Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều tại 30 điểm cầu trong nước và quốc tế. Trong đó 22 điểm cầu trong nước, 8 điểm cầu tại các nước là các thị trường xuất khẩu chủ đạo của quả vải Bắc Giang. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tham dự tại điểm cầu Bắc Giang.
Thảo luận tại các điểm cầu, các đại biểu tập trung về các vấn đề như: Tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều thông quan; đưa vải thiều tiêu thụ trên các trang thương mại điện tử; tiêu thụ vải tại các hệ thống siêu thị lớn, chợ đầu mối lớn trong nước.
Thương mại điện tử đang trở thành phổ biến ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Phương thức này càng trở nên tiện ích, ưu thế vượt trội khi dịch Covid-19 đang bùng phát trên phạm vi toàn cầu.
Việc Bắc Giang đã chủ động áp dụng phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới trong tiêu thụ vải thiều là hướng đi đúng, cách đi sáng tạo, hiệu quả trong tình hình hiện nay.
Cũng tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí, đã công bố và trao Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản cho đại diện Ủy ban nhân dân huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Thực hiện Tuyên bố chung Việt Nam – Nhật Bản trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc năm 2017, theo đó Chính phủ hai nước đã khẳng định sẵn sàng tạo thuận lợi về thủ tục cho phép xuất khẩu trái cây của Việt Nam vào Nhật Bản thông qua hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong đó có sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang.
Sau gần 02 năm, với chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ KH&CN, sự nỗ lực của Lãnh đạo và các đơn vị chức năng của Cục SHTT, và sự phối hợp của các cơ quan của tỉnh Bắc Giang, ngày 12/3/2021 vải thiều Lục Ngạn đã được Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản (MAFF) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý với số đăng ký là 107.
Đây là chỉ dẫn địa lý đầu tiên trong số 3 chỉ dẫn địa lý được Bộ KH&CN hỗ trợ trong khuôn khổ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ. Hiện 02 chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận và cà phê Buôn Mê Thuột đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của MAFF.
Hiện tại, vải thiều của tỉnh Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia.
Đặc biệt, tháng 3/2021 vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều tại các quốc gia khác; đồng thời là "giấy thông hành" để vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang xuất khẩu vào các thị trường lớn, tiềm năng khác.
Để vải thiều có chất lượng cao nhất đáp ứng yêu cầu của tất cả các thị trường trong nước và quốc tế, những năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã luôn đồng hành phối hợp với tỉnh Bắc Giang kiên trì thực hiện việc nghiên cứu, ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học và công nghệ vào sản xuất như kỹ thuật canh tác, chăm sóc; thu hoạch, sơ chế, áp dụng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm; kiểm tra, giám sát nội bộ và giám sát từ bên ngoài; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; mở rộng diện tích trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... hướng tới 100% vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP
Cùng với đó, giám sát chặt chẽ các vườn vải tham gia mô hình vải thiều hữu cơ; lắp camera giám sát, nhật ký chăm sóc điện tử; tạo nên vải hữu cơ có nhiều ưu điểm vượt trội.
Theo báo cáo, toàn huyện Lục Ngạn hiện có hơn 15.000 ha vải thiều, tập trung tại các xã như Hồng Giang, Tân Sơn, Quý Sơn, Giáp Sơn. Trong đó, nhiều diện tích sản xuất theo quy trình GlobalGAP, VietGAP, hữu cơ… giúp sản phẩm vừa có mã đẹp, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, vải ra hoa đạt tỷ lệ hơn 90%, sinh trưởng phát triển tốt, người dân đang tập trung các biện pháp chăm sóc để vải đậu quả.
Vụ sản xuất năm 2021, diện tích vải thiều của tỉnh Bắc Giang dự kiến đạt khoảng 28.000 ha. Trong đó, diện tích vải sớm gần 7.000 ha, vải chính vụ hơn 21.000 ha; sản lượng dự kiến đạt khoảng 160.000 tấn. Diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh dự kiến đạt trên 15.000 ha; vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP diện tích 338 ha.
Năm nay, đối với thị trường Nhật, Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo sản xuất 19 mã số vùng trồng đã được cấp năm 2020; đồng thời rà soát mở rộng thêm một số vùng, nâng tổng diện tích vùng vải thiều để phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản khoảng 130 ha. Hiện, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đang đánh giá, thẩm định để cấp mã số vùng trong thời gian tới.