(Mic.gov.vn) -
Thuốc lá rất có hại cho sức khỏe không chỉ riêng người hút thuốc lá mà còn cả những người xung quanh. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh không chỉ Covid-19 mà còn các bệnh khác nữa. Trong tình hình bệnh dịch Covid-19 đang diễn tiến hết sức phức tạp và nghiêm trọng như lúc này những người còn đang hút thuốc lá thì phải ngưng ngay lập tức, những người đã bỏ thì đừng hút trở lại. Hãy vì sức khỏe của bản thân, người thân và cả cộng đồng ngưng ngay thuốc lá lúc này.
Anh Trần Văn Hiệp (Hàng Rươi, Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), là người đã từng nghiện thuốc lá, nhưng với quyết tâm cai nghiện, anh đã bỏ được thuốc lá, sức khỏe được cải thiện. Anh chia sẻ: “Lên lớp 10 tôi đã theo bạn hút thuốc lá, sau khi tốt nghiệp đi làm công trình hút nhiều hơn, đến độ môi thâm, ngón tay vàng. Tôi đã quyết tâm bỏ thuốc lá 2 lần, nhưng không thành công. Gần đây tôi thấy sức khỏe yếu, khó thở, nhất là vào buổi sáng. Đặc biệt, cái chết của bố do ung thư gan đã làm tôi quyết tâm bỏ thuốc cao hơn. Sau 3 tháng bỏ thuốc lá, tôi ăn được, ngủ được, không còn khó thở như trước và lên được 4kg”.
Trong thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, 69 chất gây ung thư. Các thành phần độc hại chính gồm: Nhựa thuốc lá (Hắc ín), Nicotin (là chất gây nghiện). Carbon Monoxide là nguyên nhân hình thành các mảng xơ vữa động mạnh, gây ra bệnh tim, đột quỵ và các vấn đề tuần hoàn khác. Benzene và Nitrosamines là chất sinh ung thư. Ammonia là một chất được sử dụng trong thuốc kích thích tăng trưởng và trong các sản phẩm tẩy rửa. Formaldehyde là dung dịch dùng trong ướp xác…
Với các thành phần độc tính trong khói thuốc, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra khoảng 25 căn bệnh như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch... (xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, nhồi máu cơ tim,...) và các bệnh về hô hấp”.
Một thực tế là có rất nhiều người muốn bỏ thuốc lá, vì thấy rõ những tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, khi đã nghiện rồi thì rất khó bỏ. Người nghiện thuốc lá bị lệ thuộc, không thể “quên” hút thuốc lá, ngược lại còn hút liên tục nhiều tháng nhiều năm, hút thuốc lá ngay khi đã mắc các bệnh do thuốc lá gây ra.
Để cai thuốc lá thành công, các chuyên gia khuyến cáo: Trước hết người hút thuốc cần lên kế hoạch bỏ thuốc và ý chí quyết tâm. Lên một kế hoạch cụ thể, nên chia cường độ giảm dần sử dụng thuốc từng ngày, từng tháng để cơ thể dễ dàng thích nghi. Ghi nhớ kế hoạch và kiên định với kế hoạch. Chỉ tiêu ban đầu đề ra là giảm dần và không hút thuốc trong một ngày sẽ rất dễ dàng thực hiện cho người nghiện thuốc. Viết ra những lý do để bỏ hút thuốc. Đọc qua danh sách mỗi ngày, trước và sau khi bỏ thuốc lá. Ghi lại thời điểm hút thuốc, tại sao hút thuốc và đang làm gì khi hút thuốc. Lập danh sách những việc có thể làm thay vì hút thuốc. Hãy sẵn sàng làm một việc khác khi muốn hút thuốc hoặc hít một hơi thật sâu, giữ nó trong tối đa 10 giây và thở ra từ từ, lặp lại nhiều lần cho đến khi ham muốn hút thuốc qua đi. Ngoài ra người hút thuốc cũng có thể gọi điện đến tổng đài miễn phí 1800 6606 của Trung tâm Tư vấn cai nghiện thuốc lá đặt tại Bệnh viện Bạch Mai để được tư vấn hướng dẫn cụ thể hơn.
Khi bắt đầu cai thuốc lá, thời gian đầu là thời gian khó khăn nhất. Người nghiện hút thuốc lá có thể có các biểu hiện bồn chồn, khó chịu và đói, có thể xuất hiện các rối loạn về giấc ngủ, cảm thấy chóng mặt, buồn ngủ hoặc đau đầu. Các triệu chứng cai nghiện này thường kéo dài vài giờ, đỉnh điểm trong 2-3 ngày đầu, một số trường hợp có thể kéo dài trong 1 tháng, sau đó sẽ mất. Vì vậy, đòi hòi sự kiên trì và quyết tâm cao độ, bên cạnh đó rất cần sự hỗ trợ động viên của người thân, hầu như không ai cai thuốc lá thành công ở lần đầu tiên. Sau mỗi lần không thành công cũng đừng quá thất vọng mà nên đặt quyết tâm thực hiện lại việc cai thuốc lá cho tới lúc dứt điểm bỏ được thuốc lá.
Mối liên quan giữa hút thuốc lá và covid-19
Người hút thuốc lá sẽ khiến hệ hô hấp bị ức chế, làm giảm khả năng bảo vệ của hệ hô hấp, tế bào niêm mạc đường hô hấp và các phế nang ở phổi bị tổn thương nhiều hơn từ đó khiến vi rút SARS-CoV-2 sẽ dễ xâm nhập hơn.
Khi hút thuốc lá sẽ phải tháo khẩu trang ra để hút và họ sẽ phải dùng tay để tiếp xúc với thuốc lá và bất lửa và lúc này sẽ làm tăng nguy cơ xâm nhập của vi rút vào cơ thể. Nếu họ mời nhau thuốc hoặc sử dụng bật lửa chung thì càng dễ lây nếu có người nhiễm trong nhóm này. Người hút thuốc lá lại tập trung cùng 1 khu vực để hút thì nguy cơ lây bệnh lại càng cao.
Những người hút thuốc lá thường có cơ địa sức khỏe yếu, dinh dưỡng kém và vệ sinh kém thì vi rút dễ lây nhiễm đồng thời diễn tiến nặng là rất cao.
Ho khạc đàm là triệu chứng thường thấy ở người hút thuốc lá và điều này sẽ làm tăng nguy cơ lây lan bệnh nếu người này có nhiễm bệnh. Những người thân xung quanh sẽ là đối tượng bị lây nhiễm đầu tiên và tiếp đến là những người tiếp xúc gần.
Nguy cơ diễn tiến nặng hơn của những người hút thuốc lá nếu như bị nhiễm bệnh Covid-19. Một đánh giá tổng hợp của 5 nghiên cứu gần đây ở Trung Quốc đưa đến kết luận là những người hút thuốc lá sẽ tăng nguy cơ diễn tiến nặng lên 1,4 lần và tăng nguy cơ nhập khoa chăm sóc đặc biệt phải thở máy hoặc tử vong lên 2,4 lần.
|