Sạch đẹp như thôn Cơ Giáo
Mới đến đầu thôn Cơ Giáo, chúng tôi bắt gặp ông Nguyễn Văn Long, Phó Ban Nội vụ giáo xứ Cẩm Cơ đang giám sát, đốc thúc các thợ khẩn trương làm cửa cánh cổng nhà thờ giáo xứ Cẩm Cơ. "Trời nắng nóng quá nhưng anh em cũng phải cố kiên trì làm liên tục để hoàn thiện cổng nhà thờ phục vụ các hoạt động tôn giáo của bà con trong thôn" ông Long chia sẻ.
Theo ông Long, nhà thờ giáo xứ được xây từ năm 1920, ban đầu dựng bằng tre, lợp bằng lá làm nơi thờ phụng và sinh hoạt cho các giáo dân. Đến năm 1927, các giáo dân đã đồng lòng xây dựng ngôi nhà thờ bằng gạch, lợp ngói có tổng diện tích là 192 m2, trong đó chiều dài 24m, chiều rộng 8m, và ngọn tháp cao 17m.
Trải qua thời gian, nhà thờ đã bị xuống cấp trầm trọng, đặc biệt qua hai cuộc chiến tranh Mỹ và Pháp, nhiều hạng mục của nhà thờ bị rạn nứt và hư hỏng. Cũng nhiều lần Giáo phận, giáo xứ và cộng đoàn giáo dân trong vùng đã trùng tu sửa chữa, nhưng vẫn không bảo đảm an toàn cho các buổi cử hành phụng vụ.
Cũng vì vậy, ngày 13/5/2012, nhằm ngày lễ Đức Mẹ Fa-ti-ma, Cha An-tôn đã chủ sự thánh lễ cầu bình an, khởi công xây dựng nhà thờ, với chiều dài là 41,02m; chiều rộng 13,03 m và tổng diện tích bao gồm cả hai cánh thánh giá là 580m2; hai tháp của nhà thờ cao 38m. Đến năm 2016, nhà thờ được hoàn thành đưa vào sử dụng.
"Dù công việc, chi phí xây dựng nhà thờ rất tốn kém và mất nhiều thời gian nhưng nhờ sự đoàn kết của bà con giáo dân ở địa phương, cùng các nhà hảo tâm quyên góp tiền, ngày công mới hoàn thiện khang trang, hiện đại như ngày nay", ông Long nói.
Từ nhà thờ giáo xứ nhìn ra con đường vào thôn Cơ Giáo đến giờ cũng đã được mở rộng và đổ bê tông phẳng lì. Suốt cả dọc đường chúng tôi không thấy một cọng rác thải. "Sau khi học tập tinh thần của Thông điệp "Laudato Si" về việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là lời kêu gọi của linh mục Antôn Trần Quang Tiến cũng như trong Hội đồng giáo xứ, bà con công giáo chúng tôi rất hưởng ứng.
Bà con chọn thứ 7, Chủ nhật hàng tuần, kêu gọi tất cả cộng đoàn trong giáo xứ, các ban, ngành, đoàn thể tới nhà thờ vệ sinh. Đặc biệt, chú trọng các khu vực nơi có hầm, hố, bãi rác để thu gom sạch rác để chuyển đi xử lý", ông Long tự hào kể.
Cũng theo ông Long, giáo xứ Cẩm Cơ thường xuyên liên kết với thôn để vệ sinh nhà thờ, từ trong ra ngoài và vệ sinh đường ngang, ngõ hẻm trong xóm. Kể cả bên đạo cũng như bên lương, khi tham gia vào phong trào đều có ý thức vệ sinh sạch sẽ từ trong nhà mình ra ngoài đường ngõ, xóm.
Tại Giáo xứ Cẩm Cơ, nếu như trước đây, tình trạng xả rác thải nông nghiệp ra sông suối, ao hồ, xả rác tùy tiện của người dân ở khắp các con đường, ngõ xóm khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, thì nay, mọi hoạt động đã đi vào nề nếp. Bà con giáo dân đều chấp hành việc bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, môi trường sống ngày càng trong lành, đường phố sạch, đẹp hơn.
