Những mô hình văn hóa đọc cần nhân rộng (phần 1)

Thứ tư, 04/09/2013 14:22

Ở Việt Nam từ lâu đã hình thành và phát triển rất nhiều hình thức đọc sách, mô hình đọc sách gây được ấn tượng trong lòng bạn đọc cũng như dư luận xã hội. Trong đó thư viện sách tư nhân, tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, Câu lạc bộ sách, Xe sách lưu động… đang phát triển, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy văn hóa đọc, nâng cao dân trí.

img

Ra mắt Câu lạc bộ sách Nguyễn Huy Tưởng

Ước vọng xây dựng Tủ sách dòng họ của chàng trai “gàn”

Gần 15 năm, Nguyễn Quang Thạch một mình miệt mài theo đuổi “sự nghiệp” đưa sách về nông thôn với mong muốn cung cấp cho người dân sống ở các vùng nông thôn trên phạm vi cả nước được tiếp cận với nguồn tri thức rộng lớn của nhân loại, để áp dụng tri thức, khoa học kỹ thuật ấy vào sản xuất, chăn nuôi; góp phần nâng cao văn hóa đọc cũng như đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Cho đến nay, Tủ sách do anh sáng lập đã xây dựng được hơn 100 tủ sách với gần 10.000 đầu sách ở hơn 20 tỉnh đã phục vụ hàng ngàn độc giả ở vùng nông thôn với hơn 20.000 lượt sách được mượn. Đặc biệt, đã có nhiều dòng họ, cá nhân đã tự nhân rộng mô hình “Tủ sách dòng họ”  và phát huy tốt giá trị góp phần nâng cao văn hóa đọc cho con em trong mỗi dòng họ và những người dân nơi đây.

Nguyễn Quang Thạch vốn là người đam mê sách, chưa học hết cấp 2, anh đã đọc hết hơn 700 cuốn trong tủ sách của gia đình. Thạch tâm sự : “Càng đọc, tôi càng hứng thú bởi được tiếp cận với nhiều kiến thức rộng lớn của nhân loại nhằm bổ trợ cho việc học và nhu cầu tìm hiểu thế giới của bản thân. Và tôi đã luôn ao ước ở mỗi làng quê trên khắp đất nước mình đều có thư viện sách để những đứa trẻ như tôi có thể được mượn đọc thỏa thích.... Tôi khởi đầu công việc bằng những chuyến hành trình xuyên Việt, xuyên tỉnh để vận động mọi cá nhân, tổ chức quyên góp sách cũ để đưa về vùng nông thôn giúp nhân dân - nhất là các em thanh, thiếu niên được đọc sách nhằm nâng cao dân trí”. Chính vì vậy, mô hình tủ sách dòng họ được ra đời sau khi ý tưởng đưa sách về nông thôn được hình thành năm 1997. Trong khoảng thời gian rất dài (10 năm), Thạch đã thiết kế nhiều mô hình thư viện khác nhau nhưng mô hình đạt yếu tố tự nhân rộng và đánh thức được nguồn lực đang ngủ trong xã hội thì tủ sách dòng họ là hợp lý nhất. Vì tủ sách dòng họ có vị trí rất quan trọng trong đời sống cộng đồng và gia đình Việt Nam và cấu trúc cộng đồng nông thôn được hình thành chủ yếu bởi nhiều dòng họ sinh sống trong làng, xã, thôn, xóm…Do vậy, anh chọn mô hình tủ sách dòng họ để bắt đầu cho tiến trình sách hóa nông thôn vì yếu tố dòng họ sẽ tạo ra hiệu ứng nhanh nhất vì tâm lý của chúng ta là ai cũng muốn dòng tộc mình phát triển hơn do đó nhiều người sẽ quan tâm hơn.
 
img

Việc có mặt của tủ sách dòng họ hày một số mô hình khác sẽ cho người nông thôn có cơ hội thấy sách và sau đó một số người trong số họ sẽ đọc sách, đặc biệt là trẻ em, mầm đọc đang nằm ở con trẻ. Riêng ở vùng sâu và xa, mô hình tủ sách dòng họ không áp dụng được vì mức độ quần cư ở nhưng khu vực này rất thấp và văn hóa dòng họ không phổ biến. Mô hình Tủ sách phụ huynh sẽ hiệu quả và khả thi hơn đối với vùng sâu và xa.

Câu lạc bộ sách “điểm đến” của mọi người…

Hiện ở nước ta đã hình thành một số Câu lạc bộ sách, trong đó tiêu biểu là CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng (TP.Hồ Chí Minh). Cho đến nay, sau gần một năm đi vào hoạt động, CLB đã thu hút được hàng trăm bạn đọc khắp mọi miền đất nước làm cộng tác viên thân thiết và hàng ngàn bạn đọc đã tìm đến đọc sách tại CLB. Theo ông Phạm Thế Cường - Chủ nhiệm CLB thì: Một trong những điểm yếu của văn hóa đọc là do thiếu sự gắn kết giữa những người đọc sách để cùng nhau chia sẻ, lựa chọn và bình phẩm về những cuốn sách hay, sách có giá trị. Do vậy, CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng ra đời nhằm tạo một không gian sinh hoạt văn hóa cho những ai yêu mến sách - thích đọc sách; cùng nhau trao đổi, chia sẻ về những cuốn sách hay, có giá trị của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng như về các tác giả, tác phẩm có tác động đến văn hóa đọc; tổ chức gặp gỡ, giao lưu với các tác giả, các nhà phê bình nhằm tôn vinh, thúc đẩy thói quen đọc sách trong cộng đồng.

Ông Cường nhấn mạnh: Sở dĩ CLB lấy tên nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là bởi ông là một tấm gương về đọc sách rất đáng ngưỡng mộ. Việc học từ trong sách vở được ông hết sức coi trọng. Ông đã để lại cho nền văn học cách mạng Việt Nam những tác phẩm có giá trị và giàu sức sống như:  Đêm hội Long Trì, An Tư, Vũ Như Tô; tác giả của những kịch bản, tiểu thuyết đầy tâm huyết về Hà Nội kháng chiến như Những người ở lại, Luỹ hoa, Sống mãi với Thủ đô; tác giả của các truyện cổ tích và lịch sử dành cho thiếu nhi đầy tính giáo dục, nhân văn như Tìm mẹ, An Dương Vương xây thành Ốc, Con cóc là cậu ông Giời, Kể truyện Quang Trung, Lá cờ thêu sáu chữ vàng…, mà trên hết ông còn là một con người có nhân cách thật đáng khâm phục, có phẩm chất văn hóa tinh tế và sâu sắc của con người Nguyễn Huy Tưởng.

Phải có một nhân cách lớn, tấm lòng của một nhà hoạt động văn hóa nhiệt thành mới có những sự trăn trở, nhức nhối trước những sự kiện như vậy của đất nước, mà cũng chính vì cách mạng mà ông dấn thân và đã theo đuổi đến hết cuộc đời. Vì vậy, chúng tôi thấy ông không những là nhà văn nổi tiếng, mà còn là nhà văn hóa có nhân cách mà chúng ta có thể học tập và noi theo. CLB Người yêu sách được mang tên Nguyễn Huy Tưởng là một vinh dự rất lớn và cũng là một trách nhiệm rất cao.

 
 
Xuân Lộc
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top