Những năm qua, nhằm khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn, TP.HCM đã ban hành nhiều chính sách.
Hỗ trợ nhiều chính sách phát triển ngành nghề nông thôn
Ngay từ 10 năm trước, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 5259/QĐ-UBND để khuyến khích đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn. Theo đó, mỗi HTX làng nghề, ngành nghề nông thôn thành lập mới sẽ được hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu với kinh phí 100 triệu đồng.
Sau đó, thành phố ban hành thêm Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, các HTX, cá nhân đầu tư phát triển các sản phẩm ngành nghề nông thôn truyền thống, ngành nghề nông thôn có giá trị kinh tế cao sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất khi đầu tư xây dựng cơ bản, mua máy móc thiết bị phục vụ phát triển ngành nghề nông thôn; và được hỗ trợ 60% lãi suất khi đầu tư mua vật tư, nhiên liệu và trả công lao động sản xuất sản phẩm ngành nghề nông thôn.
Ngoài ra, đối với chương trình OCOP, TP.HCM ưu tiên chọn hộ dân là thành viên HTX, các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của làng nghề, ngành nghề nông thôn…
Và hiện nay, TP.HCM đang hỗ trợ các chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ về đất đai, nhà xưởng cho các HTX làng nghề, ngành nghề nông thôn; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng ngoại thành theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông nghiệp đô thị.
Tham gia xây dựng nông thôn mới
Sau nhiều năm ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, hiện TP.HCM đã xây dựng được nhiều ngành nghề nông thôn phát triển hiệu quả, như nghề sản xuất bánh tráng (xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi), nghề đan đát (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi), nghề se nhang (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh), nghề sản xuất muối (huyện Cần Giờ), nghề trồng mai vàng (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh), nghề chế biến khô thủy sản (huyện Cần Giờ), ngành sản xuất mành trúc (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi).
Các ngành nghề, làng nghề nông thôn này không chỉ tham gia tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ gìn ngành nghề truyền thống mà còn giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn.
Các ngành nghề nông thôn đã giúp giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập; nâng cao trình độ tay nghề, tạo điều kiện để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình phát triển nông nghiệp đô thị và xây dựng nông thôn mới ở thành phố.
Có thể thấy rõ nhất hiệu quả đóng góp của làng nghề trồng mai vàng ở xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh). Đây là một làng nghề, ngành nghề nông thôn non trẻ của thành phố, nhưng thời gian qua đã phát huy rất tốt vai trò giải quyết việc làm, tăng thu nhập và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Mỗi năm, làng nghề này giải quyết cho hàng ngàn lượt lao động địa phương và các tỉnh lân cận có việc làm, giúp nhà vườn thu lợi tiền tỷ trên mỗi ha diện tích đất trồng mai vàng. Và đặc biệt, nhờ có làng nghề trồng mai vàng mà xã Bình Lợi từ một xã nghèo nhất, nhì của thành phố vươn lên thành xã nông thôn mới, với thu nhập bình quân đầu người cao nhất trong các xã nông thôn mới của thành phố…