Sinh ra và lớn lên ở thị xã Quảng Yên của tỉnh Quảng Ninh, Nguyễn Thị Hằng Duy, vừa trở thành nữ trợ giảng trẻ tuổi nhất của khoa Viễn thông - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhờ thành tích học tập xuất sắc và thành tích nghiên cứu "cực khủng", trong đó sở hữu tới 12 bài báo khoa học và có tới 9 bài báo ISI hầu hết thuộc nhóm hàng đầu (ISI-Q1).
Đặc biệt, trong số đó có 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học danh tiếng hàng đầu mà bất kỳ nhà khoa học nào cũng đều mong ước được công bố: Nature.
Mơ ước được làm việc tại công ty công nghệ hàng đầu
Giống như nhiều sinh viên tỉnh lẻ khác khi lên học đại học thuộc một trường đại học hàng đầu về công nghệ, Hằng Duy - cô sinh viên có thân hình mảnh mai nhỏ nhắn sinh năm 1997 - mang trong mình một mong ước được học một trong những ngành công nghệ nổi bật nhất của thế kỷ 21, ngành kỹ thuật Viễn thông, với quyết tâm học thật tốt để ra trường có cơ hội làm việc tốt cho các công ty công nghệ hàng đầu cả nước như VNPT, Viettel hay Mobifone.
"Em luôn có mơ ước được làm việc cho các công ty công nghệ hàng đầu, vì vậy cách tốt nhất là phải học tập thật tốt để có thể hoàn thành giấc mơ này", cô bộc bạch.
Là người cẩn thận, chăm chỉ, cầu toàn và là phái nữ, Hằng Duy luôn quan niệm rằng bất kỳ môn học nào cũng đều có giá trị tri thức và là nền tảng cho kiến thức chuyên ngành nên ngay từ đầu cô đã đặt mục tiêu phải học giỏi ở tất cả các môn. Vì thế, thay vì thi thoảng tự thưởng cho mình những thời gian rảnh xem phim hay lướt Facebook, chơi game, khám phá phố phường Hà Nội thì cô luôn chăm chỉ và dành thời gian cho việc học tập.
Kết quả là các điểm số A, A+ thường xuyên xuất hiện trong các bảng thành tích học tập của cô sau mỗi kỳ thi kết thúc học kỳ và các suất học bổng dành cho sinh viên loại giỏi hay xuất sắc hiếm khi "trượt" khỏi cô.
"Gia đình em ở tỉnh lẻ, không có điều kiện kinh tế, vì vậy em luôn tâm niệm học tốt để nhận được các suất học bổng trợ giúp gia đình", cô tâm sự.
Nhưng không phải lúc nào mọi thứ với cô cũng chỉ là màu hồng. "Đôi khi sự kỳ vọng và tin tưởng vào bản thân mình từ mọi người quá sẽ tạo áp lực vô hình rất lớn làm mình không thể đạt được những điều như ý", cô bùi ngùi nhớ lại. Số là, sau khi học hết học kỳ 1 năm thứ nhất, nhờ thành tích học môn Đại số và Giải tích tốt, cô được các thầy dạy Toán của nhà trường đưa vào danh sách thi Olympic Toán học cho sinh viên các trường Đại học diễn ra ở thành phố biển Quy Nhơn.
Tuy nhiên, trái với sự mong đợi của bản thân, ở kỳ thi Olympic chính thức, Hằng Duy đã không thể giành được bất kỳ giải thưởng nào vì như cô tâm sự sau này "Gặp phải đề thi em không quen các dạng nên bị tâm lý choáng ngợp và không còn giữ được sự tỉnh táo để tư duy làm bài nữa".
Cũng vậy, ở môn học "Các kỹ thuật lập trình" trong học kỳ 1 năm thứ tư, cô đã học hầu hết các kỹ thuật lập trình, chỉ trừ phần về "cây nhị phân" thì cô nghĩ là xác suất đề thi năm đó thấp vì phần này được ra đề cho các khóa gần đấy rồi. Nhưng đúng là "ghét của nào trời trao của ấy", trong lần hiếm hoi "học tủ" thì lại ra là "tủ lệch", phần thi cuối kỳ ra đúng bài về "cây nhị phân" nên Hằng Duy không làm được.
"Em đã khóc rất nhiều và mấy đêm không ngủ được vì ân hận bởi kết quả kỳ thi cuối kỳ kém ở môn này mà em chỉ đạt điểm D+, mức điểm kém duy nhất trong toàn bộ các môn học của thời kỳ đại học", cô nhớ lại. Sau này, em rút ra một kinh nghiệm mà em sẽ nhớ mãi là trong đời, mọi thứ đều có thể xảy ra nên muốn đạt được kết quả tốt thì mình không thể bỏ qua một chi tiết dù nhỏ đến thế nào", cô quả quyết.
