Không chỉ là giải cứu
Ông Lê Văn Tùng, chủ vườn cam Cao Phong ở Hoà Bình từng nhiều lần bị thương lái ép giảm một nửa giá nhưng vẫn phải chấp nhận bán. Từ sau khi tham gia tạo gian hàng trên sàn thương mại điện tử vào tháng 7/2019 đến nay, ông Cường đã có thể chủ động hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm, lợi nhuận thu được cao hơn, có thêm nhiều khách hàng và đặc biệt là tránh được tình trạng bị phụ thuộc vào giá thu gom của thương lái.
Chủ trang rau tại Hải Dương, ông Nguyễn Đức Cường cũng nhận định sàn thương mại điện tử mở ra cho các hộ nông dân có thêm kênh tiêu thụ hàng hóa mới. “Cách bán hàng cũ phụ thuộc vào thương lái, hôm nay thế này, ngày mai thế khác, giá cả chúng tôi không được quyền quyết định. Trong 2 tháng bán hàng qua sàn, lượng hàng tiêu thụ đã ổn định hơn. Chúng tôi hy vọng về lâu dài đây sẽ là kênh tiêu thụ nông sản giúp bình ổn giá cho các hộ nuôi trồng”, ông Cường chia sẻ.
Các hộ nông dân ở Hòa Bình, Hải Dương kể trên là 2 trong vài trăm nhà cung cấp lẻ đang hoạt động trên các sàn thương mại điện tử Postmart và Vỏ Sò của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) và Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) để tiếp cận thêm phương thức kinh doanh mới – qua mạng, phần nào thoát khỏi tình trạng, bị thương lái ép giá, “được mùa mất giá”.
Cùng ra đời từ năm 2019 với định hướng tạo kênh kết nối, hỗ trợ người dân đưa các sản phẩm đặc sản đến gần hơn với người tiêu dùng, nâng cao giá trị, thời gian qua, cả 2 sàn Postmart và Vỏ Sò chủ yếu tập trung vào sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm – PV) và các nhà cung cấp lớn - doanh nghiệp.
Phải đến khi triển khai các chương trình, chiến dịch hỗ trợ nông dân Hải Dương tiêu thụ nông sản bị ùn ứ do ảnh hưởng dịch hồi đầu tháng 3/2021, 2 sàn thương mại điện tử của các doanh nghiệp bưu chính mới thấy hết được những thách thức, khó khăn trong việc đưa nông dân lên sàn. Đó không chỉ là việc phải thiết kế quy trình vận chuyển sao cho các loại nông sản có hạn dùng ngắn như rau củ, hoa quả, thịt, trứng… đến được bếp ăn của người tiêu dùng vẫn còn tươi, ngon. Mà quan trọng hơn là phải làm sao để chính những người nông dân sử dụng được công nghệ số, tham gia kinh doanh trên sàn cũng như thay đổi thói quen mua sắm của đại đa số người tiêu dùng.
Trong hơn 1 tháng hỗ trợ nông dân Hải Dương, 2 doanh nghiệp bưu chính đã tổ chức hàng chục đội, nhóm nhân viên thường xuyên xuống trực tiếp các trang trại, nhà vườn để hướng dẫn nông dân cách thức khởi tạo gian hàng, cách livestream, viết giới thiệu sản phẩm và bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, Vietnam Post và Viettel Post cũng có nhiều ưu đãi để khuyến khích người tiêu dùng đặt mua nông sản Hải Dương qua các sàn như: miễn phí vận chuyển, xây dựng chương trình Flash Sale cho nông sản Hải Dương, ra tính năng “Mua chung giá rẻ”…
Với hàng loạt hoạt động, sau hơn 1 tháng, hai sàn Postmart và Vỏ Sò đã hỗ trợ tiêu thụ hơn 60 tấn rau củ (su hào, bắp cải, cà rốt, khoai tây, hành…) cùng gần 8.000 con gà và hơn 300.000 trứng. Quan trọng hơn, đã có hàng trăm hộ nông dân Hải Dương được đào tạo, hướng dẫn làm quen với phương thức kinh doanh mới - qua sàn thương mại điện tử.
Doanh nghiệp bưu chính tham gia chuyển đổi số nông nghiệp
Đại diện Vietnam Post cho biết, việc hỗ trợ Hải Dương trong chiến dịch vừa qua chỉ là bước tiền đề để đưa sàn Postmart đến gần hơn với khách hàng, với người tiêu dùng, và cả với các hộ nông dân. Thay đổi nhận thức của bà con nông dân trong cách kinh doanh, giao thương buôn bán để đạt hiệu quả cao hơn là mục tiêu lâu dài mà Vietnam Post hướng đến.
