phần mềm Việt Nam. Nếu chúng ta không giao cho các công ty Việt Nam những việc lớn thì làm sao họ lớn lên được. Việc tạo ra người và việc tạo ra công ty. Việc vĩ đại thì tạo ra người vĩ đại và công ty vĩ đại. Việc chi tiêu của Bộ Tài chính cho CĐS ngoài việc hiện đại hoá ngành Tài chính thì còn một nhiệm vụ nữa là tạo ra các công ty công nghệ lớn của Việt Nam. Phần mềm Việt Nam còn tạo ra sự linh hoạt cho Bộ Tài chính, đáp ứng nhanh hơn các yêu cầu mới của Bộ Tài chính.
Thời ứng dụng CNTT thì niềm tự hào là nhiều máy tính, là có cái Data Center to. Thời CĐS thì không nhìn thấy máy tính, không phải vận hành nó thì sẽ tốt hơn. Cái mà Bộ Tài chính cần sở hữu là dữ liệu, là sự thông minh của phần mềm phân tích dữ liệu. Bộ Tài chính có nhu cầu rất lớn về điện toán đám mây thì cũng chỉ tới 15-20.000 VCPU. Nhưng một Data Center trung bình của nhà cung cấp dịch vụ là 20.000.000 VCPU, lớn gấp 1.000 lần của Bộ Tài chính. Và vì lớn hơn rất nhiều nên tiêu chuẩn sẽ tốt hơn, rẻ hơn và hiệu quả hơn. Vậy thì Bộ Tài chính nên nghĩ đến việc thuê hơn là đầu tư. Vận hành một Data Center sẽ cần đến một đội ngũ chuyên nghiệp, có chuyên môn cao, lương cao và cơ quan nhà nước thì không dễ để tuyển được những người này. Nếu Bộ Tài chính đã đầu tư rồi thì Data Center dự phòng nên đi thuê. Sự khác nhau giữa thời CNTT và CĐS là ở chỗ một bên thì coi trọng tài sản hữu hình còn một bên thì coi trọng tài sản vô hình (là những tài sản dựa trên cơ sở kiến thức). Các nước phát triển thì tỷ lệ tài sản vô hình là trên 80%, các nước nghèo thì tài sản hữu hình là 80%.
CĐS tức là mọi hoạt động sẽ lên môi trường số, là sản xuất kinh doanh, mua bán trên môi trường số. Bộ Tài chính đang thu được nhiều ngân sách trong đời sống vật lý nên chưa chú trọng thu ngân sách trên môi trường số. Nhưng các hoạt động kinh tế trên môi trường số đang tăng rất nhanh, gấp 3-5 lần trong môi trường thực. Rồi sẽ đến lúc trở thành tương đương và lớn hơn. CĐS ngành Tài chính là thu thuế các hoạt động kinh tế trên môi trường số. Và đây không chỉ là vấn đề thể chế mà còn là vấn đề công nghệ. Bộ TT&TT chắc sẽ giúp được Bộ Tài chính về vấn đề công nghệ. Vấn đề thể chế thì nhiều nước đã đi trước, nhất là EU, và chúng ta có thể tham khảo.
Cách làm thời CNTT và thời CĐS thì có gì khác nhau? Thời CNTT thì có thể làm từng phần, chỗ làm chỗ không, khi dùng thì nửa trong hệ thống nửa ngoài hệ thống, nhân viên thì dùng nhưng thủ trưởng không dùng, dữ liệu thì nhà ai người đó giữ, nói nhiều đến chi mà ít nói đến giá trị tăng thêm, người bận rộn nhất là giám đốc CNTT, khoe nhau thì là nhiều máy chủ, nhiều máy tính. Thời CĐS thì là tất cả các đơn vị trong tổ chức phải cùng làm, người đầu tiên phải dùng là thủ trưởng, không vào hệ thống thì không làm việc được và không còn lúc trong lúc ngoài, dữ liệu thì liên thông không còn cát cứ, câu hỏi đầu tiên thường là dự án mang lại giá trị tăng thêm gì thay vì hỏi chi mất bao nhiêu tiền, người bận rộn nhất là người đứng đầu tổ chức, khoe nhau là nhiều dữ liệu, là AI thông minh.
Có văn hoá thời CĐS không? Nếu có chăng một cái như vậy thì đó là tinh thần giống như khởi nghiệp, mọi thứ đều phải thử, đều rất nhanh, chấp nhận sai rồi sửa, nghĩ thì lớn mà làm thì từ nhỏ, mọi thứ khá bừa bộn, người làm nhiều nhất là Bộ trưởng, ai cũng hỏi Bộ trưởng mà Bộ trưởng thì chẳng biết hỏi ai, sẽ không biết cái gì đúng, cái gì sai mà phải là thử đi rồi biết.
