Và dẫu thời gian không hề biết đợi, năm tháng có đầy vơi, tình trên đảo mãi nặng ngọt như thế!
Đảo kể tôi nghe chuyện Tổ quốc mình
Tôi theo đoàn ghé thăm Nhà trưng bày đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Từ những tấm bài vị giữa nhà lắng sâu tôn nghiêm, những tấm bản đồ cổ về chủ quyền đất nước, chiếc thuyền câu nghiêng mình nơi sóng gió thuở nào - đảo kể tôi nghe về tình yêu Tổ quốc mãnh liệt từ đời cha ông như thế.
Xếp hình cờ Tổ quốc bên bờ biển Lý Sơn
Ghé từng bức ảnh, từng chiếc nẹp tre manh chiếu mà tưởng như mình đang chứng kiến những năm tháng khó khăn sóng gió của cha ông đi giữ gìn biển trời. "Đây Hoàng Sa, kia Trường Sa, ngàn bão tố phong ba đã vượt qua, vượt qua"!
Để tăng cường quản lý vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, chúa Nguyễn đã lập ra đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải do triều đình quản lý. Các thành viên đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đều xác định một đi không trở về.
"Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn
Người đi thì có mà không thấy về"
Ngày nay để tưởng nhớ công lao của những hùng binh Hoàng Sa, hằng năm trên đảo Lý Sơn, vào mỗi tháng ba âm lịch, người dân nơi đây lại tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Ðây luôn được coi là hoạt động tâm linh quan trọng đối với người dân đảo Lý Sơn.
Đất thấm đẫm mồ hôi vai áo
Ở Lý Sơn, nắng rát chân, gió luồn không ai cản vào từng khóe mắt. Đất ở thấm đẫm mồ hôi người trên đảo. Để có những cánh đồng trồng tỏi mang hương vị đặc biệt của Lý Sơn, người ta tạo nên những cánh đồng phủ bạt ngàn cát trắng hút từ biển.
Cái dạn dày, chăm chỉ của người nông dân có thể đếm bằng từng hạt cát trên đồng ruộng, từng bãi đá ngầm lộ ra trước cửa Hang Cao khi biển được hút cát để phủ trên từng mảnh đất.
Những ruộng tỏi mọc lên như chính sự mặn mòi và kiên cường của đất. Chẳng phải đất đã rất tình đó sao? Hay tình người Lý Sơn đã thấm đẫm vào đất mà cho sức sống kiên cường đến vậy?
Đảo trồng được rau, hành, dưa, và một số trái cây. Dù giông gió, khắc nghiệt, đất cằn cỗi, bàn tay những con người trên đảo đã vun sức sống xanh non và trĩu cành cho từng tấc đất.
Mỗi mảnh vườn không chỉ có giọt mồ hôi chang nắng mà còn mang tình người nơi đầu sóng ngọn gió, nơi vị trí tiền tiêu của Tổ quốc: họ sống bám đảo, giữ đảo, làm giàu cho đảo và vun tình cho mỗi tấc đất nơi đây.
Thăm Lý Sơn, không ít người bất ngờ về cây bàng vuông. Đất cằn, chỉ cát sạn, nhưng cây nào cũng xanh tốt, đơm hoa kết trái. Người ta thường nói rằng vì cây bén duyên với đất, vì đất ở đây "tình" lắm nên chút khổ cực chỉ làm cây rắn rỏi hơn thôi.
Chúng tôi đi thăm những cánh đồng trên đảo đã phủ màu xanh, những mảnh ruộng còn nguyên màu cát trắng ủ, phía dưới là lớp phân và đất màu, đâu đó những tiếng cười ran của bác nông dân trên cánh đồng. Chẳng phải giữa những cái khắc nghiệt của biển trời, đất và người trên đảo đã rất kiên cường đó sao!
Tình người giữa biển trời mến thương
Chúng tôi ghé thăm Đảo Bé, vì người dân bảo chưa thăm Đảo Bé là chưa biết hết Lý Sơn. Đảo đẹp, nên thơ, nguyên sơ như viên ngọc xanh giữa trời.
Dù khách du lịch đến rất đông, ta không có chút nào cảm thấy xô bồ hối hả. Chúng tôi cảm giác ở đây người ta thân nhau vậy, mà chẳng phải nên thế sao khi những người anh em trong đất liền đến thăm đảo, thăm nơi đầu sóng ngọn gió thì ắt là người ta dùng chữ "tình" để vui mừng đón nhau!
Hướng dẫn đoàn chúng tôi kể, có lần gặp bão, hơn 2.000 khách du lịch bị kẹt lại trên đảo suốt mấy ngày, vì tàu không ra đón được. Đảo nhỏ nhưng "tình thương mến thương" lắm, lo lắng được cho tất cả.
Cột cờ Tổ quốc bên bờ biển huyện đảo Lý Sơn
Khách sạn không đủ, theo chủ trương của chính quyền, mọi gia đình trên đảo đều dùng nhà mình để đùm bọc du khách những ngày giông gió. Cùng ăn ở, trò chuyện chờ bão tan, mọi vấn đề an toàn của du khách được người dân giúp đỡ.
Bão tan hồi ấy, Lý Sơn có một cuộc chia tay của mấy ngàn người, đặc biệt lắm và mến thương vô cùng giữa đảo với đất liền.
Giờ nhiều gia đình còn kết nghĩa, giữ tình bạn khắp bốn phương từ đợt giông bão hồi ấy.
Cảm giác tình người trên đảo dâng trào nhất có lẽ là mỗi khi nghe tin tàu cá của ngư dân gặp nạn. Không cứ phải là cùng nhà, cùng quê nhưng đảo luôn hỏi han, chờ đợi và vỡ òa mỗi khi tàu gặp nạn được lai dắt về Lý Sơn an toàn. Cũng có khi đảo nghẹn ngào, nước mắt thấm đẫm bờ biển khi cứu nạn có chuyện xấu xảy ra.
Tôi từng được nghe đại úy Vũ Trọng Phú (trước đây là thuyền trưởng tàu HQ-884 - Quân chủng Hải quân) kể về chuyến cứu nạn tàu cá QNg-96084 năm 2014 thành công và được lai dắt về Lý Sơn. Tàu cháy, chìm chỉ còn nổi mỏm tàu trôi trên biển, 16 ngư dân không thể liên lạc cứu hộ.
Họ lênh đênh trên biển, đói khát 18 giờ đồng hồ dưới cái nắng chói chang, cái lạnh thấu xương. Họ bám tựa vào nhau với những ước nguyện như lời từ biệt cuối cùng rằng: muốn sinh con trai để sau này nối nghiệp đi biển, muốn sửa lại mái nhà còn đơn sơ cho mẹ, muốn xin lỗi vợ vì lời cãi vã vô lý trước khi ra khơi…
Tàu HQ-884 trinh sát mặt biển phát hiện, tiếp cận và cứu nạn thành công khi các ngư dân đã gần lả lịm người sau nhiều tiếng đồng hồ chống chọi với sóng gió.
Nhận được tin tàu về đảo, các ngư dân an toàn, Lý Sơn vỡ òa. Nhiều người sụt sùi nước mắt chạy ra bờ biển đón những người anh em chưa quen sau cuộc chiến sinh tử trở về.