Trên 99% tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình
Cà Mau là tỉnh duy nhất có 3 mặt giáp biển và là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước có nguồn lợi thủy sản phong phú, thuận lợi cho việc phát triển nghề khai thác thủy sản. Sản lượng thủy sản khai thác năm 2021 của tỉnh Cà Mau đạt 230.000 tấn, sản lượng tôm đạt khoảng 10.000 tấn. Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, mặt hàng thủy sản, trong đó có khai thác, đã và sẽ tiếp tục góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế của địa phương trước tác động nặng nề của dịch Covid-19 thời gian qua. Đặc biệt, trong năm 2021, xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau đạt trên 1,1 tỷ USD. Những con số trên cho thấy ngành khai thác chiếm vị thế quan trọng trong ngành thủy sản của tỉnh nói riêng và trong phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh Cà Mau nói chung.
Tuy nhiên, hiện nay, Cà Mau đang gặp không ít khó khăn trong việc ngăn chặn khai thác IUU. Dù cơ quan chức năng rất nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, tuy nhiên, tình trạng ngư dân vi phạm các quy định về khai thác IUU vẫn còn diễn ra. Năm 2021, tỉnh Cà Mau xảy ra 6 vụ/8 tàu cá, với 46 thuyền viên vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Một trong những nỗ lực của tỉnh Cà Mau nhằm tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS). Tính đến nay, toàn tỉnh Cà Mau có tổng số 4.598 tàu cá, trong đó, đã có 1.518/1.525 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định (đạt 99,54%). Thiết bị giám sát hành trình được xem là giải pháp quan trọng mà các cơ quan quản lý dựa vào nó, sử dụng nó để tiến tới việc chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Theo Đại tá Lương Hoàng Đông, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Cà Mau, đây là tín hiệu đáng mừng, bởi khi các chủ tàu cá hợp tác thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo đúng quy định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản trên vùng biển. Đồng thời, kịp thời xử lý các tình huống xấu trên biển, giúp ngư dân yên tâm bám biển, bám ngư trường...
Nhưng thực tế, hiện nay, ở Cà Mau, mặc dù số lượng tàu cá được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt tỷ lệ khá cao, nhưng số lượng thiết bị sau lắp đặt bị mất kết nối trên thực tế vẫn còn nhiều. Trong khi đó, cơ quan chức năng lại gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân thiết bị tàu cá mất kết nối xuất phát từ lỗi kỹ thuật của thiết bị hay lỗi do sự cố ý đối phó của chủ tàu cá. Điều này cũng gây nhiều khó khăn trong việc xử lý tàu cá vi phạm ở Cà Mau.
Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm
Ðể chấm dứt tình trạng này, ông Lê Văn Sử cho rằng, cần có bộ quy chế về quản lý thông tin thống nhất trong cả nước để làm cơ sở cho các địa phương xử lý được bất kể phương tiện mất kết nối nào, tránh nhầm lẫn giữa phương tiện mất kết nối do khách quan với mất kết nối do cố ý và cả do vi phạm vùng biển nước ngoài. Ðảm bảo thiết bị giám sát hành trình là lớp “lưới” cuối cùng có thể giăng được tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Do vậy, cùng với tăng cường quản lý, kiểm tra hoạt động tàu cá khai thác thủy sản trên vùng biển, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý thật nghiêm đối với những tàu cá cố tình tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình hoặc có hành vi phá sóng thiết bị. Đối với tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt thủy sản sẽ bị xử lý thật nặng, biện pháp chế tài cao nhất là tịch thu tàu cá vi phạm nhằm mục đích răn đe.
Để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá của tỉnh vi phạm khai thác IUU, cuối tháng 11-2021, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đến năm 2025.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các sở, ngành và lãnh đạo các huyện vùng biển: U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật về thủy sản; tập trung triển khai các quy định về IUU; ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ hoạt động khai thác IUU của tổ chức, cá nhân trên các vùng biển của tỉnh; chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân tỉnh Cà Mau khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài; góp phần tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, khu vực và hội nhập quốc tế.
UBND tỉnh Cà Mau cũng đặt ra mục tiêu rất cụ thể cho 2 giai đoạn, từ 2021-2022 và từ 2023-2025. Trong đó, đến cuối năm 2022, phải hoàn thành 100% việc đánh dấu tàu cá và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Kiện toàn lực lượng kiểm ngư tỉnh đảm bảo đủ năng lực thực thi pháp luật thủy sản trên biển. Bố trí đủ nguồn lực, trang thiết bị để nâng cao năng lực quản lý nghề cá tại cảng cá. Cùng với đó, ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân của tỉnh vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, góp phần tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC.