Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
Thưa các đồng chí,
Hợp với nghề nhưng để yêu được nghề thì cũng phải qua khổ luyện. Bởi vì, nghề gì thì cũng khó cả. Muốn làm tốt nghề, làm đến mức xuất sắc thì còn khó hơn. Sống với nghề một đời mà không đạt đến mức xuất sắc thì kể ra cũng là hoài phí, vì không nhận được niềm vui do nghề mang lại.
Làm nghề ở mức trung bình thì mình cũng không yêu được nghề mà nghề cũng không yêu mình, và giá trị mình tạo ra cũng rất nhỏ. Làm nghề ở mức kha khá thì giống như hai người sống cùng nhà, mọi sự đều ổn nhưng vẫn thấy thiếu cái gì đó, như là chưa tìm thấy mình. Làm nghề đến mức xuất sắc thì mới biết mình là ai, mới biết giá trị của mình. Và chỉ khi ấy mới thấy nghề yêu mình, mới thấy nguồn năng lượng vô tận do nghề mang tới cho mình. Và nghề thành nghiệp. Tức là nghề thành số phận.
Nghề văn phòng là một nghề rất khó.
Khó ở chỗ làm dâu trăm họ. Trăm họ thì được người này mất người kia. Hiểu một người đã khó, hiểu trăm người thì không phải là khó nữa mà là nhiệm vụ bất khả thi. Nhưng tại sao những doanh nghiệp làm dâu trăm họ mà lại thành công? Là bởi vì họ coi trăm họ là đối tượng phục vụ. Văn phòng cũng có thể làm như vậy.
Khó ở chỗ phục vụ thủ trưởng. Thủ trưởng thì yêu cầu cao. Vì thủ trưởng mà không yêu cầu cao thì không phải là thủ trưởng. Thủ trưởng mà không yêu cầu cao thì tổ chức đó rất khó là một tổ chức xuất sắc. Thủ trưởng thì không đơn thuần là một cá nhân, thủ trưởng còn là chính tổ chức đó, đại diện cho tổ chức đó. Nếu ta coi thủ trưởng là một cá nhân thì phục vụ một người thủ trưởng yêu cầu cao sẽ dễ bị khó chịu. Nhưng nếu ta coi phục vụ thủ trưởng chính là phục vụ tổ chức của mình thì sẽ khác.
Khó ở chỗ phải biết bảo vệ thủ trưởng làm đúng. Thủ trưởng thì có thể chủ trương, đường lối đúng, nhưng nắm chắc các qui định, làm đúng qui trình thì có thể không bằng văn phòng. Làm nhà nước thì phải coi trọng cả làm đúng và làm ra kết quả tốt. Chỉ biết làm ra kết quả tốt mà bỏ qua thủ tục thì cũng là phạm pháp. Văn phòng phải hiểu rất rõ điều này. Để làm việc này tốt thì với mỗi loại việc phải xây dựng check list để kiểm tra. Bảo vệ thủ trưởng thì không chỉ là bảo vệ thủ trưởng mà chính là bảo vệ tổ chức của mình.
Khó ở chỗ tham mưu cho thủ trưởng. Văn phòng thì chuyên môn khó có thể bằng các đơn vị chuyên môn. Vậy sẽ tham mưu bằng cách nào? Có hai cách để xuất sắc hơn người khác. Cách thứ nhất là xuất sắc hơn. Cách thứ hai là khác biệt. Văn phòng muốn tham mưu cho thủ trưởng về chuyên môn như đơn vị chuyên môn thì phải giỏi chuyên môn hơn, và trong trường hợp đó, chúng ta có thể cắt giảm tất cả các đơn vị, chỉ còn lại thủ trưởng và văn phòng là đủ. Vậy nên, văn phòng tham mưu cho thủ trưởng thì phải là một góc nhìn khác, một cách khác. Văn phòng có nhiều lợi thế khác biệt với đơn vị chuyên môn, vậy hãy đi con đường của mình.
Khó ở chỗ can gián thủ trưởng. Ai cũng sợ can gián thủ trưởng, nhất là những ai xa thủ trưởng thì lại càng ngại hơn. Nhỡ đâu thủ trưởng hiểu sai thì có khi thành vạ. Nhưng văn phòng là nơi gần gũi thủ trưởng nhất nên dễ làm việc này nhất. Người đứng đầu không thể thông thái hết mọi thứ. Văn phòng lại là nơi nhiều thông tin nhất, nhất là những thông tin từ cơ sở, nên cũng sẽ là nơi phù hợp nhất để can gián thủ trưởng. Một tổ chức mà có người can gián thì đó là một tổ chức bền vững.