Bên cạnh đó, linh mục Antôn Trần Quang Tiến cùng với chính quyền thôn quyết tâm thực hiện bảo vệ môi trường bằng cách phân loại rác, xử lý rác, tập trung phân loại rác thải từ trong nhà và bỏ rác ở các thùng ngoài đường đảm bảo vệ sinh.
Các tổ, thôn trong giáo xứ đều phát động hộ dân trồng hoa, cây xanh ven đường, trồng hoa trên hàng rào, trước cổng nhà… góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp cho bức tranh nông thôn mới Cơ Giáo ngày càng mới lạ, độc đáo hơn.
Cùng với đó, Hội đồng giáo xứ cũng phối hợp với các hội, đoàn thể của địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến các hộ trong giáo xứ, giáo họ đạo thực hiện công tác bảo vệ môi trường như xây hố xí, điểm tập kết rác; vận động bà con không vứt rác bừa bãi xuống kênh, mương.
Bên cạnh đó, thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần giáo dân đi lễ tại nhà thờ cũng được Hội đồng giáo xứ tuyên truyền về việc thực hiện vấn đề bảo vệ môi trường…
Bà con Cơ Giáo hiến đất mở đường nông thôn mới
Từ ngày có các thùng rác được để trước cổng nhà, ông Nguyễn Văn Anh ở thôn Cơ Giáo cùng các thành viên trong gia đình chủ động phân loại rác thải ngay từ trong nhà. Rác rau, củ quả... được ông gom giữ lại làm để ủ làm phân chăm rau, cây cảnh, rác vô cơ bỏ ra thùng để công ty môi trường đưa đi.
"Từ ngày có thêm phân ủ chúng tôi cũng đỡ phải mua phân ngoài mà cây cảnh vẫn được chăm sóc xanh tốt. Từ trong nhà ra ngoài ngõ đều sạch rác thải, môi trường trong lành hơn trước rất nhiều", ông Anh tâm sự.
Từ năm 2022, khi địa phương tuyên truyền cho người dân hiến đất làm đường thôn, gia đình ông Anh cũng chủ động sửa lại cổng và xây lùi vào trong nhường thêm diện tích để thôn mở đường. Có đường mới, ông Anh còn thuê thợ làm cổng vòm sắt trồng ghép thêm hoa giấy rất đẹp.
"Trước kia khó khăn còn lo chạy ăn từng bữa nhưng đến giờ cuộc sống đã đầy đủ nên chúng tôi cũng cố gắng cùng nhau đoàn kết làm đẹp cho không gian sống của mình và cộng đồng trở thành nơi đáng sống hơn", ông Anh bộc bạch.
Là hộ gia đình không mấy khá giả ở thôn Cơ Giáo nhưng khi được địa phương có chủ trương làm đường nông thôn mới, gia đình ông Nguyễn Văn Định đã xung phong hiến hàng chục mét vuông đất thổ cư trị giá hàng trăm triệu đồng để thôn mở đường to, đẹp hơn.
"Ai cũng nghĩ tấc đất tấc vàng, cố giữ cho mình mà đường nhỏ đi lại khó khăn, nguy hiểm thì cũng khổ lắm. Nghĩ thế nên các thành viên trong gia đình đều nhất trí góp đất và góp công để nhà nước mở đường to đẹp hơn", ông Định chia sẻ.
Ông Mai Văn Ngần, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) đánh giá: Cơ Giáo là thôn công giáo toàn tòng có khoảng trên 200 hộ nhưng rất đoàn kết nên khi xã triển khai các hoạt động, phong trào đều thu được kết quả rất cao.
Đặc biệt là trong các phong trào "Bảo vệ môi trường gắn với biến đổi khí hậu", hiến đất làm đường nông thôn mới luôn có sự tham gia đóng góp của bà con giáo dân, có nhiều hộ hiến nhiều đất thổ cư để làm đường trị giá hàng trăm triệu đồng như hộ ông Nguyễn Văn Định, ông Nguyễn Văn Trí...