Ở nước ta, xưa nay đã xem “điếu thuốc, miếng trầu là đầu câu chuyện”, nên việc hút thuốc lá cũng phổ biến trong các cuộc trò chuyện thông thường cho đến hiếu hỉ, tiệc tùng và trong các cơ quan công sở. Thuốc lá gây nghiện bởi người hút thuốc lá càng lâu sẽ hút nhiều hơn nên tác hại đến sức khỏe của bản thân và những người xung quanh ngày càng lớn. Sự tốn kém về tiền bạc như phải thường xuyên chi tiền mua thuốc hút, tiền chữa bệnh do hút thuốc gây ra, công sức người nhà chăm nuôi người bệnh... cũng rất lớn.
Nhận thấy sự tàn phá quá lớn của thuốc lá đối với sức khỏe con người, môi trường, xã hội và kinh tế của các quốc gia, năm 2003, Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra Công ước khung kiểm soát thuốc lá, lần lượt các nước trên thế giới cũng đưa ra những quy định nhằm hạn chế dần người hút thuốc lá trong cộng đồng. 1 năm sau, Việt Nam là quốc gia tham gia Công ước khung kiểm soát thuốc lá (năm 2004). Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được thông qua ngày 16/8/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013.
Theo điều tra toàn cầu năm 2010 về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành thì Việt Nam là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc cao nhất thế giới. Tỉ lệ hút thuốc lá ở nam giới từ 15 tuổi trở lên là 47,4%; nữ giới 1,4%. Tính chung ở người trưởng thành là 23,8%, tức khoảng 15,3 triệu người trưởng thành ở Việt Nam đang hút thuốc lá, trung bình cứ 2 nam giới có 1 người hút thuốc.
Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng 6 triệu người chết do hút thuốc lá, 200.000 người lao động tử vong do thường xuyên hít phải khói thuốc lá thụ động tại nơi làm việc. Nước ta hàng năm có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc lá, chưa kể những tác hại sức khỏe không nhỏ đến 70% phụ nữ và 50% trẻ em do hít khói thuốc lá thụ động của người trong gia đình hút thuốc lá trong nhà.
Khoa học về y tế chứng minh, với 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất là tác nhân gây ung thư, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 25 căn bệnh nguy hiểm cho cả người hút và những người không hút nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc lá như: Ung thư phổi, ung thư thực quản, ung thư miệng, ung thư thanh quản, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn, nhiễm trùng đường hô hấp...
Tác hại của hút thuốc lá thụ động với trẻ em có thể gây hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, cân nặng khi sinh thấp, viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, các triệu chứng hen. Người mẹ khi hít phải khói thuốc lá nhiều trong thời gian mang thai thường hay bị sẩy thai, tăng nguy cơ thai chết lưu, làm chậm quá trình phát triển của thai nhi, con sinh ra thiếu cân, kém thông minh. Hút thuốc lá không chỉ gây nên bệnh tật mà còn gây tốn kém về kinh tế cho gia đình và xã hội.
Để góp phần phòng, chống tác hại của thuốc lá, Tổ chức Y tế Thế giới đã lấy ngày 31/5 hàng năm làm "Ngày Thế giới không thuốc lá"; Việt Nam lấy ngày 25 - 31/5 hàng năm làm "Tuần lễ quốc gia không khói thuốc lá". Ngày Thế giới không Thuốc lá năm nay Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn chủ đề “Thuốc lá - Mối đe dọa sự phát triển bền vững của các quốc gia”. Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế thế giới đề cập tới những tổn thất về sức khỏe và kinh tế, những tác động tiêu cực tới mục tiêu phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu cũng như từng quốc gia do việc sử dụng thuốc lá gây ra.
Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các quốc gia ưu tiên thúc đẩy các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, lồng ghép các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá trong các chương trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030; đồng thời, khuyến khích sự tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Thực tiễn cho thấy, để kiểm soát và từ bỏ được thuốc lá, ngoài những nỗ lực, cố gắng của bản thân người hút, cần có sự động viên, quan tâm, chia sẻ từ chính những người thân của họ và cộng đồng. Phòng, chống tác hại của thuốc lá là trách nhiệm của toàn xã hội. Sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh quyết định sự thành công của công tác phòng, chống tác hại thuốc lá. Đặc biệt, với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo, ngành Y tế cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị, nơi công cộng, xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của luật đã được ban hành.