Nhưng chúng ta có cách nào để không phải cái gì cũng cứ phải làm thử trước không, vì như thế thì chậm quá? Cái may của CĐS là nhiều bài toán khá là giống nhau ở các quốc gia khác nhau. Nhiều bài toán của ngành Tài chính Việt Nam đã được các nước giải quyết rồi, đang hoạt động hiệu quả rồi, vậy thì ta học và làm luôn thôi. Chúng có thể chiếm tới 60-80%. Trong thời đại thay đổi nhanh này thì học hỏi người đi trước luôn là cách nhanh và hiệu quả nhất. Và cũng là dễ nhất nữa.
Gần đây có câu chuyện lộ lọt thông tin của các nền tảng số. Cũng không phải gần đây mà là lúc nào cũng có. Nước lớn, nước bé, nước đã phát triển, nước đang phát triển, công ty to, công ty nhỏ đều có cả. Nó cũng giống như trong đời sống thực, luôn có trộm cắp, luôn có rủi ro. Không có rủi ro bằng không. Chỉ có quản lý rủi ro để rủi ro ở mức chấp nhận được. Quản lý rủi ro cũng kèm theo chi phí. Rủi ro thấp đi với chi phí cao. Bởi vậy mà luôn phải có câu chuyện tính toán cấp độ an toàn thông tin phù hợp cho từng hệ thống CNTT. Đây là câu chuyện mang tính toàn cầu. Một con số gợi ý về chi phí cho an toàn thông tin là 10% của tổng chi cho hệ thống CNTT. Bộ TT&TT đã đưa ra khuyến nghị về mô hình 4 lớp để bảo vệ hệ thống CNTT, bao gồm nhân lực tại chỗ, bảo vệ của doanh nghiệp chuyên trách về an toàn thông tin, kiểm tra tuân thủ của doanh nghiệp kiểm toán an toàn thông tin và giám sát của Trung tâm quốc gia về an toàn thông tin.
Ngày 18/10/2021 vừa qua, Bộ TT&TT đã phát động chương trình tìm kiếm lỗ hổng bảo mật (Bug Bounty) cho tất cả các nền tảng số quốc gia, trong đó có các hệ thống của Bộ Tài chính, và hàng năm sẽ vinh danh top 50 chuyên gia có nhiều đóng góp cho việc tìm kiếm và phát hiện lỗ hổng bảo mật. Giải thưởng cho năm 2021 là 1 tỷ đồng và sẽ tăng theo các năm. Đây là cách chủ động phát hiện lỗ hổng bảo mật.
Việt Nam là một trong số ít nước làm chủ tới 95% các phần mềm an toàn, an ninh mạng. Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh 86 là các cơ quan giúp cho Bộ Tài chính về an toàn, an ninh mạng.
Bộ Tài chính lo lắng về an toàn thông tin là điều bình thường. Lộ lọt thông tin vẫn có thể xảy ra. Nhưng cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro lại là tăng cường sử dụng công nghệ số chứ không phải là không dùng. Vì chúng ta không thể không dùng và phải thông qua dùng thì vấn đề mới bộc lộ và từ đó mà hoàn thiện. Các quốc gia phát triển có khả năng chống đỡ tốt hơn là vì họ đã sử dụng sớm hơn, vấn đề bộc lộ sớm hơn và hệ thống được hoàn thiện sớm hơn. Đi đầu về sử dụng công nghệ số và luôn quan tâm đến an toàn thông tin mới là cách tiếp cận đúng. Sợ hãi mà không dùng thì tụt hậu, nỗi sợ thì vẫn còn đó và ngày một lớn hơn.
Kính thưa các đồng chí,
Đất nước hùng cường thịnh vượng và hạnh phúc là khát vọng lớn của dân tộc ta. Nhưng sự thịnh vượng ấy lại phụ thuộc vào các hoạt động trên môi trường số, tức là CĐS. Động lực để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 là khoa học công nghệ, là đổi mới sáng tạo, là CĐS. Bộ TT&TT sẽ đồng hành với Bộ Tài chính trong công cuộc chuyển đổi số có tính cách mạng này.
Xin được cảm ơn Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã tổ chức buổi làm việc về CĐS ngành Tài chính ngày hôm nay. Chúc các đồng chí sức khoẻ, niềm vui và thành công!
Xin trân trọng cảm ơn!
Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông