Theo đó, thành phố phấn đấu đến hết năm 2025, mỗi huyện, thị xã phát triển ít nhất 1 trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm OCOP. làng nghề gắn với du lịch. Đến cuối năm 2023, thành phố phát triển được 5 mô hình trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các xã: Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Duyên Thái (huyện Thường Tín), Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), Đường Lâm (thị xã Sơn Tây). Các năm 2024, năm 2025, UBND các huyện còn lại phấn đấu xây dựng, phát triển trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch (ít nhất 1 trung tâm/ huyện).
Nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề, xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo, sản xuất - chế biến, tiêu thụ sản phẩm (thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế) trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trong kinh tế tuần hoàn. Từ đó góp phần xây dựng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, tạo môi trường liên kết giữa nghệ nhân, đội ngũ thiết kế trẻ với tinh thần khởi nghiệp; các viện nghiên cứu, trường đại học chuyên ngành, tổ chức quốc tế phát huy ưu thế văn hóa địa phương, khát vọng phát triển kinh tế của cộng đồng tại làng nghề truyền thống trên địa bàn các huyện, thị xã của thành phố Hà Nội.
Sở Công thương Hà Nội sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; tham mưu UBND Thành phố phê duyệt đánh nhiệm vụ thực hiện hoặc kế hoạch thực hiện từng năm./.