Trong vòng hơn 20 năm qua, Việt Nam đã mất 12% số rạn san hô
Theo báo cáo, thảm cỏ biển phân bố từ Bắc vào Nam và ven các đảo ở độ sâu từ 0-20 m hiện chỉ còn khoảng trên 5.583 ha. Một số khu vực, thảm cỏ biển hầu như không có cơ hội để phục hồi tự nhiên do có quá nhiều tác động từ hoạt động du lịch, nuôi trồng thủy sản ở khu vực này (Cát Bà, Hạ Long, Quảng Nam…). Đáng lưu ý, hệ sinh thái thảm cỏ biển là một trong những hệ sinh thái biển quan trọng, nhưng hiện nay đang đứng trước nguy cơ bị tổn thương và suy thoái. Sự suy thoái hệ sinh thái thảm cỏ biển thể hiện trên các khía cạnh như giảm số lượng cá thể và số loài, thu hẹp diện tích phân bố, ô nhiễm, thoái hóa môi trường sống, giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi kinh tế của các loài quý hiếm.
Những cánh rừng ngập mặn nguyên sinh hầu như không còn. Sự suy giảm trầm trọng diện tích rừng gập mặn đã kéo theo sự suy giảm đa dạng sinh học đa dạng sinh học biển, đặc biệt mất bãi sinh sản và nơi cư ngụ của các loài thủy sinh.
Báo cáo cũng khẳng định, trong vòng hơn 20 năm qua, Việt Nam đã mất 12% số rạn san hô; 48% số rạn san hô khác đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Diện tích các rạn san hô bị mất, tập trung chủ yếu ở các vùng có dân cư sinh sống như Vịnh Hạ Long, các tỉnh ven biển miền Trung và một số đảo có người sinh sống nhiều nơi độ phủ giảm trên 30%. Sự suy giảm diện tích và những tổn thương của nhiều rạn san hô làm suy giảm đa dạng sinh học, sinh thái và chất lượng môi trường biển; thiệt hại cho ngành du lịch, thủy sản và sinh kế của các cộng đồng vùng ven biển
Hiện nay mặc dù đã nghiên cứu trồng và phục hồi, tái tạo thành công san hô ngoài tự nhiên, nhưng diện tích được phục hồi còn rất thấp. Bên cạnh đó, việc khai thác và đánh bắt cá quá mức, đến nay đã ghi nhận khoảng 100 loài sinh vật biển nước ta có nguy cơ bị đe dọa; nhiều loài quý hiếm đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ IUCN để yêu cầu phải có biện pháp bảo vệ (37 loài cá biển, 6 loài san hô, 5 loài da gai, 4 loài tôm rồng, 1 loài sam, 21 loài ốc, 6 loài hai mảnh vỏ, 3 loài mực).
Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và một số tổ chức quốc tế khác trong những năm gần đây cũng chỉ ra rằng, khoảng hơn 80% lượng cá trên các vùng biển ven bờ và ngoài khơi của Việt Nam đã bị khai thác, trong đó có đến 25% lượng cá bị khai thác quá mức hoặc khai thác cạn kiệt; sản lượng đánh bắt giảm đáng kể; nhiều loài sinh vật biển khác đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.
Các chuyên gia cũng khẳng định, hoạt động của con người là nguyên nhân chính của hiện tượng dư thừa các chất dinh dưỡng đổ vào đại dương từ các cống, rãnh, sông, suối. Đó là nguyên nhân gây ô nhiễm, dần sẽ tạo ra những “vùng biển chết” – nơi có hàm lượng ôxy thấp hoặc thiếu ôxy, gây nguy hại tới sự sống của các sinh vật biển.
Theo phân tích của Tiến sĩ Dư Văn Toán và Tiến sĩ Trần Đức Trứ, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Đa phần các yếu tố vật lý, động lực có xu hướng gia tăng, các yếu tố hóa học có xu thế suy giảm, các yếu tố sinh học, sinh thái thay đổi theo hướng tiêu cực, gây nên những ảnh hưởng không nhỏ đến cấu trúc hệ sinh thái đại dương và sinh kế ngư dân. Nước biển dâng làm cho không gian môi trường sống của cư dân ven biển bị thu hẹp lại, vùng ven biển và cửa sông sẽ bị xâm nhập mặn sâu hơn; các sinh vật biển và hệ sinh thái sẽ dần biến mất do các vùng biển chết ngày càng mở rộng.
Chính vì vậy, cần phải xác định việc nghiên cứu biến đổi môi trường và ô nhiễm biển, tổ chức quan trắc định kỳ các yếu tố đại dương chỉ thị cho sự thay đổi môi trường đại dương, xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường biển, đại dương quốc gia, bao gồm ô nhiễm… Để không có những “vùng biển chết” trong tương lai thì công tác bảo tồn biển, gìn giữ đa dạng sinh học, ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường biển cũng như bảo vệ và khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên biển phải trở thành nhiệm vụ cấp bách hiện nay.