Trong một nghiên cứu của Đan Mạch, hút thuốc cũng là một trong số những yếu tố làm gia tăng nguy cơ ung thư vú. Cụ thể những người hút thuốc lá có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn 60%, và trung bình, họ được chẩn đoán mắc bệnh sớm hơn người không hút thuốc 8 năm.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cũng đã phát hiện ra rằng hút thuốc trước thời kỳ mãn kinh, đặc biệt là trước khi sinh, có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư vú.
Tiến sỹ Fei Xue và các đồng nghiệp tại Đại học Y khoa Harvard ở Boston đã sử dụng các dữ liệu được thu thập từ nghiên cứu sức khỏe y tá (NHS) để xem xét các hồ sơ y tế của 111.140 phụ nữ trong giai đoạn từ 1976-2006 đối với hành vi hút thuốc lá chủ động và 36.017 phụ nữ từ năm 1982-2006 về việc hút thuốc lá bị động.
Kết quả cho thấy, có tổng cộng 8.772 ca bệnh ung thư vú được xác nhận trong giai đoạn nghiên cứu. Tỷ lệ ung thư vú có mối liên hệ với việc hút thuốc nhiều hơn trong giai đoạn trước kia và hiện nay, hút thuốc trong thời gian dài và hút thuốc từ lúc còn trẻ…
Các nhà khoa học đã rút ra kết luận rằng, hút thuốc trước khi mãn kinh làm tăng nguy cơ bị ung thư vú, trong khi đó, có những bằng chứng cho thấy, hút thuốc sau khi mãn kinh có thể làm giảm nguy cơ này.
Trước đây, các nhà khoa học Canada cũng chỉ ra rằng, chỉ cần hít khói thuốc thường xuyên cũng đủ dẫn tới căn bệnh ung thư vú, đặc biệt là ở phụ nữ tiền mãn kinh. Mức nguy hiểm tương đương với việc hút thuốc lá chủ động.
Tiến sỹ Kenneth C. Johnson thuộc Cơ quan y tế cộng đồng Canada đã tìm hiểu mối quan hệ giữa nguy cơ ung thư vú với hút thuốc lá (cả thụ động và chủ động) bằng cách phân tích 19 nghiên cứu đã công bố trước đó.
Kết quả cho thấy, hút thuốc lá thụ động thường xuyên trong một thời gian dài làm tăng bình quân 27% nguy cơ mắc ung thư vú ở những phụ nữ không bao giờ hút. Trong một vài nghiên cứu, nguy cơ này còn lên tới 80-90%.
Trong 14 nghiên cứu “mối quan hệ giữa hút thuốc bị động với nguy cơ ung thư ở thời kỳ tiền mãn kinh rất rõ rệt, tăng 68% ở những người tiếp xúc với khói thuốc thường xuyên và lâu dài, mặc dù cả đời không bao giờ động đến điếu thuốc“. Nguy cơ này còn lên tới 119% trong 5 báo cáo còn lại.
Chuẩn đoán xác định ung thư vú
Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất và gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ nhiều nước công nghiệp. Phần lớn u xảy ra ở phụ nữ độ tuổi 35-45, hiếm khi xảy ra dưới tuổi 30.
Ở Việt Nam, ung thư vú là bệnh phụ nữ hay gặp nhất trong các loại ung thư và có tới 50% người bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn.
Dưới đây là những chuẩn đoán xác định sớm ung thư vú
1. Lâm sàng:
Khối u vú thường không gây đau, một số trường hợp có chảy dịch đầu vú (dịch máu hoặc dịch vàng chanh) u có mật độ cứng rắn, mặt gồ ghề, ranh giới có thể rõ hoặc không. Trong những trường hợp đến muộn, u có thể xâm lấn vào thành ngực làm hạn chế di động hoặc xâm nhiễm da tạo hình ảnh "sần da cam" hoặc vỡ loét, đôi khi ung thư vú cũng biểu hiện như một viêm tấy lan toả vùng vú (ung thư vú thể viêm).
Trong nhiều trường hợp bệnh nhân thường có hạch nách cùng bên, hạch có thể có các mức độ tổn thương từ mềm đến cứng hoặc xâm nhiễm dính vào xung quanh tuỳ theo mức độ tiến triển bệnh. Trong mọi trường hợp đều phải lưu ý khám hạch thượng đòn và tuyến vú đối bên.
2. Chụp X quang tuyến vú:
Tổn thương điển hình có dạng hình sao nhiều chân, co kéo tổ chức tuyến vú, có nhiều chấm vi can xi hoá tập hợp thành đám.
3. Xét nghiệm tế bào học:
Thường thấy các tế bào ung thư mất sự kết dính, đa hình thái, tỷ lệ nhân/nguyên sinh chất tăng, nhiều nhân quái nhân chia, bào tương kiềm tính.
Khi cả ba phương pháp trong bộ ba kinh điển đều cho kết quả dương tính thì có thể đi đến chẩn đoán xác định. Nếu một trong ba phương pháp này nghi ngờ, bác sỹ lâm sàng có thể chỉ định sinh thiết kim, sinh thiết tức thì hoặc sinh thiết mở thường quy để khẳng định chẩn đoán.
4. Các phương pháp chuẩn đoán khác
+ Sinh thiết kim: cho phép lấy mảnh tổ chức làm xét nghiệm giải phẫu bệnh định typ mô bệnh học và các xét nghiệm cao cấp khác.
+ Sinh thiết tức thì: cho phép chẩn đoán xác định ung thư ngay khi bệnh nhân ở trên bàn mổ.
+ Sinh thiết mở: trong nhiều trường hợp chỉ phát hiện được ung thư sau khi đã phẫu thuật lấy u. Vì vậy, mọi trường hợp mổ u vú đấu bắt buộc phải kiểm tra giải phẫu bệnh khối u, đặc biệt là đối với các bệnh nhân trên 35 tuổi.
+ MRI ( Magnetic Resonance Imaging ) : Sử dụng những chấn động từ tính để chụp hình ba chiều các bộ phận trong cơ thể: MRI có thể được sử dụng để chụp hình vú nếu cần trong những trường hợp đặc biệt, khi mammogram hay siêu âm không có kết quả, MRI cũng có thể được dùng để truy tầm xem bệnh đã lây lan tới các cơ phận khác hay chưa.
+ PET Scan ( Positron Emission Tomography ) :
Sử dụng năng lượng phát ra từ hạt nhân positron hay hạt nhân dương tính để chụp hình: Một lượng đường có gắn chất phóng xạ rất nhỏ sẽ được chích vào cơ thể. Những tế bào cơ thể sẽ dùng chất đường này để hoạt động.
+ Các xét nghiệm đánh giá bilan chung và đánh giá tình trạng di căn xa: xét nghiệm máu, sinh hoá, siêu âm, X-quang.
|