Kính thưa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính,
Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo Ban, Bộ, Ngành Trung ương và địa phương,
Kính thưa các quí vị đại biểu,
Ngày mai, ngày 12/12, là ngày doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Xin được nồng nhiệt chúc mừng cộng đồng 64.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, với doanh thu năm 2021 lên tới trên 135 tỷ đô la.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ số lần thứ nhất năm 2019, các doanh nghiệp điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số đã được thống nhất dưới một cái tên là doanh nghiệp công nghệ số. Sau Diễn đàn, Thủ trướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam với bốn loại hình doanh nghiệp, có doanh nghiệp làm chủ công nghệ lõi, có doanh nghiệp phát triển sản phẩm, có doanh nghiệp triển khai và có doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ số lần thứ hai năm 2020, Make in Vietnam đã trở thành ngọn cờ kêu gọi các doanh nghiệp thiết kế tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam. Thay vì làm gia công, lắp ráp thì hãy làm sản phẩm. Giải bài toán Việt Nam và từ cái nôi Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu.
Tại Diễn đàn lần hai này, chúng ta đã trịnh trọng tuyên bố: “Không Make in Vietnam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Vietnam thì chúng ta không thể đi ra thế giới. Không Make in Vietnam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Vietnam thì Việt Nam không thể hùng cường thịnh vượng”. Make in Vietnam ngắn gọn, thúc giục, nó là tự hào Việt Nam và vì thế nó đã đi xa, đã đến được với mọi người và mọi miền.
Năm 2021, mặc dù đại dịch bùng phát mạnh nhưng số lượng doanh nghiệp và doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 10%. Năm 2021, đã có nhiều hơn các sản phẩm số Việt Nam tiêu biểu, đã hướng vào giải các bài toán Việt nam, đã có nhiều hơn số sản phẩm ra nước ngoài, thứ hạng Việt Nam về công nghệ số đã tăng lên.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ số lần thứ ba năm nay, các doanh nghiệp công nghệ số hãy nhận lấy trách nhiệm phát triển các nền tảng chuyển đổi số quốc gia. Các nền tảng số quốc gia sẽ được nêu tên và được giao cho từng doanh nghiệp. Nhận phát triển các nền tảng số này là nhận sứ mệnh quốc gia. Bởi vì các nền tảng này chính là hạ tầng của nền kinh tế số, và không chỉ vậy, chúng còn giữ lại Việt Nam tài nguyên dữ liệu của người Việt Nam.
Việc thì tạo ra người, việc thì tạo ra công ty. Việc lớn thì tạo ra người giỏi, việc lớn thì tạo ra công ty lớn. Việc vĩ đại thì tạo ra người vĩ đại, việc vĩ đại thì tạo ra công ty vĩ đại. Các nền tảng số được nêu tên trong Diễn đàn hôm nay là những việc lớn, việc vĩ đại, phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Vĩ đại là vì những nền tảng này phục vụ hàng chục, hàng trăm triệu người dân, hỗ trợ chuyển đổi số cho cả một lĩnh vực. Những nền tảng số này sẽ giúp cho Việt Nam nhanh chóng trở thành một quốc gia số, tạo thành động lực tăng trưởng bền vững, để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Việt Nam hùng cường thịnh vượng và hạnh phúc là một việc vĩ đại. Sẽ có những con người vĩ đại và những doanh nghiệp vĩ đại được sinh ra trong công cuộc này.
Những việc cụ thể được giao cho những đơn vị cụ thể, có mục tiêu, có thời gian, có cơ cơ chế hỗ trợ. Đây là cách tiếp cận mới trong quản lý nhà nước. Những việc dù có khó mấy nhưng nếu được gọi tên một cách rõ ràng và được giao cho một đơn vị cụ thể, thì có lẽ phần khó nhất đã được giải quyết. Nói vậy là bởi trong thời đại công nghệ ngày nay thì nếu bài toán được gọi tên đúng, tường minh và kèm theo qui mô thị trường của bài toán là đủ lớn thì ngoài kia sẽ có người, có doanh nghiệp giải được. Công bố bài toán của mình để kêu gọi giải pháp sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp là cách tiếp cận của hầu hết các quốc gia ngày nay. Chúng ta có niềm tin vào sự sáng tạo của doanh nghiệp là vì phía sau mỗi doanh nghiệp là kho tàng tri thức của cả nhân loại, là khả năng huy động nguồn lực toàn cầu, cả nguồn lực nhân tài, công nghệ và tài chính.
Nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn này của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là đóng vai trò trung tâm của quá trình chuyển đổi số (CĐS) Việt Nam. Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số do Thủ trướng Chính phủ đứng đầu thể hiện cam kết mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ. Phiên họp đầu tiên của Uỷ ban ngày 30/11/2021 đã thống nhất các vấn đề về nhận thức, cách tiếp cận Việt Nam, bám sát tầm nhìn và các chiến lược quốc gia về hạ tầng số, công nghiệp công nghệ số, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, từ đó đề ra một kế hoạch cụ thể cho năm 2022. Tôi xin phép phát biểu làm rõ thêm một số ý sau.
