Tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vào ngày 7/1, đại biểu Lê Minh Nam, đoàn Hậu Giang nhấn mạnh đến vai trò của chuyển đổi số trong phục hồi kinh tế xã hội.
Tập trung vào chuyển đổi số 3 nội dung
Đại biểu Nam cho rằng cần cụ thể hóa kế hoạch chuyển đổi số bằng những nhiệm vụ có thể đánh giá và đo lường được. Việc áp dụng các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thời gian vừa qua đã tác động làm thay đổi rất nhiều đến hành vi ứng xử trong quản lý cũng như trong các mối quan hệ kinh tế - xã hội, dân sự.
“Rất may, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết thông qua ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0”, đại biểu tỉnh Hậu Giang nói.
Theo ông, công nghệ đã giúp chúng ta kết nối giao thương trong điều kiện phong tỏa, giãn cách, hạn chế tiếp xúc và đi lại. Vì vậy, để tổ chức thực hiện tốt chương trình phục hồi trong thời gian tới, cần xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu nhằm hỗ trợ hấp thu chính sách tài khóa, tiền tệ một cách hiệu quả.
“Phải coi chuyển đổi số là phương tiện chuyên chở, phân bổ chính sách vào thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh có thể tiếp tục hạn chế chúng ta giao dịch, tiếp xúc bình thường theo những phương thức truyền thống, hơn nữa chuyển đổi số cũng phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, nhằm thúc đẩy, thay đổi tổng thể, toàn diện phương thức phát triển kinh tế - xã hội, lối sống của toàn thế giới”, đại biểu Nam phân tích.
Chuyển đổi số không chỉ góp phần tiết kiệm chi phí đầu tư, sản xuất, tiêu dùng để nâng cao lợi nhuận mà còn mang lại hiệu quả về chi phí, cơ hội, thời gian tạo nên hiệu quả tổng thể, tiện dụng, tiện ích và lợi ích cho người dân, doanh nghiệp cho nền kinh tế và toàn xã hội.
Đặc biệt, ứng dụng công nghệ còn giúp chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế, từng bước góp phần công khai, minh bạch, hỗ trợ quản lý, kiểm soát các hoạt động kinh tế dân sự, hỗ trợ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và giảm lượng tiền sử dụng trong lưu thông. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần tập trung vào để chuyển đổi số theo 3 nội dung chính.
Một là cần xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm nhanh chóng chuyển đổi số, trong đó hỗ trợ phục hồi kinh tế cần tập trung vào 4 lĩnh vực: Tự động hóa sản xuất; đẩy mạnh logistics và thương mại điện tử; phổ cập thanh toán điện tử, hỗ trợ chuỗi liên kết sản xuất tiêu dùng và thứ tư là nâng cấp, phát triển kê khai thuế, hải quan điện tử.
Còn để hỗ trợ cải thiện chính sách xã hội song hành cùng với phục hồi kinh tế, theo đại biểu Nam cần tập trung đầu tư công nghệ cho cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và phục vụ hoạt động an sinh xã hội như là chi trả lương, bảo hiểm xã hội, y tế, khám chữa bệnh từ xa, đào tạo và hiện tại thì nhiệm vụ chuyển đổi số đang xây dựng tại chương trình thì cũng đang còn rất là tổng quát, cần kế hoạch hóa thành các nhiệm vụ cụ thể để tổ chức thực hiện.
Cùng với đó cần bố trí nguồn lực và có chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số ở các khâu then chốt, chủ đạo. Nhà nước chỉ cần đầu tư hoặc khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng nền tảng, các thiết bị đầu cuối phục vụ ứng dụng công nghệ. Nếu mang lại lợi ích thì chắc chắn là doanh nghiệp và người dân sẽ chủ động đầu tư theo nhu cầu sử dụng.
Theo ông, thời gian qua, cho dù hạ tầng mạng có cải thiện, dung lượng băng thông có tăng lên nhưng vẫn còn thiếu so với nhu cầu. Tình trạng đứt cáp quang vẫn còn cho nên là cần đầu tư để khắc phục.
