Mai thích đi du lịch và khám phá những vùng đất mới.
Chuyển mục tiêu ngành học 5 tháng trước khi thi
Đào Hoàng Mai là sinh viên năm thứ 5 công nghệ thông tin - ngành học mà khi nhắc đến mọi người thường nghĩ đến các bạn nam. Với sự cố gắng, cùng những thành tích đáng nể của bản thân, cô đã khiến nhiều người khâm phục.
Tuy nhiên, công nghệ thông tin không phải ngành học đầu tiên Mai hướng đến khi ôn thi lớp 12. Trước ngày thi đại học 5 tháng, cô đã mạnh dạn chuyển hướng mục tiêu từ bác sĩ đa khoa sang công nghệ thông tin, ôn thi 2 khối. 28,5 điểm khối B và 28 điểm khối A là kết quả ngọt ngào của nữ sinh Hải Phòng.
"Lần đầu tiên mình được tiếp xúc với thuật ngữ "Artificial Intelligence" (AI) - Trí tuệ nhân tạo là vào thời gian ôn thi đại học. Vì tò mò, mình đã tìm kiếm từ khóa đó trên Google và bị thu hút bởi những gì con người có thể đạt được với AI.
Năm 2017, AI vẫn là điều gì đó mới lạ, xa vời ở Việt Nam. Chính điều đó đã khiến mình nhen nhóm lên ngọn lửa hi vọng rằng trong tương lai có thể mang AI đến rộng rãi với cộng đồng của mình, thúc đẩy bản thân đi trên con đường trở thành một nhà khoa học máy tính, người có thể phát minh ra những cỗ máy sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể đem lại lợi ích cho xã hội.
Về việc ôn thi, trước đó mình là học sinh chuyên Sinh và duy trì môn Lý ở mức chấp nhận được. Thời điểm đó, mình đã học xong chương trình của môn Sinh và bắt đầu luyện đề. Sau khi có quyết định thay đổi khối thi, mình đã dồn rất nhiều thời gian để học môn Lý, và dành thời gian duy trì 3 môn còn lại bằng cách làm và chữa đề. Đặc biệt, mình có một người bạn học rất giỏi Lý và hỗ trợ mình rất nhiều trong học tập.
Việc phải duy trì kết quả tốt cho cả 4 môn học tự nhiên tương đối vất vả vì quỹ thời gian của mình cũng có hạn nhưng bản thân vẫn luôn cố gắng chia thời gian hợp lý, nhất là có thời gian để nghỉ ngơi. Mỗi lần mà học môn khác thấy chán quá thì mình sẽ lấy môn Sinh học ra làm để lấy lại tinh thần rồi tiếp tục học các môn khác", Mai chia sẻ.
"Những bước đầu tiên lúc nào cũng khó khăn nhất, mình thậm chí phải mất cả vài tuần chỉ để học một thuật toán cơ bản, phải chạy code ra giấy để hiểu máy tính xử lý và hoạt động ra sao. Bên cạnh đó là những áp lực vây quanh đến từ các bạn học giỏi, chuyên Tin, từng đạt giải Olympic Tin học quốc gia trong khi mình là con số không tròn trĩnh.
Ngoài ra, với ngành này mình nghĩ khó khăn lớn nhất đó là phải dùng bộ não của con người để suy nghĩ theo logic của máy tính. Đặc biệt, cá nhân mình cũng thấy rất khó khăn khi phải ngồi hàng giờ trước máy tính, tương đối có hại với sức khỏe, làn da và đôi mắt.", Mai chia sẻ.
Thực tập sinh tại viện nghiên cứu của tập đoàn lớn
Tích cực tham gia các nghiên cứu khoa học, Mai tâm đắc nhất với nghiên cứu "Nhận dạng thực thể được đặt tên cho văn bản tiếng Việt trong đại dịch Covid-19" (Covid-19 Named Entity Recognition for Vietnamese) nằm trong kỷ yếu của hội nghị hàng năm của Hiệp hội ngôn ngữ học tính toán khu vực Bắc Mỹ (NAACL) - một trong những hội nghị lớn nhất thế giới cho ngôn ngữ học tính toán.
