Để chính quyền, người dân, doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang cùng nói về chuyển đổi số
Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đã xác định đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, tỉnh Hậu Giang đã chủ động xây dựng và ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản làm cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số, đặc biệt là Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 2-12-2020 của Tỉnh ủy và các đề án, kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh. Các sở, ban, ngành, địa phương cũng đã tích cực, chủ động xây dựng và thực hiện các đề án, kế hoạch thực hiện chuyển đổi số của ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị mình.
Những kết quả tích cực bước đầu
Qua các báo cáo đánh giá kết quả chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2020 tỉnh Hậu Giang đứng thứ 28/63 tỉnh, thành phố; năm 2021 Hậu Giang đứng thứ 17/63 tỉnh, thành phố, đó là những kết quả tích cực bước đầu của quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, đồng thời, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh một số điểm nổi bật về quá trình chuyển đổi số của Hậu Giang thời gian qua, cụ thể:
Một là, nhận thức về chuyển đổi số của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và nhân dân đã chuyển biến tích cực. Đặc biệt là doanh nghiệp, người dân đã bắt đầu có ý thức trách nhiệm và mong muốn được tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Với mong muốn tận dụng những thời cơ mang lại từ quá trình chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình hội nhập, là cơ hội để một tỉnh nghèo như Hậu Giang dù "đi sau”, nhưng có thể "đuổi kịp, tiến cùng”, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành phố khác, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã rất chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuyển đổi số, chủ động hợp tác, đặt hàng tư vấn, hỗ trợ từ các doanh nghiệp công nghệ thông tin - viễn thông hàng đầu của cả nước như: Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel và ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số với các tập đoàn và các doanh nghiệp lớn về chuyển đổi số.
Một số cấp ủy cấp huyện cũng đã chủ động tìm kiếm các giải pháp chuyển đổi số với việc liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ thông tin - viễn thông như: TP. Vị Thanh, TP. Ngã Bảy đã huy động được sự tài trợ của các doanh nghiệp như: VNPT, Viettel để xây dựng Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh, các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố đang phối hợp với các doanh nghiệp lớn để triển khai chuyển đổi số cấp huyện …
Đặc biệt, người dân Hậu Giang cũng đã thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm công nghệ mới và đang bắt đầu được thừa hưởng những giá trị từ chuyển đổi số và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, với các hoạt động như: giao dịch điện tử; sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt; sử dụng các ứng dụng phòng, chống dịch bệnh Covid-19; sử dụng thẻ BHYT điện tử…
Hai là, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin thiết yếu phục vụ chuyển đổi số được chú trọng đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh; nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP; Trung tâm Điều hành đô thị thông minh IOC, Hệ thống Giám sát an toàn không gian mạng SOC; apphaugiang, Cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống quản lý văn bản, thư điện tử công vụ; hệ thống ca-mê-ra giám sát thông minh… sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi số trong thời gian tới.
Ba là, bước đầu xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số phục vụ hiệu quả các hoạt động chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân. Đã thực hiện cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện ở mức độ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước được thực hiện trên môi trường mạng.
Cổng thông tin điện tử tỉnh; Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh kết nối, vận hành tốt với cổng dịch vụ công quốc gia, người dân, doanh nghiệp hài lòng rất cao về việc giải quyết thủ tục hành chính tại 3 cấp chính quyền.
Bốn là, kinh tế số, xã hội số của tỉnh bắt đầu được hình thành. Tỉnh đã từng bước hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các hợp tác xã đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của các địa phương lên sàn thương mại điện tử. Đã triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng đến 100% các ấp, khu vực trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ, hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản dịch vụ công, nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử… Trên cơ sở đó, người dân và doanh nghiệp bắt đầu có tiếp cận về công nghệ thông tin và các nền tảng công nghệ số.
Năm là, trong tổ chức thực hiện chuyển đổi số, đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả, bước đầu đem lại kết quả tích cực. Trong đó, tỉnh đã thống nhất chọn 2 xã (Thạnh Xuân với Gạch Gòi) của huyện Châu Thành A tổ chức triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp xã. Trong quá trình tổ chức triển khai thí điểm, nhiều cơ quan, đơn vị mặc dù chưa có trong kế hoạch nhưng đã chủ động hưởng ứng tham gia, tiếp cận với cơ quan chuyên môn để đề nghị hỗ trợ triển khai thực hiện sớm.
Sáu là, những kết quả bước đầu trong chuyển đổi số đã góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả bước đầu đạt được, quá trình chuyển đổi số tại tỉnh cũng còn nhiều khó khăn, trở ngại nhất định, đồng chí Đồng Văn Thanh chia sẻ.