Nông thôn mới Hà Nội đổi thay từ Chương trình số 04

Thứ bảy, 06/05/2023 16:10

Có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt mức kế hoạch trong Hội nghị sơ kết Chương trình số 04 về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025” được tổ chức sáng ngày 21/4.

h33.jpg

Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 04-CTr/TU về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2021 - 2025, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội cho biết: Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình số 04, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ TP đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung sức của người nông dân đã đạt được những kết quả tích cực.

Trong đó kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; các hoạt động văn hoá - xã hội, thể thao có chuyển biến tiến bộ. Nông thôn có đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú. Bản sắc văn hóa được giữ gìn, tạo sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững; chính trị - xã hội và quốc phòng - an ninh được đảm bảo; an sinh xã hội được chăm lo, đời sống của nhân dân được cải thiện…

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, Chương trình số 04 có 33 chỉ tiêu. Đến nay, đã có 23/33 chỉ tiêu vượt kế hoạch, hoàn thành kế hoạch hoặc đảm bảo lộ trình đạt kế hoạch. Trong đó có 8 chỉ tiêu đã vượt kế hoạch giai đoạn 2021 - 2022 và hoàn thành so với mục tiêu của Chương trình năm 2025 gồm: Tỷ lệ các xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ; Tỷ lệ các thôn được phủ sóng di động 3G/4G/5G hoặc internet băng rộng; Cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của TP; Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Sản phẩm OCOP được công nhận; Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ; Tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải.

Ngoài ra, có 10 chỉ tiêu đạt kế hoạch giai đoạn 2021 - 2022 và dự kiến đảm bảo lộ trình đạt kế hoạch giai đoạn đến năm 2025; 2 chỉ tiêu cơ bản hoàn thành Kế hoạch giai đoạn 2021 - 2022 và dự kiến đảm bảo lộ trình đạt kế hoạch giai đoạn đến năm 2025. Còn lại 3 chỉ tiêu dự kiến đảm bảo lộ trình đạt kế hoạch giai đoạn đến năm 2025 gồm: TP hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% các huyện, các xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Cuộc sống của nhân dân thay đổi

Có thể nói Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã thực sự đi vào cuộc sống của bà con, nhiều địa phương đã đầu tư nguồn lực vào để xây dựng các thiết chế văn hóa, phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Có thể kể ra đây một vài ví dụ về sự thay đổi cuộc sống của bà con nông dân ở các huyện ngoại thành sau khi lãnh đạo và chính quyền địa phương thực hiện chương trình này trên địa bàn.

Đứng trước khu vui chơi công cộng, có cả hồ điều hòa đang trong quá trình hoàn thiện, ông Trần Văn Bản ở thôn Lương Nỗ, xã Tiên Dương (Đông Anh) cho biết: “Nơi đây, trước kia là bãi đất trống, nhiều gia đình đã ra đây lấn chiếm và xây dựng chuồng trại để chăn nuôi. Nước thải từ chuồng trại  đổ thẳng xuống hồ, ô nhiễm môi trường nặng lắm, nhất là vào những ngày nắng nóng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, các gia đình xung quanh phải đóng kín cửa mà vẫn không ngăn được mùi”.

Ông Nguyễn Văn Thành cũng ở thôn Lương Nỗ chia sẻ, mặc dù gia đình không ở đây nhưng cứ mỗi lần có việc qua nhà ông Bản, chúng tôi rất ái ngại bởi đường đi toàn bùn đất, lại gặp mùi hôi thối bốc lên mỗi khi thời tiết thay đổi.

“Bây giờ khu vực này đã được chính quyền đầu tư xây dựng trở thành khu vui chơi công cộng, môi trường không bị ô nhiễm, đường sá đã được bê tông hóa đến tận nhà, sạch sẽ hơn trước kia rất nhiều”, ông Thành nói.

Bí thư Chi bộ thôn Lương Nỗ Trần Ngọc Linh có tuổi đời rất trẻ, biết tôi về địa phương, anh cũng có mặt để cung cấp thông tin về việc cấp ủy, chính quyền xã  quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu xây dựng nôn thôn mới.

Bí thư Trần Ngọc Linh nói: “Bằng nhiều biện pháp vận động bà con trong thôn, được sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện Đông Anh và xã Tiên Dương, chúng tôi đã biến khu đất hoang tại thôn Lương Nỗ thành khu vui chơi cho nhân dân. Nhờ có khu vui chơi công cộng này mà cả sáng và chiều, khu vực này trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng rất đông vui. Ngoài đầu tư xây dựng của huyện, bà con ở đây còn đóng góp tiền, công sức để làm cho khu vui chơi công cộng này đẹp hơn”.

Trần Văn Bản chia sẻ, gia đình tôi và người dân thôn Lương Nỗ đều rất vui mừng và phấn khởi khi cuộc sống được chính quyền các cấp chăm lo. Nếu như trước đây chúng tôi chỉ mong sao di chuyển đi nơi khác sinh sống, thì bây giờ lại không muốn đi đâu cả, vì không gian sống quá lý tưởng.

Ông Bản cho biết thêm, từ ngày khu vui chơi công cộng này được xây dựng, người dân ở trong thôn đến đây sinh hoạt tập thể rất đông, nhất là vào buổi tối, các cháu có khu vui chơi sinh hoạt, nhóm chị em có khu vực tập thể thao khiêu vũ rất vui nhộn, các dịch vụ giải khát bắt đầu xuất hiện, giúp tăng thêm thu nhập cho bà con trong thôn.

Nhiều người dân sinh sống ở thôn Lương Nỗ cho biết, khi hệ thống đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng, hầu hết là đường bê tông kiên cố hoặc trải nhựa, việc đi lại thuận lợi hơn rất nhiều so với trước đây khi còn là những con đường đất lầy lội vào mùa mưa, bụi bẩn vào mùa hè.

Nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra từ việc thực hiện Chương trình

Tại hội nghị này, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội cũng đã chỉ ra những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tế khi thực hiện, đó là cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội từ TP đến cơ sở xã phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về mục tiêu, phương châm, cách làm, tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới với tinh thần tự nguyện và trách nhiệm cao.

Chương trình cần cụ thể hóa bằng các đề án, dự án, kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Lựa chọn, chỉ đạo thực hiện các công việc có trọng tâm, trọng điểm. Thường xuyên kiểm tra, động viên, đôn đốc cơ sở. Định kỳ giao ban giữa Ban Chỉ đạo Chương trình của Thành ủy với ban chỉ đạo các huyện, thị xã để nắm tiến độ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Phải đẩy mạnh phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, tiếp tục tăng cường huy động nội thành hỗ trợ ngoại thành và sự góp sức của cộng đồng, dân cư trong xây dựng nông thôn mới. Phát huy cao độ quyền làm chủ của Nhân dân; vai trò giám sát, kiểm tra của người dân đối với việc thực hiện các dự án dân sinh trên địa bàn.

Cuối cùng cần tập trung dành nguồn lực từ ngân sách TP để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình thiết yếu về cơ sở hạ tầng cho xây dựng nông thôn mới là bài học kinh nghiệm thứ tư được Thành ủy Hà Nội đúc kết. Và cuối cùng là thường xuyên giao ban, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cơ sở. Giải quyết linh hoạt và đúng nguyên tắc các kiến nghị của địa phương; phân công rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội là một trong 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khoá XVII đã đi được nửa chặng đường, mặc dù còn có những khó khăn, nhưng những kết quả đạt được trong thời gian qua thật đáng khích lệ, đay là động lực rất lớn để chính quyền và nhân dân các địa phương phấn đấu để hoàn thành mục tiêu Chương trình đề ra.

theo kinhtenongthon.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top