Việt Nam gần như đã sẵn sàng cho một sự phát triển số mạnh mẽ: Một thị trường trẻ và đủ lớn để có thể nhanh chóng thương mại hoá các ý tưởng số mới, nhiều doanh nghiệp công nghệ số năng động. Chỉ cần thêm một cú huých là Chính phủ hoàn thiện thể chế số, hợp pháp hoá các tài sản số, sản phẩm và dịch vụ số và được pháp luật bảo vệ, mở ra không gian đổi mới cho các doanh nghiệp công nghệ số, cho phép họ thử nghiệm trước khi đưa vào quản lý, Chính phủ tiêu dùng công nghệ số nhiều hơn và Chính phủ đầu tư nhiều hơn vào công nghệ số.
CĐS tạo ra ba xu thế lớn: Phi trung gian hoá, phi tập trung hoá và phi vật chất hoá. Phi trung gian hoá thông qua kinh tế nền tảng. Thí dụ của nó là sàn thương mại điện tử. Phi tập trung hoá thông qua kinh tế chia sẻ. Thí dụ của nó là dịch vụ gọi xe công nghệ. Phi vật chất hoá là ảo hoá các sản phẩm và dịch vụ vật lý, như sách điện tử, âm nhạc số, mô phỏng thế giới vật lý bằng thực tế ảo. Cả ba xu thế này đều làm cho nền kinh tế của chúng ta hiệu quả hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Kinh tế số là nền kinh tế dựa trên dữ liệu. Vì vậy mà chính sách về dữ liệu có vai trò quyết định cho kinh tế số. Dữ liệu số giống như đất đai. Một loại đất đai mới. Càng nhiều dữ liệu thì càng nhiều đất đai. Canh tác trên đất đai này bằng công nghệ số sẽ tạo ra giá trị. CĐS tạo ra một loại đất đai mới, có người thì gọi là tài nguyên, có người thì gọi là dầu mỏ. Trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại của mình, con người chỉ có tiêu xài tài nguyên mà chưa từng bao giờ tạo ra tài nguyên. Chính phủ sẽ có một chiến lược về dữ liệu để tạo ra nhiều dữ liệu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác dữ liệu này để tạo ra giá trị. Đồng thời với nó là nghị định của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
CĐS là sáng tạo. Mà phải là sự sáng tạo của toàn dân. Việt Nam mạnh nhất là khi phát huy được sức mạnh toàn dân. Để phát huy được sức mạnh toàn dân thì cách tốt nhất là công bố các bài toán CĐS, cả ở tầm quốc gia, bộ ngành và các địa phương, cũng như bài toán CĐS của các doanh nghiệp. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ làm đầu mối để công bố các bài toán CĐS Việt Nam.
CĐS là cái mới. Bởi vậy mà chia sẻ về cái mới thành công là cách tốt nhất để lan toả và đi nhanh. Cái mới thành công của các địa phương, các bộ ngành, các doanh nghiệp và của cả các quốc gia khác nữa. Và không chỉ chia sẻ thành công mà cả các dự án thất bại và các bài học thất bại. Một trang web quốc gia để chia sẻ các kinh nghiệm CĐS sẽ được thiết lập.
Doanh nghiệp công nghệ số là hạt nhân, là lòng cốt để thúc đẩy CĐS quốc gia, để chuyển đổi tất cả các doanh nghiệp Việt Nam thành doanh nghiệp số, mọi tổ chức Việt Nam thành tổ chức số, mọi công dân Việt Nam thành công dân số. Nhưng họ cần thị trường để nuôi sống họ. Họ cần được tiếp cận và tham gia vào các dự án CĐS, cả của Nhà nước và của các doanh nghiệp. Việc Bộ Thông tin và Truyền thông công khai các dự án CĐS sẽ là một bước thúc đẩy CĐS.
Và cuối cùng, để thúc đẩy CĐS đi nhanh và đi đúng hướng thì một bộ chỉ số đo lường, đánh giá về CĐS là rất quan trọng. Chúng ta đã ban hành bộ chỉ số và tiến hành đánh giá, công bố lần đầu về CĐS chính quyền, bao gồm các bộ ngành và địa phương. Tiếp theo sẽ là bộ chỉ số đo lường về kinh tế số và xã hội số do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, sẽ được ban hành trong năm nay. Bộ chỉ số đánh giá về CĐS doanh nghiệp do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì cũng sẽ được ban hành trong năm nay.
Kính thưa các đồng chí,
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì chủ yếu là dựa trên công nghệ số. Khoa học công nghệ những năm của thập kỷ này cũng chủ yếu là công nghệ số. Đổi mới sáng tạo thì chủ yếu là trên không gian số, liên quan đến CĐS. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì tập trung vào công nghệ thông tin hoá, chuyển đổi số lĩnh vực sản xuất, tức là quá trình tự động hoá và thông minh hoá. Công nghiệp điện tử Việt Nam cũng có một cơ hội vô cùng lớn là sản xuất hàng tỷ, hàng trăm tỷ thiết bị IoT phục vụ số hoá thế giới thực.
Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có tên, có sứ mệnh và hôm nay đã có những nhiệm vụ, công việc cụ thể. Niềm tin mà Đất nước, Chính phủ đặt vào chúng ta là rất lớn. Bây giờ là hành động, hành động nhanh và hiệu quả.
Diễn đàn của chúng ta rất vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo, các định hướng của Thủ tướng về nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, đổi mới sáng tạo số và doanh nghiệp số sẽ là kim chỉ nam cho chúng ta.
Tôi xin tuyên bố khai mạc Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 3, với chủ đề “Chuyển đổi số - Động lực phục hồi và phát triển kinh tế”.
Xin trân trọng cảm ơn!
Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông