Cách đây khoảng 10 năm, quận Hồng Bàng đã triển khai mô hình một cửa và là địa phương đi đầu của thành phố Cảng trong thực hiện Ðề án thí điểm về chính quyền điện tử - một điểm sáng của cả nước khi đó. Ðáng chú ý, Hồng Bàng luôn chủ động mạnh dạn đề xuất thành phố chọn làm thí điểm hoặc đi đầu trong thực hiện cải cách hành chính liên thông, hiện đại, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, xã hội số.
Sự nỗ lực vươn lên mạnh mẽ trong công tác cải cách hành chính với quyết tâm xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, công khai, minh bạch, hướng tới sự hài lòng, tin tưởng của người dân, doanh nghiệp của quận Hồng Bàng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Quận đã trở thành một trong những địa phương dẫn đầu thành phố về phát triển kinh tế-xã hội.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Phạm Văn Ðoan khẳng định, chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của quận nói riêng, của thành phố và đất nước nói chung. Ðể chuyển đổi số thật sự mang lại hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, rất cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Thành lập 80 tổ công nghệ số cộng đồng với gần 600 thành viên, kiện toàn và đổi tên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử quận thành Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số, quận xác định, công tác chuyển đổi số phải gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, xây dựng, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh…
Tính đến nay, các đơn vị, địa phương trong toàn quận đã có 94% văn bản sử dụng chữ ký số, tăng gần gấp hai lần so với năm 2022. Nhiều phòng, ban, phường đã có 100% văn bản phát hành sử dụng chữ ký số. Chỉ tính riêng việc sử dụng chữ ký số không chỉ tiết giảm chi phí, thời gian lưu trữ, tra cứu, gửi, nhận văn bản giấy giữa các đơn vị, mà còn thay đổi tác phong, lề lối làm việc, chuyển từ giải quyết công việc trên giấy tờ sang môi trường điện tử hiện đại, nhanh, gọn, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Trong quý I/2023, tỷ lệ hồ sơ nộp và giải quyết trực tuyến của các phường trong quận đạt bình quân 99,14%, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,67%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến tại bộ phận một cửa đạt 75,5%, tăng hai lần so với cùng kỳ năm trước.
Ðầu tháng 4 vừa qua, quận Hồng Bàng lại trở thành địa phương đầu tiên của thành phố khởi động mô hình Trung tâm điều hành thông minh (HB IOC) và ứng dụng công dân số "Hồng Bàng Smart". Trung tâm HB IOC là hệ thống công nghệ thông tin không chỉ có chức năng giám sát, điều hành tổng hợp nhiều hoạt động của quận, mà còn là công cụ phục vụ hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền. Cùng với đó, ứng dụng "Hồng Bàng Smart" được triển khai kết nối đồng bộ với HB IOC. "Hồng Bàng Smart" được cài đặt trên điện thoại thông minh, tích hợp tất cả các tính năng xã hội thông minh như công dân số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, cuộc sống số… Thông qua các ứng dụng, chính quyền quận sẽ nhanh chóng tiếp nhận, xử lý, trả lời những phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; giúp tăng cường sự tương tác, thân thiện giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền, xử lý nhanh chóng, kịp thời các vấn đề bất cập trên môi trường số...
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hoàng Minh Cường, việc khởi động mô hình Trung tâm HB IOC và ứng dụng "Hồng Bàng Smart" đã đánh dấu nỗ lực của cấp ủy, chính quyền quận trong công cuộc chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại. Ðồng thời, đây cũng là cơ sở quan trọng để cấp ủy, chính quyền quận ngày càng nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, phục vụ người dân, doanh nghiệp…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Phạm Văn Ðoan chia sẻ, kết quả chuyển đổi số của quận bước đầu đạt kết quả khích lệ, nhưng phía trước cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng với nhiều lợi ích của chuyển đổi số mang lại và là xu hướng tất yếu của xã hội, cấp ủy, chính quyền quyết tâm, khát vọng triển khai thành công, dẫn đầu chương trình chuyển đổi số với sự ủng hộ của thành phố, sự đồng hành của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.