Nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đến nay diện mạo nông thôn của huyện Nam Giang đã có nhiều thay đổi tích cực, kinh tế – xã hội phát triển, đời sống vật chất – tinh thần của nhân dân cũng được cải thiện.
Nam Giang là huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Nam, với 8/10 xã có cùng đường biên giới với nước bạn Lào dài 76km. Toàn huyện có 11 xã, 1 thị trấn với 63 thôn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 85%.
Với đặc thù của huyện miền núi, dân cư sống rải rác, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, địa bàn chia cắt, tỷ lệ hộ nghèo cao…. Thêm vào đó, một bộ phận người dân chưa hiểu mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới nên còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai trên địa bàn.
Khó khăn là vậy, nhưng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, đặc biệt là việc huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị vào cuộc, công cuộc xây dựng nông thôn mới ở huyện Nam Giang đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đem lại hiệu quả thiết thực.
Ông Nguyễn Đăng Chương – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết: "Ngay từ khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, huyện Nam Giang xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, vì từ chương trình sẽ loại bỏ dần những tập quán canh tác lạc hậu, xóa đói giảm nghèo, kinh tế phát triển.
Để thực hiện mục tiêu này, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với phương châm tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau, hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống cho người dân".
Song song với đó, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới được thành lập, củng cố, kiện toàn từ huyện đến các xã, thôn. Đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền giúp người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của chương trình nông thôn mới để tự giác thực hiện. Làm tốt việc quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư gắn với ổn định phát triển sản xuất bền vững.
Chính quyền huyện Nam Giang những năm qua xác định phát triển hạ tầng kỹ thuật là yếu tố then chốt tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội nên đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ đời sống, sản xuất của các dân tộc trên địa bàn.
Ông Chương cho biết thêm, qua 12 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện đã đạt được 145 tiêu chí. Trong đó, xã Tà Bhing đạt 17/19 tiêu chí, La Dê đạt 15/19 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí trở lên.
Hiện nay, đường giao thông nông thôn được xây dựng kiên cố, bê tông hoá nối dài đến các xã, thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, thông thương, phát triển kinh tế; cơ sở vật chất điện – đường – trường – trạm cơ bản được hoàn chỉnh; đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân tại các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều cải thiện, đổi mới; tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội được tăng cường và bảo đảm… góp phần tạo nên diện mạo nông thôn mới miền núi cao Nam Giang ngày càng khởi sắc.
Giảm nghèo bền vững
Ông Hồ Viết Căn - Trưởng phòng NNPTNT huyện Nam Giang cho biết, mục tiêu cuối cùng của chương trình nông thôn mới là cải thiện đời sống, nâng cao mức sống cho người dân nông thôn. Song, tiêu chí thu nhập vẫn là cái khó hiện nay của Nam Giang khi người dân chủ yếu làm nông nghiệp, kỹ thuật canh tác thô sơ, lạc hậu, nhận thức của người dân về ứng dụng khoa học – kỹ thuật còn nhiều hạn chế.
Trong những năm qua, huyện đã triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế vườn, rừng, kinh tế trang trại. Từ đó, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới, ưu tiên phát triển các thế mạnh về cây dược liệu (đẳng sâm, ba kích), cây cam bản địa, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, giúp hộ dân có thêm thu nhập.
Tiêu biểu như một số mô hình trồng bưởi da xanh và cam vinh ở xã Tà Bhing, Tà Pơ, Cà Dy với diện tích trên 100ha; chăn nuôi heo cỏ bản địa tại thôn A Liêng (xã Tà Bhing) và chăn nuôi bò, gà thả vườn, vịt xiêm ở một số hộ dân trên địa bàn. Ngoài ra, tại xã Cà Dy cũng đang triển khai mô hình trồng cây chuối tiêu hồng với diện tích 2ha từ nguồn kinh phí nông thôn mới.
Những năm qua, huyện tập trung lồng ghép các nguồn lực từ chương trình nông thôn mới, các dự án, Nghị quyết của HĐND tỉnh, Nghị quyết HĐND huyện để hỗ trợ cho các hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện để các hộ nghèo vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình; phối hợp với cơ sở đào tạo nghề để tổ chức vận động các đối tượng trong độ tuổi lao động tham gia học nghề và giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động.
Theo ông Căn, bằng sự sáng tạo và đổi mới cách làm, bức tranh giảm nghèo ở huyện miền núi Nam Giang đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ nét.
Năm 2022, chỉ tiêu tỉnh giao là giảm 390 hộ nghèo, huyện thực hiện đạt 473 hộ nghèo, vượt 18,44%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 43,54% (giảm 6,86% so với năm 2021).
Phát huy tiềm năng và lợi thế sẵn có, thời gian qua huyện Nam Giang nỗ lực xây dựng, thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm đặc trưng, tăng thu nhập cho người dân.
Địa phương tích cực đào tạo, tập huấn, khuyến khích các Hợp tác xã cũng như hộ kinh doanh cá thể đầu tư cải tiến quy trình, ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối giao thương sản phẩm OCOP.
Qua hơn 5 năm thực hiện chương trình OCOP, đến nay huyện Nam Giang đã có 6 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao gồm: Túi A ĐHir của Hợp tác xã dệt thổ cẩm Za Ra, Rượu Tà Vạc cất Nam Giang, Chuối rừng khô của Hợp tác xã sản xuất Thương mại và Dịch vụ Zơ Râm Bach, Muối đặc sản Nam Giang, Trà đậu đen và Dưa kiệu A Điu.
Năm 2023, huyện tiếp tục triển khai thực hiện 2 sản phẩm đặc trưng để phát triển thành sản phẩm OCOP, gồm: Thịt heo đen xông khói Nam Giang của Hợp tác xã Dịch vụ - Thương mại Cà Dy và Măng nứa khô của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp La Dê.
Mục tiêu giai đoạn 2021-2025, huyện có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu và xóa nhà tạm, nước sạch hợp vệ sinh ở nông thôn đạt 80%, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35% trở lên, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%, tỷ lệ phủ sóng mạng 4G đạt 100%.... Tầm nhìn đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn bằng 50% thu nhập bình quân chung của cả tỉnh….
Để thực hiện mục tiêu này, huyện Nam Giang sẽ dốc sức triển khai các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, quan tâm nâng cao chất lượng các tiêu chí để đạt hiệu quả bền vững, tạo điều kiện thu hút đầu tư xây dựng nông thôn mới từ nguồn xã hội hóa và đặc biệt là thu hút sự đóng góp của doanh nghiệp, người dân xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.