Vietnam Post đang chuẩn bị sẵn sàng để triển khai các hoạt động hỗ trợ bà con nông dân trên cả nước, bắt đầu bằng việc đào tạo và thay đổi nhận thức kinh doanh cho bà con, từ đó cung cấp công cụ hỗ trợ kinh doanh như sàn Postmart, công cụ quản lý bán hàng, quản lý hiệu quả công việc...
Với Viettel Post, ngày từ thời điểm khởi động chiến dịch ứng dụng công nghệ số giúp nông sản Việt thoát cảnh giải cứu, CEO Viettel Post Trần Trung Hưng đã khẳng định, việc triển khai chương trình ở Hải Dương chỉ là khởi đầu, là dịp để đơn vị kiểm chứng thêm về quy trình hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Quy trình này sẽ được mở rộng để áp dụng trên toàn quốc. Cụ thể, Viettel Post dự kiến trong 3 quý cuối năm 2021 sẽ tham gia hỗ trợ chuyển đổi số tại 9 địa phương: Sơn La, Lào Cai, Bắc Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Nghệ An.
Thời gian tới, hai doanh nghiệp bưu chính sẽ tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các hộ nông dân tiếp cận công nghệ số, lên sàn thương mại điện tử bán hàng.
Nhấn mạnh trong xu thế dịch chuyển và mở rộng các kênh bán hàng trên môi trường trực tuyến, người nông dân cần thích nghi nhanh với sự thay đổi, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) Nguyễn Thanh Hưng cho hay, với việc tổ chức kênh tiêu thụ nông sản qua các sàn thương mại điện tử, người nông dân không chỉ có thêm kênh bán hàng mà qua đó có thể quảng bá tốt hơn sản phẩm của mình đến với các đối tác và người tiêu dùng.
“Thách thức lớn trong việc bán hàng nông sản trên môi trường trực tuyến là việc bảo quản và vận chuyển cho các đơn hàng nhỏ lẻ, nếu có sự hỗ trợ tốt của các nhà vận chuyển cơ hội sẽ mở ra rất lớn cho người nông dân”, ông Hưng chia sẻ.
Đại diện VECOM cũng cho rằng, việc đưa nông sản lên bán trên sàn thương mại điện tử sẽ tạo ra không gian kinh doanh mới nhưng không có nghĩa ngay lập tức thay đổi hoàn toàn vị thế của người nông dân với thương lái, bởi hoạt động bán hàng truyền thống vẫn đang đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, với kênh bán hàng mới, vị thế của người nông dân sẽ có sự thay đổi khi có nhiều thương lái biết đến hơn, bản thân người tiêu dùng cũng biết rõ hơn về giá bán sản phẩm, qua đó thông tin minh bạch hơn từ người bán đến người mua sẽ làm giảm bớt sự lũng đoạn ở khâu trung gian.
Bộ TT&TT đã xác định năm 2021 là năm hành động mạnh hơn để chuyển đổi số quốc gia. Chương trình chuyển đổi số quốc gia cũng chọn nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số. Để chuyển đổi số nông nghiệp, trong đó có việc thay đổi tư duy bán hàng truyền thống cũng như hỗ trợ nông dân làm quen với việc sử dụng công nghệ số, vẫn còn rất nhiều việc cần làm trong chặng đường sắp tới.
Tại hội nghị giao ban quý I/2021 với các Sở TT&TT hồi đầu tháng 3, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo các sở TT&TT giới thiệu 2 sàn giao dịch điện tử của Vietnam Post và Viettel Post để người dân, các hộ nông dân của các tỉnh có thể lên sàn bán hàng ra toàn quốc.
Mới đây, Bộ trưởng đã giao Vụ Bưu chính tham mưu ban hành văn bản của Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã phối hợp cùng với các sàn thương mại điện tử Việt Nam (Postmart, Vỏ So), các công ty bưu chính để hỗ trợ các hộ nông dân đưa sản phẩm lên sàn.
Vụ Bưu chính cũng được giao chủ trì, trong tháng 5/2021 trình Bộ văn bản yêu cầu các sàn thương mại điện tử như Postmart, Vỏ Sò xây dựng thêm các tính năng để gắn giá trị sản phẩm với thương hiệu cụ thể của từng gia đình, từng hộ nông dân. Bởi lẽ, theo người đứng đầu ngành TT&TT, việc gắn sản phẩm với thương hiệu hộ nông dân là cách tốt nhất để giữ thương hiệu, chính hộ nông dân sẽ giữ thương hiệu của gia đình mình.