Khó ở chỗ dễ trở thành một cấp quản lý, dễ thành dưới một người mà trên muôn người. Văn phòng không phải một cấp quản lý, không phải một cấp trung gian giữa thủ trưởng và đơn vị. Đơn vị là cấp dưới trực tiếp của thủ trưởng. Văn phòng là người giúp thủ trưởng làm việc trực tiếp với đơn vị, không xen vào giữa. Văn phòng mà thành một cấp quản lý không chính thức thì sẽ là một cấp rất to, và sự tha hoá của nó nếu có cũng sẽ là rất lớn. Muốn tránh điều này là không dễ, vì mọi việc muốn trình thủ trưởng thì phải qua văn phòng. Tâm lý chung trong bộ máy là sợ văn phòng, thực ra là sợ thủ trưởng nên sợ người gần thủ trưởng. Văn phòng làm gì với các đơn vị thì cũng hay lấy danh thủ trưởng, rất dễ lạm dụng. Văn phòng đứng cạnh thủ trưởng nhưng không vì thế mà là người đứng trên người khác. Văn phòng không đứng trên ai cả. Văn phòng đứng ở dưới đất.
Khó ở chỗ làm gác cổng. Gác cổng thì chức nhỏ mà lại không cho một ông rất to đi qua. Gác cổng thì không hiểu sâu chuyên môn mà lại không cho một văn bản rất sâu chuyên môn của một đơn vị rất chuyên môn đi qua. Nếu lấy vai cá nhân mà không cho qua, như tôi không cho anh qua, thì dễ thành chuyện. Nhưng nếu lấy qui định, lấy qui chế để cho qua hay không qua thì mọi người sẽ thấy thoải mái hơn.
Khó ở chỗ nhiều việc không tên. Việc không tên thì thường là không có nguồn lực đi kèm. Việc không tên thì không được đưa vào đánh giá, khen thưởng. Việc không tên thì không có kế hoạch. Việc không tên thì bất kể giờ giấc. Việc không tên thì không có qui định, mà nhà nước lại chỉ được làm những gì đã có qui định. Việc không tên thì không đánh giá bằng văn bản, nhưng lại được đánh giá rất đậm, được nhớ rất lâu trong suy nghĩ của mọi người. Tuy vậy, những việc không tên đó lại là một bộ phận không hề nhỏ trong đời sống của bất kỳ tổ chức nào. Một tổ chức thì có qui định - là luật thành văn, nhưng tổ chức cũng có văn hoá - là luật không thành văn. Những việc không tên thì được xử lý theo văn hoá của từng tổ chức. Bởi vậy mà văn phòng chính là nơi hình thành nên văn hoá của một tổ chức. Những việc không tên góp phần tạo nên văn hoá của một tổ chức.
Khó ở chỗ ít khi được khen, nhưng được chê thì nhiều, có lẽ là nhiều nhất. Làm văn phòng nhiều lúc thấy tủi là vì vậy. Nhưng nghề văn phòng, nghề phục vụ người khác vốn dĩ là vậy. Mỗi nghề đều có một cái “vốn dĩ là vậy”. Mỗi nghề đều có cái khổ tâm riêng. Chứ không chỉ riêng nghề văn phòng. Hiểu được điều này thì cũng sẽ thấy thoải mái hơn. Nghề văn phòng thì hãy lấy phục vụ người khác làm vui, lấy chê của người khác để làm tốt hơn.
Khó ở chỗ văn phòng thường là đông người và nhiều thành phần khác nhau. Từ bác bảo vệ, đến cô lễ tân, đến anh lái xe, đến người làm văn thư, đến người làm tổng hợp, đến người làm tham mưu cho thủ trưởng. Thành phần khác nhau thì tính cách khác nhau, mối quan tâm khác nhau, nhận thức cũng khác nhau, nghề nghiệp khác nhau, rồi thu nhập khác nhau. Một gia đình đông anh em thì cũng thế. Nhưng gia đình thì thường hoà thuận. Nếu văn phòng coi nhau như trong một gia đình, chia sẻ vui buồn cùng nhau, có việc nhà thì mọi người cùng chung tay làm, thì văn phòng sẽ hoà thuận.
Vượt qua được những cái khó của nghề văn phòng thì sống sẽ thấy không còn gì là khó nữa. Và đó chính là món quà mà nghề văn phòng ban tặng cho chúng ta - những người làm văn phòng.
Các đồng chí đã làm nghề văn phòng, ít nhiều thì cũng đã một vài năm rồi, đã đủ dài để biết mình có hợp nghề không. Không hợp nghề thì nên chuyển. Nếu thấy hợp thì phải hiểu nghề, nhận thức đúng về nghề, biết cách vượt qua những khó khăn của nghề, tiến tới làm nghề một cách xuất sắc, và chỉ đến lúc đó, các đồng chí mới nhận được món quà Trời Đất ban tặng - đấy là món quà của đời người mà không phải ai cũng có được. Nó cũng giống như món quà ngộ đạo của người tu hành. Ngộ được đạo nghề và qua đó cũng sẽ ngộ được đạo đời, như vậy thì cũng đáng để chúng ta khổ luyện. Ngộ được đạo nghề thì đó là lúc không còn thấy vất vả nữa, sẽ thấy niềm vui mỗi ngày trong công việc. Và đó là hạnh phúc!
Chúc các đồng chí nhiều sức khoẻ, làm xuất sắc nghề văn phòng, qua đó để cho tổ chức của mình được phát triển bền vững và cũng vì thế mà có nhiều niềm vui trong công việc./.
Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông