Nông sản lên sàn

Chủ nhật, 16/10/2022 09:00

Để sản phẩm thu hút người dùng trên mạng, cần xây dựng câu chuyện sản phẩm ngắn gọn, bảo đảm chất lượng, giá cả cạnh tranh

chonongsantructuyen21621.jpg

Nhiều cơ sở kinh doanh, HTX, doanh nghiệp nhỏ các tỉnh, thành bước đầu gặt hái thành công khi quảng bá, bán hàng online. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi thế "chợ mạng", nông dân cần sớm ứng dụng và đầu tư bài bản các trang bán hàng.

Tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận

Khá thành công trong việc quảng bá thương hiệu và bán hàng trên kênh online, theo đại diện HTX RiTi (RiTi Co.op) tại Ninh Bình, Ban Giám đốc HTX nhận thấy hiệu quả của các kênh bán hàng qua mạng nên đã sớm đầu tư, phát triển trang web, fanpage, tương tác thường xuyên với khách hàng.

Trên fanpage của HTX này, Giám đốc HTX Hoàng Minh Thành không chỉ thường xuyên cập nhật hình ảnh, thông tin liên quan đến sản phẩm mà còn chuyển tải sinh động các hoạt động sản xuất tại nông trại, từ làm đất, chăm sóc cây trồng, thu hoạch, chế biến… Hầu hết khách hàng mới sau khi truy cập vào các trang này đã liên tục đặt mua hàng, tỉ lệ khách quay lại đặt hàng sau khi mua sản phẩm lên đến 80%. HTX đang có 2,1 ha trồng cúc chi, các loại đậu theo hướng hữu cơ và đang trong quá trình làm thủ tục chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam. HTX đã khép kín quy trình từ cây giống, phân bón, trồng, thu hoạch, chế biến, đóng gói. "Mỗi năm, HTX thu hoạch được gần 20 tấn hoa tươi, tương đương gần 2 tấn hoa khô. 60% sản lượng được tiêu thụ qua kênh online. HTX đã đăng ký gian hàng trên 2 sàn thương mại điện tử (TMĐT) Shopee và Tiki. HTX gồm 9 thành viên thuộc thế hệ 9X vận hành nên ngay từ đầu đã hướng đến kinh doanh theo phương thức TMĐT, chú trọng quảng bá sản phẩm qua các trang mạng xã hội" - anh Thành cho hay.

Cúc chi đến tháng 12 mới vào mùa thu hoạch, sản lượng năm 2021 đã gần hết nên từ tháng 4-2022, RiTi Co.op đã ngừng khai thác khách hàng mới, chỉ tập trung sản lượng cho nhóm khách hàng hiện hữu. Trung bình mỗi năm, HTX này cung cấp cho 10.000 đơn hàng online, hầu hết khách đặt hàng trên fanpage và thanh toán bằng hình thức chuyển khoản hoặc ship COD (thanh toán cho đơn vị giao nhận khi nhận hàng).

"TMĐT và hình thức giao nhận chuyên nghiệp phát triển đã hỗ trợ nông dân rất nhiều trong khâu bán hàng. RiTi Co.op ở Ninh Bình có thể bán hàng đi cả nước mà không phải tổ chức đội ngũ bán hàng, đại lý phân phối nên tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận" - anh Thành cho biết.

Theo ông Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại Dịch vụ Lê Gia (tỉnh Thanh Hóa) - đơn vị chuyên về các sản phẩm nước mắm truyền thống, các sàn TMĐT là các chợ "đặc thù" và nông dân cần được đào tạo để tham gia chuỗi quy trình cung ứng. Là thương hiệu gia vị bán chạy trên các sàn TMĐT lớn hiện nay, ông chủ Lê Gia chia sẻ kinh nghiệm: "Để sản phẩm thu hút người dùng trên mạng, cần xây dựng câu chuyện sản phẩm ngắn gọn nhưng "khoe" được các thế mạnh về chất lượng, giá cả cạnh tranh đồng thời sản phẩm giao hàng đến tay người mua phải thật như hàng giới thiệu trên mạng. Vì vậy, người bán cần phải chú ý các thông số về kỹ thuật để ảnh đưa lên đẹp mắt, hấp dẫn". Theo ông Lê Anh, bán hàng qua mạng đang là xu hướng, các đơn vị phải sớm tham gia để tạo lợi thế và hiện có nhiều công ty dịch vụ hỗ trợ các giải pháp công nghệ cho người bán.

Hỗ trợ gần 3 triệu hộ nông dân

Theo Bưu điện TP HCM, một năm qua Bưu điện Việt Nam đã đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua việc hỗ trợ 2,7 triệu hộ nông dân lên sàn TMĐT Postmart.vn.

Trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam, Bưu điện Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị cơ sở hỗ trợ nông dân đưa các sản phẩm tiêu thụ lên các kênh của ngành. Đồng thời, duy trì các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân; quảng bá, giới thiệu, vận chuyển, cung ứng các sản phẩm giữa hai đầu đất nước thuận lợi hơn. Chuỗi cung ứng của Bưu điện Việt Nam trong 2 năm đại dịch chưa khi nào bị đứt gãy. Năm 2022, Hội Nông dân Việt Nam và Bưu điện Việt Nam đặt mục tiêu rà soát, hỗ trợ 7,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp cập nhật thông tin lên sàn TMĐT Postmart.vn. Tại TP HCM, Tổng Công ty Bưu điện và Hội Nông dân Việt Nam giao kế hoạch rà soát, cập nhật các thông tin của 7.500 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT Postmart.vn. HTX nông nghiệp chủ động sử dụng công nghệ, từng bước chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh nông sản. Đây không chỉ là các hộ sản xuất kinh doanh điển hình tại hơn 10.600 xã, phường trên cả nước mà còn là các hội viên hội nông dân, chi (tổ) hội nghề nghiệp, HTX và các hộ sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… Hơn 7,5 triệu hộ sẽ được Bưu điện Việt Nam miễn phí toàn bộ các loại chi phí lên sàn. Đồng thời được nhân viên bưu điện hỗ trợ đăng ký các công cụ thanh toán điện tử kèm theo các chính sách đào tạo, tập huấn, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.  

Theo ld.com
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top