Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Đại hội
Phát biểu Khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng cho biết, trải qua hai nhiệm kỳ hoạt động, Hội Truyền thông số Việt Nam luôn tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa cho hội viên, góp phần thúc đẩy lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông. Đặc biệt, Hội đã đồng hành cùng với tiến trình Chuyển đổi số quốc gia được triển khai mạnh mẽ trong những năm qua. Trong đó, có các hoạt động điển hình như: Giải thưởng thường niên Chuyển đổi số Việt Nam (Vietnam Digital Awards - VDA) bắt đầu từ năm 2018, nhằm tôn vinh những thành tựu chuyển đổi số xuất sắc của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và cá nhân, cũng như những sản phẩm, giải pháp, nền tảng chuyển đổi số tiêu biểu; Tổ chức khảo sát, đánh giá xếp hạng Chính phủ điện tử thường niên của cơ quan nhà nước Trung ương và địa phương; Phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử, chuyển đổi số…
Cũng theo ông Nguyễn Minh Hồng, Hội đã tích cực tham mưu đề xuất, tư vấn, phản biện đóng góp ý kiến vào nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược quy hoạch, chương trình phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông; khuyến nghị các cơ quan chức năng trong việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý để điều chỉnh các hoạt động về truyền thông số, nội dung số, viễn thông và công nghệ thông tin, như: góp ý về Dự thảo Luật An ninh mạng, dự thảo Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Viễn thông và nhiều dự thảo Nghị định của Chính phủ. Hội cũng đóng góp ý kiến cho dự thảo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, dự thảo Chiến lược phát triển Chính phủ số, dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số và nhiều đề án chiến lược khác về kinh tế số, về dữ liệu số.Tại Đại hội, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam Lê Đức Sảo đã báo cáo đánh giá kết quả công tác Hội trong nhiệm kỳ II (2017 - 2022). Báo cáo nêu rõ, trong suốt nhiệm kỳ, công tác tổ chức và phát triển hội viên hàng năm thường xuyên được chú trọng. Hoạt động của Hội đã từng bước được tổ chức bài bản hơn, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, cộng đồng trong nước và quốc tế. Hội đã có nhiều hoạt động, đóng góp tích cực, rõ rệt vào sự phát triển và gắn kết các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nội dung số, truyền thông số. Tổ chức bộ máy của Hội được kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động. Hội đã thực hiện tốt vai trò của mình trong việc kết nối, hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác, phát triển lĩnh vực truyền thông số tại Việt Nam. Trong nhiệm kỳ II, lực lượng hội viên của Hội Truyền thông số Việt Nam ngày càng lớn mạnh khi Hội đã kết nạp thêm 353 hội viên. Các hội viên đều phát triển đóng góp thiết thực cho lĩnh vực truyền thông số nói riêng, thông tin và truyền thông nói chung.Bên cạnh đó, Hội cũng tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn chuyên đề về chính phủ điện tử, đô thị thông minh, về chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực. Hội Truyền thông số Việt Nam cũng tổ chức được nhiều cuộc trao đổi, thảo luận về những vấn đề nóng của đất nước, của ngành, được xã hội quan tâm, giúp cộng đồng hiểu rõ, hiểu đúng vấn đề, từ đó tạo được dư luận tích cực, khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển.
Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại Đại hội
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động vẫn còn tồn tại những hạn chế. Báo cáo tổng kết tại Đại hội chỉ rõ, Hội chưa tổ chức được nhiều hoạt động kết nối hội viên. Chi hội Truyền thông số phía Nam thành lập từ năm 2018, chưa đi vào hoạt động như kế hoạch đề ra, cho tới đầu năm nay kiện toàn lại mới tổ chức được một số hoạt động. Chưa thành lập được Chi hội Truyền thông số khu vực miền Trung. Ngoài ra, do nguồn kinh phí của Hội hạn hẹp nên hoạt động gặp khó khăn, số nhân sự làm việc chuyên trách rất hạn chế. Lãnh đạo Hội và Ban Thường vụ đều làm việc kiêm nhiệm và chưa có chế độ lương, phụ cấp.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội, Đại hội đã đề ra phương hướng nhiệm vụ công tác Hội trong nhiệm kỳ III (2022 - 2027). Theo đó, thời gian tới, Hội cần tiếp tục phát huy và tổ chức các hoạt động tạo ra uy tín trong cộng đồng, kiện toàn các đơn vị trực thuộc Hội, bảo đảm hoạt động hiệu quả. Đẩy mạnh công tác phát triển hội viên; tổ chức thực hiện tốt quy chế hội viên cao cấp tích cực tổ; chức thực hiện các hoạt động kết nối hội viên; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên.
