Ninh Thuận phát triển bền vững khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Núi Chúa

Thứ hai, 10/01/2022 14:14

Tỉnh Ninh Thuận tăng cường triển khai các biện pháp bảo tồn các loài động, thực vật biển nguy cấp, quý hiếm gắn với phục hồi và phát triển hệ sinh thái khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Núi Chúa (huyện Ninh Hải) theo hướng bền vững.

Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền vừa ký quyết định số 864/QĐ-UBND ban hành kế hoạch quản lý Khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Núi Chúa giai đoạn 2021-2025 với kinh phí thực hiện trên 3,3 tỷ đồng. Kế hoạch triển khai các hoạt động bảo tồn giá trị tài nguyên thiên nhiên, giá trị di tích văn hóa - lịch sử; khai thác hợp lý và phát huy các giá trị của khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Núi Chúa.

nui-chua-281221-1.jpg 
Thềm đá san hô cổ tại Hang Rái thuộc Vườn quốc gia Núi Chúa.

Quy mô quản lý khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Núi Chúa được thực hiện từ mũi Đá Vách ở phía Bắc xuống phía Bắc Hòn Chông ở phía Nam với tổng diện tích 7.352ha. Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 667ha; phân khu phục hồi sinh thái 656ha; phân khu dịch vụ - hành chính 6.029ha. Ngoài ra, vùng đệm ven biển bao quanh, tiếp giáp với ranh giới khu bảo tồn biển cũng được bảo vệ nhằm ngăn chặn, giảm nhẹ tác động gây hại từ bên ngoài.

UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khu bảo tồn biển theo quy chế quản lý khu bảo tồn biển Việt Nam; phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tiến hành hoạt động điều tra, nghiên cứu khoa học, phục hồi, tái tạo các loài động vật, thực vật thủy sinh và hệ sinh thái tự nhiên trên biển. Việc triển khai các hoạt động du lịch sinh thái được thực hiện, tránh tác động xấu đến môi trường khu bảo tồn biển và đảm bảo an ninh trật tự trên khu vực biên giới biển.

Các tài nguyên bảo vệ, quản lý trong khu bảo tồn biển bao gồm: Hệ sinh thái rạn san hô; hệ sinh thái rong, cỏ biển. Trong đó, ưu tiên những loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cần được ưu tiên bảo vệ theo Danh lục đỏ thế giới (IUCN), Sách đỏ Việt Nam; xây dựng và triển khai có hiệu quả đề án tổng thể phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; xây dựng kế hoạch nuôi trồng, tái tạo và khai thác nguồn lợi thủy sản, xác định khu nuôi trồng, khai thác thủy sản cho người dân sinh sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển.

Trước đó, ngày 15-9-2021, Vườn quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Khu vực này có tổng diện tích trên 106.646ha, trong đó vùng lõi trên 15.752ha, vùng đệm trên 48.761ha và vùng chuyển tiếp trên 42.131ha. Đây là khu vực có hệ sinh thái rừng và biển rất đa dạng, phong phú.

nui-chua-281221-2.jpg 
Rùa con chuẩn bị trở về biển ở Vườn quốc gia Núi Chúa.

Các nghiên cứu và dữ liệu thu thập cho thấy vùng biển Vườn quốc gia Núi Chúa có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao, nổi bật nhất là khu hệ sinh thái rạn san hô với 350 loài san hô, trong đó có 307 loài san hô cứng tạo rạn thuộc 59 giống, 15 họ và có 46 loài san hô được ghi nhận là phân loại mới tại Việt Nam. Đây còn là nơi có quần thể rùa biển gồm Đồi mồi, Rùa xanh, Đồi mồi dứa đến sinh sản hàng năm đang được bảo vệ nghiêm ngặt.

Thành phần sinh vật trên rạn cũng khá đa dạng với 297 loài cá rạn san hô thuộc 116 giống và 43 họ; 150 loài động vật đáy không xương sống kích thước lớn thuộc 84 giống và 51 họ. Ngoài ra, còn có 174 loài rong biển, diện tích các thảm cỏ biển ước đạt khoảng 280 ha. Có 33 loài thú biển (thuộc 7 họ, 3 bộ) được công bố tại khu vực Vườn quốc gia Núi Chúa và khu vực lân cận, trong đó 10 loài có tên trong Danh lục đỏ IUCN và 5 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam.

Theo ông Trần Văn Tiếp, Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa, trong những năm qua, Vườn phối hợp với các đơn vị, tổ chức nghiên cứu khoa học trong, ngoài nước điều tra, đánh giá tiềm năng, xây dựng dữ liệu về tài nguyên và môi trường biển trong phạm vi khu bảo tồn để làm cơ sở triển khai các dự án bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái biển.

Hiện tại, Vườn quốc gia Núi Chúa đang triển khai đồng bộ nhiều phương án, giải pháp để bảo vệ hiệu quả, bền vững các quần thể rùa biển và nơi sinh cư của chúng cùng các loài thủy sinh nguy cấp, quý hiếm khác. Cụ thể, Vườn xây dựng và duy trì các vùng bảo vệ nghiêm ngặt rùa biển tại các bãi đẻ trong khu vực; xây dựng trạm bảo tồn rùa, thành lập các tổ tình nguyện viên cùng tham gia bảo vệ rùa biển. Đồng thời, Vườn xây dựng khu vực cứu hộ sinh vật biển để tiếp nhận, cứu hộ, chữa trị, nuôi huấn luyện rùa bị nuôi nhốt, đánh bắt, đảm bảo đủ các điều kiện để rùa tự sinh sống được trước khi thả ra môi trường tự nhiên.

Song song với đó, Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức và kiến thức của cộng đồng về tầm quan trọng, giá trị các nguồn tài nguyên sinh vật biển. Từ đó, tạo sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân địa phương trong việc bảo vệ hệ sinh thái, môi trường biển.

Nhằm gìn giữ đa dạng sinh học và khai thác hợp lý tài nguyên từ biển, tỉnh Ninh Thuận đang triển khai nhiều biện pháp quản lý, tuyên truyền, tổ chức khai thác hải sản đúng mùa vụ, sử dụng kích thước lưới đúng quy định, khai thác đúng tuyến, không dùng hóa chất độc, chất nổ, xung điện để khai thác. Hàng năm, tỉnh trích một phần ngân sách và huy động các doanh nghiệp thả hàng triệu con tôm sú, cá giống ra biển để tái tạo, bổ sung nguồn lợi hải sản.

 

Theo TTXVN
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top