ảnh minh họa
Ngày 27/5, hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (25-31/5), Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế, với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức y tế cộng đồng toàn cầu Vital Strategies, đã tổ chức phát động chiến dịch truyền thông "Nói không với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo vệ thế hệ trẻ".
Đây là một phần trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng thông điệp của tổ chức Y tế thế giới, kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá và thuốc lá mới tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng.
Trong khuôn khổ chiến dịch, nhiều hoạt động truyền thông sẽ được triển khai nhằm nâng cao nhận thức cho đối tượng thanh thiếu niên và cha mẹ có con ở độ tuổi thanh thiếu niên về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Thông qua đó, chiến dịch kêu gọi mọi người không sử dụng các sản phẩm thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Ông Lương Ngọc Khuê, Giám đốc Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá cho biết, những năm gần đây, xuất hiện nhiều sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Mặc dù chưa được phép tuy nhiên việc mua bán, quảng cáo những sản phẩm này đang diễn ra phổ biến. Tỉ lệ hút thuốc lá điện tử năm 2020 ở cả nam và nữ tăng 18 lần so với năm 2015 (từ 0,2% lên 3,6%). Đặc biệt, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15-24 tuổi.
Tiến sĩ Tom Carroll, Cố vấn cấp cao về truyền thông và vận động chính sách của Vital Strategies - tổ chức đã có nhiều năm kinh nghiệm hỗ trợ hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam chia sẻ, giống như hút thuốc lá thường, thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử cũng tỏa ra các hóa chất độc hại như nitrosamines và hydrocarbon có trong khói xe ô tô và thuốc trừ sâu gây ung thư…
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó, hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động.
Hút thuốc lá cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh như ung thư, tim mạch, ước tính mỗi năm gây ra 60.000 ca bệnh.
Theo đánh giá của hội đồng các chuyên gia y tế công cộng của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2020 cho thấy, những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do COVID-19 cao hơn so với những người không hút thuốc.
Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút hoặc mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhận định, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới, đặc biệt đang có xu hướng gia tăng nhanh trong lứa tuổi học sinh. Nếu chúng ta không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ và kịp thời ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam thì tỉ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại.
Các tổn thất về sức khỏe và kinh tế do việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới gây ra cũng nghiêm trọng không kém các sản phẩm thuốc lá điếu. Các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút hoặc mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm.
Bộ Y tế muốn gửi đến những người hút thuốc thông điệp "Hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay, cùng chung tay xây dựng môi trường sống và làm việc không khói thuốc để bảo vệ sức khoẻ cho chính bản thân mình, cho gia đình và cho cộng đồng.