"Nghiên cứu này không chỉ phần nào giải quyết vấn đề thiếu hụt dữ liệu cho cộng đồng nghiên cứu về xử lý ngôn ngữ tự nhiên ở Việt Nam, nó còn là bước nền tảng để phát triển các hệ thống truy xuất và cô đọng thông tin từ các nguồn tin uy tín hỗ trợ cho việc truy vết, phòng chống dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh có thể bùng phát sau này.
Đối với mình, đề tài này không chỉ thiết thực cho xã hội trong bối cảnh đại dịch phức tạp mà còn là nghiên cứu mình thấy bản thân mình tiến bộ nhất. Lúc ấy, hạn nộp bài báo của hội nghị trùng với lịch thi học kỳ ở trường, mình vừa phải ôn thi, vừa chạy các thực nghiệm và hoàn thiện bài báo.
Đó là khoảng thời gian mình thấy áp lực nhất nhưng cũng thấy bản thân mình "lì" nhất vì cuối cùng mình và các đồng đội đã hoàn thành bài báo đúng hạn, được chấp nhận và bản thân mình còn nhận được học bổng khuyến học loại xuất sắc kỳ đó", Mai chia sẻ.
"Hiện tại mình đang là thực tập sinh nghiên cứu tại chương trình Residency Program của VinAI Research - Viện nghiên cứu AI đầu tiên tại Việt Nam tập trung vào nghiên cứu cơ bản. Đây là chương trình giúp nuôi dưỡng những tài năng trẻ trong lĩnh vực AI ở Việt Nam.
Thời điểm ở Italy về, mình được thầy hướng dẫn giới thiệu cho chương trình VinAI Residency. Chương trình có mục tiêu nuôi dưỡng tài năng AI trẻ ở Việt Nam, cung cấp môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp sánh ngang với các viện nghiên cứu trên thế giới, rất phù hợp với định hướng sau này của mình.
Tại đây, mình được trau dồi kiến thức và rèn giũa khả năng nghiên cứu của mình bằng việc thực hiện những dự án nghiên cứu về xử lý ngôn ngữ tự nhiên và trí tuệ nhân tạo có tính ứng dụng cao và đăng tải tại các hội nghị hàng đầu trong lĩnh vực", Mai chia sẻ.
Trong tương lai, Hoàng Mai hi vọng có thể theo đuổi chương trình nghiên cứu sinh chuyên ngành khoa học máy tính tại một trong các trường đại học hàng đầu thế giới, tiếp tục con đường trở thành nhà nghiên cứu độc lập.
Thành tích của Đào Hoàng Mai:
-
Tác giả chính 02 báo cáo khoa học đăng tại kỷ yếu hội nghị quốc tế năm 2020-2021 và đồng tác giả 06 báo cáo khoa học được đăng tại các tạp chí, kỷ yếu hội thảo quốc tế 2020-2021.
-
Chủ nhiệm 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường năm 2020 và tham gia 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường năm 2019, đạt kết quả xếp loại Xuất sắc.
-
Đạt giải Ba giải thưởng "Sinh viên nghiên cứu khoa học" cấp Quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2020.
-
Vô địch cuộc thi "Lập trình xe tự lái PTIT" 2020 và cuộc thi "Lập trình sinh viên ICPR Hackathon" 2019
-
Nhận học bổng trao đổi 01 học kỳ Erasmus+ Mobility của Liên minh Châu Âu tại Đại học tổng hợp Palermo (Italy), học bổng Panasonic Scholarship 2020, học bổng khuyến học của Học viện trong 07 kỳ học.
-
Danh hiệu: "Sinh viên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc" của TƯ. Đoàn 2020
-
Danh hiệu: "Sinh viên 5 tốt" của Đoàn khối các cơ quan Trung ương năm học 2018-2019.
-
Phần thưởng "Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực Khoa học công nghệ".
-
Giấy khen của Đoàn Bộ Thông tin và Truyền thông về thành tích tốt trong công tác Đoàn.
-
Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhiệm kỳ 2019-2022.