Dịch Covid-19 khiến Viettel đẩy mạnh tương tác khách hàng trên kênh số thay cho kênh truyền thống.
Tuy nhiên, dù nhiều hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng song trong báo cáo 6 tháng, Viettel vẫn hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra, trong khi xu hướng thế giới giảm chi tiêu về viễn thông, công nghệ thông tin (VT-CNTT).
Những tháng đầu năm nhờ đẩy mạnh các dịch vụ phục vụ khách hàng trong xu thế chuyển đổi số, lấy nhu cầu của khách hàng làm trung tâm, doanh thu của Tập đoàn Viettel đạt 120 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1 % so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 19,85 nghìn tỷ gần 110,2% kế hoạch. Trong đó doanh thu từ các dịch vụ mới trên nền tảng số tăng trưởng 57% so với cùng kỳ. Chỉ tính riêng các dịch vụ dành cho khách hàng cá nhân trên nền tảng số đã đem về doanh thu 2,4 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 60%.
Để khách hàng có thể đảm bảo sinh hoạt, chi tiêu trong mùa dịch, Viettel đã đẩy mạnh phát triển các dịch vụ thanh toán số trên hệ sinh thái ViettelPay như: Gửi tiết kiệm, vay tiêu dùng, bảo hiểm số và đầu tư số; xây dựng giải pháp thẻ du lịch, hệ thống bán vé và kiểm soát vé điện tử. Tổng số lượng giao dịch trên ViettelPay trong 6 tháng tăng 186% so với cùng kỳ năm ngoái.
Diễn biến phức tạp của Covid-19 khiến Viettel cũng đẩy mạnh tương tác khách hàng trên kênh số thay cho kênh truyền thống; các dịch vụ mới có tỷ lệ tương tác với khách hàng trên 90% trên kênh số. Nhờ đã áp dụng số hóa vào hoạt động chăm sóc khách hàng, tỷ lệ hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ viễn thông đã tăng từ 87,92% (năm 2019) lên 90,02% (năm 2020). Viettel chủ động chuyển tương tác khách hàng lên hệ thống Chatbot My Viettel tới gần 25 nghìn lượt/ngày (đạt tỷ lệ 95%).
Viettel đẩy mạnh hoàn thiện và đưa vào kinh doanh các dịch vụ Cloud như dịch vụ giám sát và xử lý ATTT mạng trên nền tảng điện toán đám mây; hệ sinh thái các sản phẩm trên nền tảng Cloud (Cloud server, Cloud PC, Cloud Camera…); nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới AI vào hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh, trải nghiệm khách hàng.
Viettel cũng hợp tác cùng các chuyên gia chuyển đổi số để tư vấn cho khách hàng trong thực hiện chuyển đổi số; xây dựng các nhóm chuyên trách về nghiên cứu chuyển đổi số để tư vấn cho các doanh nghiệp… Đặc biệt, Viettel tiếp tục triển khai mạnh các giải pháp số cho Chính phủ, giáo dục, y tế đặc biệt các giải pháp trong giai đoạn dịch Covid-19; hoàn thành quy hoạch hệ sinh thái sản phẩm đô thị thông minh và Chính phủ điện tử…
Theo Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG), chi tiêu cho CNTT trên toàn thế giới dự kiến giảm 5,1% trong năm nay, còn chi tiêu cho viễn thông giảm gần 1%. Cũng theo báo cáo này, những cái tên lớn nhất của ngành viễn thông nằm trong top 30 của danh sách 150 nhà mạng có giá trị lớn nhất thế giới 2020 do Brand Finance xếp hạng phần lớn đều chịu thiệt hại trong thời điểm này (China Mobile ghi nhận mức sụt giảm 2% tổng doanh thu, lợi nhuận ròng quý 1-2020, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước; AT&T báo cáo đã không đạt mục tiêu doanh thu và thu nhập trong quý 1-2020, với mức giảm lên tới 4,6%; Telefonica thậm chí còn giảm 10% doanh thu, lợi nhuận giảm tới 53%...).