Phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị tổng kết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn năm 2021

Thứ tư, 29/12/2021 21:20

Ngày 29/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2021, triển khai Kế hoạch năm 2022 của Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có bài phát biểu. Cổng TTĐT Bộ TT&TT trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị.

nguyen-manh-hung-1.jpg

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Xin chúc mừng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù COVID-19 cả năm liên tục mà vẫn tăng trưởng gần 3%, cao hơn tăng trưởng GDP cả nước (bình thường là thấp hơn) và có những phát triển mới, đáng trân trọng.

Một điều rất vui là, trong hầu hết các phát biểu của địa phương đều nhắc đến chuyển đổi số (CĐS) như một giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Chuyển đổi số mở ra ba xu thế mới.

Thứ nhất, phi trung gian hoá bằng các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo phát triển nhanh, mạnh 2 sàn TMĐT Việt Nam cho ngành Nông nghiệp, là Postmart và Vỏ Sò, thành 2 sàn TMĐT nông nghiệp lớn nhất.

Thứ hai, phi tập trung hoá. CĐS giúp cho từng hộ nông dân có thể tiếp cận thông tin, công nghệ như một doanh nghiệp và xây dựng thương hiệu đến mức hộ, thậm chí đến mức cây và con. Giải pháp ở đây là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cung cấp thông tin về ngành, cung cấp công nghệ như dịch vụ theo yêu cầu cho các hộ, với giá phù hợp mà các hộ nông dân có thể tiếp cận được.

Thứ ba, phi vật chất hoá. CĐS sẽ hình thành một phiên bản số của thế giới thực. Tức là, số hoá đất đai, môi trường, cây trồng, vật nuôi, thị trường... tiếp đó, các hoạt động như: Qui hoạch, mô phỏng, thử nghiệm, sáng tạo, phát triển, đánh giá, phân tích sẽ được thực hiện trên thế giới số, thế giới ảo một cách nhanh chóng, không hao phí vật chất. Khi đã tối ưu sẽ quay lại áp dụng vào thế giới thực. Vật chất sẽ được sử dụng tối ưu, hiệu quả cao hơn nhiều.

Năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội nghị CĐS cho toàn ngành Nông nghiệp. Năm 2022 sẽ là năm hành động. Trong số 34 nền tảng số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao phát triển trong năm 2022 để làm hạ tầng phát triển Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số, đã có đến 9 nền tảng dành cho ngành Nông nghiệp, như: nền tảng dữ liệu số nông nghiệp; nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản; nền tảng sàn TMĐT nông nghiệp; nền tảng tối ưu hoá chuỗi cung ứng, ... Nền tảng ở đây được hiểu là một phần mềm nhưng phục vụ cho toàn quốc, cho tất cả các tỉnh, các huyện, các xã và hộ nông dân.

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo về Công nghệ thông tin thành Ban chỉ đạo CĐS ngành Nông nghiệp, do Bộ trưởng làm Trưởng ban; cử ra một đồng chí Thứ trưởng chuyên trách về CĐS, có đơn vị chuyên trách về CĐS, có thể là Cục CĐS. Đồng thời, có kế hoạch riêng về CĐS cho năm 2022 và nên ban hành ngay đầu tháng 1/2022, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để triển khai theo tinh thần là việc gì khó, thuộc chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông thì nhanh chóng đẩy sang cho Bộ Thông tin và Truyền thông, việc gì khó hơn thì báo cáo Uỷ ban Quốc gia về CĐS do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Uỷ ban. Chọn một số doanh nghiệp công nghệ lớn làm đối tác chiến lược để nhanh chóng tạo ra các nền tảng CĐS ngành Nông nghiệp. Nhanh chóng ở đây là trong 6 tháng đầu năm 2022. Bộ cũng cần nhanh chóng phát triển một trang web về phổ biến, trao đổi các kinh nghiệm tốt về CĐS nông nghiệp, cả trong và ngoài nước. Cái gì mà mới thì cách học hỏi nhanh và hiệu quả nhất là chia sẻ.

CĐS có thể góp phần giải quyết hiệu quả những bài toán thiên niên kỷ của nhân loại. Ngành nông nghiệp cũng có những bài toán lớn tồn tại nhiều năm nay, là biến đổi khí hậu, là thâm nhập mặn, là năng suất thấp, là giá thấp, là thu nhập thấp, là khoảng cách tiếp cận y tế, giáo dục, tiếp cận công nghệ giữa thành thị và nông thôn. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập một nhóm công tác để giải quyết các vấn đề này bằng công nghệ số.

Có một kinh nghiệm tốt để đẩy nhanh CĐS tại các địa phương là thành lập Tổ công nghệ cộng đồng, đến mức xã, thôn, lấy thanh niên làm nòng cốt. Đào tạo lực lượng này thì Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ nhận trách nhiệm. Mô hình Tổ cộng đồng này là lấy từ kinh nghiệm phòng chống dịch.

Ở Việt Nam, muốn thành công thì phải phát huy được sức mạnh toàn dân. Và muốn làm được việc này thì vai trò của truyền thông là quan trọng. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiện toàn bộ phận chuyên trách làm công tác truyền thông, nhất là truyền thông về chính sách, cách làm và nhận phản hồi từ người dân, doanh nghiệp. Đào tạo bộ phận này thì Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ nhận trách nhiệm, nhất là về kỹ năng số, truyền thông số. Thứ Sáu hàng tuần, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo để các Bộ, ngành thông tin về các vấn đề quan trọng trong chính sách, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi có vấn đề lớn cần truyền thông, có thể cử lãnh đạo sang thông tin trực tiếp tới các phóng viên.

Cuối cùng, xin kính chúc sức khoẻ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Lê Minh Hoan và tất cả các đồng chí.

Chúc chúng ta đi qua đại dịch trăm năm thì học được bài học trăm năm và tận dụng được cơ hội trăm năm để bứt phá vươn lên.

Năm 2022 sẽ là một năm thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!

Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

BBT
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top