Năm nay, thời tiết thuận lợi, cùng với việc kiểm soát chặt chẽ các mã số vùng trồng nên chất lượng vải thiều cao hơn năm trước và cũng cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh kênh bán hàng truyền thống, kênh tiêu thụ online cho quả vải thiều đang được đẩy mạnh.
Ngay đầu vụ vải thiều 2022, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ vải thiều trên một số sàn thương mại điện tử như: Alibaba, Vỏ sò, Sendo, Tiki… và các nền tảng online khác với sản lượng dự kiến hàng nghìn tấn.
Không chỉ quả vải thiều, nhiều sàn thương mại điện tử Sendo, Voso.vn, Postmart.vn đã ra mắt các gian hàng hoa quả nhiệt đới như mận Sơn La, dứa mật, xoài... với các lựa chọn đa dạng, nguồn gốc rõ ràng, giá cả ưu đãi.
Ông Phan Trọng Lê, Trưởng Ban Nghiên cứu và Phát triển thương hiệu của Vietnam Post cho biết, trung bình mỗi ngày, lượng truy cập vào sàn Postmart.vn đạt gần 10.000 lượt, tăng mạnh so với trước. Đa số người tiêu dùng truy cập và lựa chọn mua các sản phẩm nông sản trái cây, đặc sản chính vụ của các địa phương. Như vậy, việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của địa phương trên thương mại điện tử đang tạo ra thói quen tiêu dùng mới.
Bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc đối ngoại sàn thương mại điện tử Lazada chia sẻ, tin tưởng rằng khi tham gia vào kinh doanh trên thương mại điện tử, các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các hộ gia đình, nông dân có thể tiếp cận tệp khách hàng rộng lớn hơn một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn. Từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng giá trị sản phẩm, đẩy mạnh việc phân phối các mặt hàng đặc sản của địa phương trên môi trường trực tuyến.
Đặc biệt, nông sản Việt cũng đang hướng tới việc xuất khẩu trực tuyến thông qua các sàn thương mại xuyên biên giới. Theo bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế, hồi Việt Nam (Vinasamex), ngay trong thời kỳ dịch COVID-19 căng thẳng, doanh nghiệp đã xác định là phải tìm ra cơ hội trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn, thách thức nào. Vì vậy, Vinasamex rà soát tất cả các vấn đề nội bộ của doanh nghiệp từ con người, máy móc, quy trình sản xuất đến phương thức bán hàng.
Đáng chú ý, về phương thức bán hàng, Vinasamex đang bán hàng trên kênh Amazon; sắp tới sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc bán hàng trên Amazon và các trang thương mại điện tử quốc tế.
Bắt đầu từ chất lượng sản phẩm
Theo bà Huyền, để phát triển kênh bán hàng online, việc nghiên cứu ra sản phẩm tốt là rất quan trọng. Ví dụ như nhóm ngành hàng gia vị, bên cạnh việc phát triển các sản phẩm thô, Vinasamex sẽ nghiên cứu làm các sản phẩm dễ sử dụng như bột gia vị hữu cơ - khách hàng có thể tiêu dùng nhanh hơn và bán tốt trên các kênh thương mại quốc tế.
"Đồng thời, sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ sẽ giúp doanh nghiệp bán được giá cao hơn từ 20-30%. Tất nhiên, đây chưa phải là đích cuối cùng, bởi có sản phẩm còn bán được giá cao hơn tới 50% và được đông đảo người tiêu dùng thế giới đón nhận", bà Huyền cho hay.
Trong 2 năm COVID-19 vừa qua, việc đẩy mạnh bán nông sản trên các sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng online đã được đẩy mạnh. Tuy nhiên, kết quả so với tiềm năng thì chắc chắn vẫn còn khiêm tốn. Từ thực tế của địa phương, ông Nguyễn Đình Kha, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Định cho biết, nhiều nhà vườn, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu nông sản, đơn vị xuất khẩu... cũng không còn xa lạ với hình thức kinh doanh trực tuyến. Thế nhưng, phương thức bán hàng vẫn còn nhỏ lẻ và phát sinh nhiều hạn chế, nhiều đơn vị gặp khó khăn trong khâu vận hành trên các sàn thương mại điện tử.
Chính vì vậy, ông Kha mong muốn Bộ Công Thương hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương đẩy mạnh phân phối đưa sản phẩm địa phương qua thương mại điện tử tại thị trường trong nước, dần hướng đến tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín thế giới.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khuyến nghị, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản. Đồng thời, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ, học tập, áp dụng các mô hình thành công đã có để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất. Từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, đặc biệt là việc ứng dụng thương mại điện tử vào phân phối lưu thông là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thời gian qua, cơ quan nhiều tỉnh, thành phố đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng các đơn vị đối tác liên quan tổ chức nhiều chương trình kết nối thương mại điện tử và các hoạt động phát triển thị trường nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm Việt. Ngoài những nỗ lực kết nối của chính quyền địa phương, nhiều cá nhân như nhà vườn, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu nông sản, đơn vị xuất khẩu... cũng chủ động "chào hàng trực tuyến” trên thị trường thương mại điện tử trong và ngoài nước.