Trong 2 ngày 18 - 19/11/2021, tại TP. Bắc Kạn, Chương trình đào tạo “Kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã” do Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương chủ trì, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Liên minh hợp tác xã phối hợp tổ chức, đã mang đến những bài học mới mẻ, bổ ích và nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm mới trong kinh doanh trên nền tảng số cho các chủ hộ SXNN và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Các chuyên gia của Bưu điện Việt Nam đã hướng dẫn hộ SXNN từ quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm đến khâu chuẩn bị sản phẩm, đóng gói sao cho phù hợp với từng loại sản phẩm và từng đối tượng khách hàng.
Học viên được chia thành các nhóm nhỏ nhằm tạo sự gắn kết, sức mạnh của trí tuệ tập thể, từ đó xây dựng được những chiến lược cùng nhau phát triển hướng đến mục tiêu đạt được kết quả tốt trên môi trường kinh doanh số. Mỗi nhóm sẽ đề xuất và bảo vệ những ý tưởng của mình với sự tư vấn của những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh sàn thương mại điện tử Postmart.vn.
Một trong những nội dung quan quan trọng nhất của Chương trình đào tạo là hình thức bán hàng trực tuyến (livestream) và cách thức lập kế hoạch cho một buổi livestream mang lại hiệu quả. Các học viên được tạo tài khoản miễn phí và hướng dẫn livestream ngay tại buổi học để quảng bá hình ảnh sản phẩm của mình theo cách hiệu quả nhất.
Đặc biệt, ngay trong các buổi thực hành livestream, những đơn hàng đầu tiên đã được chốt, mang lại sự hào hứng và phấn khởi cho các học viên.
Chia sẻ sau khi tham gia đào tạo, bà Lý Thị Quyên, Giám đốc Hợp tác xã Thiên An cho biết: “3 buổi học của chương trình này thực sự rất hữu ích. Kinh doanh nông nghiệp trên nền tảng số là một khái niệm còn khá xa lạ với những người sản xuất nông nghiệp như chúng tôi. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được đào tạo một cách bài bản như vậy. Điều này mang đến một hướng phát triển, kinh doanh mới mà mọi thứ luôn rõ ràng, minh bạch, chủ động và mang đến những giá trị kinh tế cao hơn so với phương thức cũ. Sau khóa học này, chúng tôi cũng sẽ về hướng dẫn thêm cho các hộ kinh doanh khác tại địa phương để cùng phát triển. Chỉ có đi cùng nhau, kinh doanh mới có thể phát triển và bền vững được”.
Khóa học không chỉ gồm có những bài giảng về lý thuyết hay thực hành, mà còn dành thời gian để người nông dân có cơ hội chia sẻ những khó khăn, vướng mắc mà họ đã, đang và sẽ gặp phải khi phát triển kinh doanh trên không gian mạng.
“Đây là những bài học rất mới và hữu ích đối với chúng tôi. Trước đây, ngoài phương thức kinh doanh truyền thống, chúng tôi cũng thử đưa những sản phẩm của mình lên mạng để bán song không có hiệu quả. Qua những buổi đào tạo của Bưu điện Việt Nam, chúng tôi đã hiểu ra những điểm thiếu sót, chưa đúng trong phương thức kinh doanh trên nền tảng số. Hy vọng rằng sẽ có nhiều hơn nữa những khóa đào tạo như này, để người nông dân, hộ SXNN hay hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cùng nắm bắt, hiểu và triển khai thành công mô hình kinh doanh trên nền tảng số trong thời gian tới”, chịPhan Thị Tố Mười, lãnh đạo Hợp tác xã Tố Mười bày tỏ.
Kết thúc khóa đào tạo, các học viên đã nắm bắt được nhiều điểm mấu chốt để phát triển kinh doanh trên nền tảng kinh tế số cùng với sự tư vấn trong cách tiếp cận khách hàng, chọn lọc các thông tin quan trọng để quảng bá sản phẩm.
Khóa đào tạo cũng nâng cao được năng lực chuyển đổi số của người dân tại Bắc Kạn, bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi chung của nền nông nghiệp nước nhà, kịp thời đổi mới về cách thức tổ chức và quản lý để góp phần thu hẹp khoảng cách giữa người sản xuất và người tiêu dùng.
Thời gian tới, cùng với các chủ trương của Đảng, cơ chế chính sách mới của Nhà nước cũng như của tỉnh, kinh tế tập thể, nhất là loại hình hợp tác xã tiếp tục có nhiều cơ hội phát triển.
Vì vậy, rất cần thiết có thêm nhiều khóa đào tạo kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số với trọng tâm là phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã hướng đến nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, mở rộng quy mô, số lượng, chất lượng các sản phẩm OCOP; tăng cường liên kết trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao chuỗi giá trị, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công mô hình kinh doanh nông nghiệp 4.0.