Hiện tại thì chương trình phục hồi mới dự kiến bố trí gói là 5.386 tỷ đồng nhưng đang thuyết minh là chỉ sử dụng cho lĩnh vực việc làm giáo dục, hóa đơn điện tử mà chưa có đầu tư hạ tầng nên cũng cần phải nghiên cứu để bổ sung.
Đại biểu tỉnh Hậu Giang cho rằng, trường hợp Nhà nước không đầu tư trực tiếp thì cũng phải có chính sách hỗ trợ, khuyến khích để các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, chuyển đổi số. Đồng thời, với 2 nhiệm vụ trên thì cũng phải đầu tư và có chính sách tăng cường bảo mật, kiểm soát rủi ro trong ứng dụng công nghệ.
Theo đó, cùng với bảo vệ bí mật thông tin, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư và các thông tin riêng tư khác của công dân theo Hiến pháp thì cũng cần phải tăng cường kiểm soát rủi ro, sự cố quản trị và vận hành. Bởi lẽ, nếu xảy ra sự cố hệ thống thì rất dễ bị tê liệt trên diện rộng, mất kiểm soát và hậu quả thì rất khó lường.
Vì vậy, việc chủ động kiểm soát rủi ro về hệ thống cũng quan trọng như việc đầu tư ứng dụng công nghệ chuyển đổi số.
Triển khai ngay từ trước Tết Âm lịch
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) quan tâm trực tiếp đến chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, 2023 và bày tỏ “tuy có hơi buồn so với mong muốn nhưng tính cấp thiết vẫn còn nguyên vẹn”.
Về gói giải pháp tài khóa, tiền tệ, đại biểu tỉnh Quảng Trị đồng ý với trong bối cảnh hiện nay, vai trò của chính sách tài khóa cần trở thành chủ lực, còn chính sách tiền tệ chỉ nên đóng vai trò hỗ trợ.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng
Theo ông, quy mô gói khoảng 347.000 tỷ đồng tương đương hơn 4% GDP là nỗ lực cao nhất, tốt nhất có thể cho lúc này. Thời lượng và nhịp độ thực hiện của gói, đại biểu cho rằng, sau khi được thông qua cần triển khai ngay từ trước Tết Âm lịch và chỉ kéo dài tối đa là 2 năm, kết thúc chính xác vào ngày 31/12/2023.
Trong đó tập trung cho năm 2022 để kịp thời hỗ trợ phục hồi kinh tế và sang năm 2023 nhiệm vụ chính chỉ là duy trì, củng cố các động lực phát triển và căn cứ vào diễn biến bối cảnh trong và ngoài nước.
Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, Chính phủ sẽ có những điều chỉnh linh hoạt, kịp thời cho phù hợp tình hình. Việc chốt cứng thời hạn nhằm phản ánh đúng bản chất cốt lõi của gói là để hỗ trợ, phục hồi và để xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành khi triển khai thực hiện.
Về đối tượng trọng tâm thụ hưởng, đại biểu tỉnh Quảng Trị nhất trí với định hướng tập trung cho 4 ưu tiên. Đó là y tế, an sinh xã hội, doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, ông băn khoăn về tính khả thi, khả năng hấp thụ của một số cấu phần, như hỗ trợ lãi suất vay qua ngân hàng thương mại 40.000 tỷ đồng, về thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi bổ sung qua Ngân hàng chính sách xã hội 38,4 nghìn tỷ đồng, đặc biệt tăng cường đầu tư cho hạ tầng giao thông chiến lược hơn 100.000 tỷ đồng. Các lập luận, phân tích, đánh giá và nhận định trong đề án chi tiết chưa thực sự thuyết phục.
Về khía cạnh nguồn tài chính huy động cho gói hỗ trợ, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng việc triển khai giải ngân được hết vốn của gói vào nền kinh tế hấp thu kịp, hấp thụ hiệu quả trong thời hạn cho phép sẽ đòi hỏi nỗ lực quyết tâm rất lớn của Chính phủ, nhưng để lo được kịp và đủ tiền cho gói thì còn khó khăn hơn nhiều.
Về phía tài khóa, đúng như Chính phủ nhìn nhận, tổng nhu cầu huy động vốn bổ sung cho ngân sách nhà nước 240.000 tỷ đồng là nhiệm vụ khó khăn và áp lực cho năm 2022-2023.