Bên cạnh đó, tích cực tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện, triển khai các hội thảo, tọa đàm chuyên đề tập trung vào chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số. Tổ chức thành công Giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam” hàng năm và tôn vinh những tổ chức cá nhân được nhận giải thưởng. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, tiếp tục tham gia chương trình đào tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tích cực tổ chức các hoạt động dự án, chương trình, sự kiện, hợp tác trong nước, quốc tế.
Chủ tịch VDCA Nguyễn Minh Hồng và các Phó Chủ tịch VDCA nhiệm kỳ III.
Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chúc mừng sự thành công của Đại hội lần thứ III Hội Truyền thông số Việt Nam. Đại hội đã lựa chọn được những cá nhân tiêu biểu tham gia vào Ban Chấp hành của Hội trong nhiệm kỳ mới. Ông bày tỏ tin tưởng Ban Chấp hành mới sẽ là một tập thể đoàn kết, vững mạnh, phát huy được những giá trị nền tảng đã được hình thành, bồi đắp, hun đúc ngay từ những ngày đầu thành lập Hội từ năm 2011.
Sau mỗi giai đoạn, mỗi tổ chức cần tìm ra cho mình sứ mệnh mới. Đất nước đang trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số.
Nghị quyết số 29 Hội nghị Trung ương 6 khóa 13 ngày 17/11/2022 đã xác định quan điểm: Chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ban Chấp hành Hội Truyền thông số nhiệm kỳ III và các hội viên hãy cùng nhau trăn trở suy nghĩ để tổ chức các hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ này gắn liền và đồng hướng với các mục tiêu chung mà đất nước đã đặt ra.
Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng: Hội truyền thông số Việt Nam đã và sẽ tiếp tục làm tốt những việc mình đang làm và có một số những việc mới. Cụ thể về mặt tư vấn, phản biện chính sách cho cơ quan nhà nước thì chúng ta cố gắng là tư vấn phản biện đúng, trúng, khả thi.
Về đào tạo bồi dưỡng kỹ năng số, chúng ta đã làm tốt nhưng trong những gì tới thì cố gắng là chúng ta tổ chức được nhiều hơn; các khóa đào tạo bồi dưỡng kỹ năng số thì ngắn hơn; tiếp cận một diện rộng hơn và đặc biệt là mọi người học buổi sáng thì buổi chiều có thể dùng được ngay. Truyền thông về chuyển đổi số thì lan toả tới mọi ngõ ngách, mọi người.
Đặc biệt quan trọng là hiệp hội cùng với Cục Chuyển đổi số Quốc gia thực hiện đo lường đánh giá mức độ chuyển đổi số hàng năm chú trọng tới việc đo lường Chính phủ số để giúp thế giới hiểu về Việt Nam, và Việt Nam hiểu về cách thế giới đo lường để chúng ta có thể cải thiện được chỉ số này. Cuối cùng, lĩnh vực công nghệ số thay đổi rất nhanh, Hội và các thành viên của Hội hãy không ngừng đưa ra các sáng kiến, thử sai, thử nhanh, sai nhanh, dùng nhanh và từ đó chúng ta tìm được ra nhiều cái đúng, cái tốt.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng tặng hoa chúc mừng Tiến sĩ Nguyễn Minh Hồng tái đắc cử Chủ tịch Hội Truyền thông số nhiệm kỳ III (2022-2027).
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ III gồm 86 ủy viên; bầu Ban Kiểm tra gồm 3 thành viên. Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền được bầu vào Ban Chấp hành Hội Truyền thông số Việt Nam nhiệm kỳ III (2022 - 2027).
Ban Chấp hành Hội khoá III đã họp phiên thứ nhất bầu nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội nhiệm kỳ II Nguyễn Minh Hồng làm Chủ tịch Hội nhiệm kỳ III./.