Ảnh minh họa
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phan Tấn Cảnh đã ký văn bản số 4823/KH-UBND, về việc ban hành kế hoạch triển khai thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận. Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, mục đích việc thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển, huy động tối đa nguồn lực để tạo động lực phát triển kinh tế xã hội địa phương. Ranh giới dự kiến thành lập Khu kinh tế với tổng diện tích là 439 km2 (43.900 ha) bao gồm 9 xã, trong đó có 7 xã thuộc huyện Thuận Nam (xã Nhị Hà, Phước Minh, Phước Ninh, Cà Ná, Phước Nam, Phước Dinh, Phước Diêm) và hai xã thuộc huyện Ninh Phước (An Hải, Phước Hải).
Theo đó, khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận hướng đến việc tăng cường liên kết vùng với các khu kinh tế ven biển miền Trung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước; qua đó, khai thác các thế mạnh, thúc đẩy sự phát triển của vùng, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu hiện đại, đồng bộ để nâng cao mức sống người dân; bảo vệ bền vững môi trường; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Về quy trình và tiến độ, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, việc xây dựng phương án phát triển khu kinh tế ven biển phía Nam được tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thời gian hoàn thành theo tiến độ quy hoạch của tỉnh.
Để thực hiện nhiệm vụ nêu trên, UBND tỉnh Ninh Thuận giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp, các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tham mưu xây dựng đề cương, dự toán kinh phí và đề án thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam Ninh Thuận; trình UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua; trình Bộ KH&ĐT thẩm định đề án và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, Sở KH&ĐT có trách nhiệm theo dõi tiến độ, đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, định kỳ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương lập Đồ án Quy hoạch phân khu Tổng kho xăng dầu và Quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm logistics; xây dựng Đề án bổ sung Trung tâm trung chuyển, tái tạo khí LNG Cà Ná với quy mô 4,8 triệu tấn/năm vào Quy hoạch quốc gia hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt. Sở GTVT chịu trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Cảng cạn; tham mưu điều chỉnh Quy hoạch phân khu Cảng tổng hợp Cà Ná; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Quy hoạch phân khu Khu Công nghiệp Cà Ná./.