Trường hợp rất "hiếm"
Bắt đầu vào năm thứ ba đại học, bên cạnh học ở trường, Hằng Duy còn đi gia sư cho học sinh THPT, chính thời gian ấy cô mới thấy yêu thích nghề giáo dục khi truyền đạt những kiến thức giúp cho học sinh mình dạy kèm tiến bộ từng ngày.
Bên cạnh đó, Hằng Duy bắt đầu tham gia nghiên cứu khoa học, trở thành thành viên chủ chốt của Lab nghiên cứu về quang tử silic của TS Trương Cao Dũng. Chính trong thời gian nghiên cứu, những phẩm chất chăm chỉ, chỉn chu và sáng tạo đã giúp Hằng Duy được làm việc với nhiều nhà khoa học khắp trong và ngoài nước và đạt được nhiều thành tựu đáng nể.
Cô nhận được nhiều bằng khen từ Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dành cho sinh viên có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc trong suốt hai năm. Không những vậy, Hằng Duy còn tích lũy được một "gia thế" khoa học thuộc dạng "khủng".
Tính chung lại, chỉ trong vòng hai năm từ 2019-2021 cô đã công bố được tới 12 bài báo khoa học, trong đó có tới 9 bài báo ISI thuộc các nhóm hàng đầu (ISI-Q1 và Q2) mà cô đóng góp quan trọng trong các bài báo đó và là tác giả chính của một bài báo ISI-Q1 được công bố trên tạp chí chuyên ngành IEEE Access thuộc Viện kỹ thuật Điện - Điện tử danh tiếng của Hoa Kỳ.
TS. Trương Cao Dũng - thầy của cô gái trẻ tự hào chia sẻ "Hằng Duy là một sinh viên rất xuất sắc, người có những phẩm chất khoa học thực sự. Tôi phải cám ơn em ấy rất nhiều vì đã trợ giúp tôi đạt được những thành tựu và kết quả vượt quá sự mong đợi trong hai năm qua, đặc biệt góp sức rất lớn trong việc hỗ trợ tôi thực hiện dự án khoa học mã số VINIF.2019.DA12 do Quỹ VINIF tài trợ trong năm đầu tiên".
GS.TS. Trịnh Minh Tuấn của ĐH Nam Florida (Hoa Kỳ), người có dịp cùng làm nghiên cứu với Hằng Duy cho rằng "trường hợp như Duy là rất hiếm, ngay tại các đại học Hoa Kỳ cũng không có nhiều sinh viên giỏi có thành tích công trình nghiên cứu công bố như em ấy, đặc biệt là sở hữu hai bài báo thuộc hệ thống danh tiếng Nature là điều mà các nhà khoa học đã có Học vị Tiến sĩ ở đây cũng rất khó khăn lắm mới có được!".
Nhờ vào thành tích học tập với tấm bằng xuất sắc với điểm GPA 3,61 và vốn liếng khoa học nổi bật như vậy, Hằng Duy vinh dự nhận được xuất học bổng của hãng Naver dành cho chương trình Thạc sĩ sau khi cô đã trúng tuyển trở thành học viên Cao học thuộc chuyên ngành Kỹ thuật Viễn thông tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
Phát biểu tại buổi lễ trao học bổng Thạc sĩ và Tiến sĩ do hãng Naver, đối tác của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tài trợ, bà Đặng Thu Hà, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ - Học viện PTIT đã phát biểu: "Việc Naver trao cho Hằng Duy xuất học bổng là thành quả đáng ghi nhận của em ấy, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện và khuyến khích các giảng viên trẻ phát huy hơn nữa các thành tích khoa học ở tầm quốc tế để nâng tầm Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trong vị thế là một trong những đại học hàng đầu cả nước về khoa học và công nghệ trong Thời đại chuyển đổi số và Cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến vào Top 1000 trong bảng xếp hạng các trường Đại học thế giới".
Chia sẻ về dự định tương lai, Hằng Duy cho biết, trước mắt cô sẽ tập trung hoàn thành chương trình Thạc sĩ đồng thời sẽ học thêm về ngành Khoa học dữ liệu (Data Science) và Trí tuệ nhân tạo - AI (Artificial Intelligence), đồng thời "đi săn" các chương trình Nghiên cứu sinh ở các nước công nghiệp phát triển.
"Hiện nay, Trí tuệ nhân tạo đang phát triển như vũ bão và đạt được những thành tựu không thể tin nổi, vượt xa sức mạnh trí tuệ của con người cũng như Khoa học dữ liệu sẽ chi phối cuộc sống của chúng ta trong nhiều năm tới. Vì thế, em muốn học về AI và Data Science để phát triển các hệ thống xử lý thông tin. Em tin đó là một xu hướng của thời đại", Hằng Duy khẳng định.