Các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn nửa đầu năm 2023 như phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã đem lại tín hiệu tích cực cho chương trình xây dựng nông thôn mới tại Cần Giờ.
Lạc quan nông nghiệp công nghệ cao
Về huyện Cần Giờ những ngày hè, từ phà Bình Khánh đến đường Rừng Sác, biển Cần Giờ, ra đến đảo Thạnh An hay điểm du lịch cộng đồng Thiềng Liềng… không khí dường như nhộn nhịp hơn. Khách du lịch về Cần Giờ khá đông, đường trải nhựa nối các điểm đến giúp đi lại thuận tiện.
Để đón khách, phục vụ du lịch, nâng cao đời sống người dân trong huyện, Cần Giờ đang tích cực triển khai nâng cao Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa giai đoạn 2021 - 2025.
Theo Phòng Kinh tế huyện Cần Giờ, nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, huyện đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án thiết thực.
Một trong những chương trình đáng chú ý là tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất. Đồng thời, Cần Giờ cũng tập trung phát triển Chương trình OCOP gắn với du lịch sinh thái.
Tình hình sản xuất nông nghiệp của Cần Giờ từ năm 2021 đến nay có chuyển biến tích cực theo hướng nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ, qua đó giúp nâng cao chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Với lợi thế về thủy sản, địa phương đã từng bước ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng và đạt được nhiều kết quả khả quan. Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm chi phí đầu tư sản xuất. Giai đoạn 2021 - 2022, ngành nuôi trồng thủy sản của huyện Cần Giờ tăng 15,6%/năm.
Tính đến tháng 6/2023, diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của huyện Cần Giờ đạt 250ha, đạt 83,3% so với kế hoạch (đến năm 2025 là 300ha). Sản lượng bình quân đạt 1.689 tấn/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân 79,18%/năm.
Nửa đầu năm 2023, giá trị sản xuất nông nghiệp của toàn huyện Cần Giờ đạt 1.216,8 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tăng 10,6% so với cùng kỳ. Trong đó ngành nuôi trồng thủy sản chiếm 19%; ngành dịch vụ nông nghiệp (sản xuất giống nhuyễn thể) tăng 44% so với cùng kỳ.
OCOP - đòn bẩy cho nông thôn mới Cần Giờ
Ngoài nông nghiệp công nghệ cao, phát triển sản phẩm OCOP cũng là điểm nhấn quan trọng mà huyện Cần Giờ tập trung trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Sản phẩm OCOP được xác định nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng thu nhập cho người dân địa phương, đặc biệt gắn với du lịch để phát huy hết tiềm năng của huyện.
Huyện Cần Giờ có 2 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã và 1 hộ cá thể tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn huyện đã có 18 sản phẩm đặc trưng được UBND TP.HCM công nhận đạt chuẩn 3 - 4 sao.
Định hướng quan trọng của Cần Giờ hiện nay là gắn kết các sản phẩm OCOP vào các điểm đến du lịch trên địa bàn. Sự cộng hưởng này được kỳ vọng tạo ra giá trị gia tăng cho du lịch địa phương, thúc đẩy sản xuất, gia tăng thu nhập cho nông dân.
Ngoài sản phẩm OCOP, Cần Giờ cũng có 16 sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố, 12 sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, giai đoạn từ nay đến năm 2025, huyện Cần Giờ tập trung vận động các cơ sở kinh doanh đăng ký nhãn hiệu cho các các sản phẩm đặc trưng của địa phương như khô cá dứa Cần Giờ, yến sào Cần Giờ…
Ngoài ra, địa phương cũng triển khai các chương trình hỗ trợ cơ sở chế biến thiết kế logo, bao bì sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tham gia hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng đầu ra.
Theo Phòng Kinh tế huyện Cần Giờ, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện đã tập trung cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, gắn kết chặt chẽ với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, để tạo chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Chủ trương của Cần Giờ là thúc đẩy ngành nông nghiệp tăng trưởng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; hướng tới xây dựng nền "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".