Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
Thưa các đồng chí,
Lãnh đạo, quản lý thì có lúc phải đi đầu dẫn dắt, có lúc lại phải lùi về sau để thúc đẩy. Bộ ta trong mấy năm qua đã khởi xướng nhiều cái mới, đã đi đầu, đã trực tiếp tham gia làm để khởi động những cái mới của Ngành. Nay, đa số những định hướng mới đã thành nhận thức của xã hội, của chính quyền. Nhà nhà bắt đầu làm, ngành ngành bắt đầu làm thì Bộ phải lui về sau để làm những việc đảm bảo cho sự phát triển được nhanh và bền vững.
Thứ nhất là về thể chế và các qui định, hướng dẫn. Chất lượng của thể chế là yếu tố quyết định cho sự phát triển nhanh và bền vững. Thể chế kém chất lượng thì kìm hãm sự phát triển. Thể chế kém chất lượng thì dẫn đến nhiều tai nạn. Muốn biết thể chế có phù hợp hay không thì đến tận nơi hỏi những người dưới cùng có liên quan. Người trong nhà mới biết nhà bị dột. Chỉ có người dân, doanh nghiệp, cán bộ công chức làm trực tiếp, bị ảnh hưởng trực tiếp mới biết thể chế có phù hợp hay không. Việc rà soát thể chế thì cách tốt nhất là mang thể chế xuống lớp thấp nhất mà vận hành thử. Tất cả các Cục, Vụ, đơn vị trong Bộ phải rà soát lại hệ thống thể chế của nội bộ đơn vị mình, của lĩnh vực mình quản lý. Cái gì không phù hợp thì loại bỏ. Cái gì tốt mà chưa hợp pháp thì làm cho nó hợp pháp. Cái gì không triển khai được ở cấp thực thi thì sửa cho nó khả thi. Thể chế mà không phù hợp với cuộc sống, dân không thể làm theo, doanh nghiệp không thể làm theo nhưng vì kế sinh nhai mà họ vẫn phải làm sai để sống. Như vậy, vô hình chung chúng ta đã tạo ra một dân tộc nói dối. Đây là hậu quả lớn nhất, nguy hiểm nhất của thể chế kém chất lượng. Vụ Pháp chế lập kế hoạch rà soát thể chế trình bộ trưởng ban hành và làm tổng điều phối việc này.
Thứ hai là về các công cụ hỗ trợ: Các nền tảng làm việc số, các cơ sở dữ liệu tri thức, các trợ lý ảo. Các qui trình, tri thức sẽ được coding vào các nền tảng số. Cán bộ công chức làm việc trên các nền tảng số là được hỗ trợ, công việc dễ đi 4-5 phần, chất lượng công việc cũng tăng lên 4-5 phần. Làm cho việc dễ đi là trọng tâm của chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước. Thay đổi cách thức làm việc, sử dụng các công cụ làm việc mới là trách nhiệm của các đồng chí cấp trưởng đơn vị. Năng lực cán bộ bây giờ sẽ được đánh giá thông qua năng lực chuyển đổi số đơn vị mình, lĩnh vực mình quản lý. Thách thức lớn nhất của quản lý nhà nước lúc này là trên không gian mạng. Đánh giá cán bộ cuối năm là phải có một mục về chuyển đổi số. Vụ Tổ chức cán bộ các cấp thêm nội dung này vào đánh giá cán bộ.
Thứ ba là về giám sát online. Quản lý là giao người khác làm và giám sát. Có người làm thì phải có người nhìn thấy. Người làm biết có người nhìn thấy thì cũng làm cẩn thận hơn. Người bên ngoài nhìn thì dễ phát hiện sai sót, phát hiện sớm sai sót để cảnh báo sớm, không xảy ra tai nạn lớn, không mất cán bộ. Xây dựng hệ thống giám sát online, kết nối tới các hệ thống công nghệ thông tin của các đối tượng quản lý, để có số liệu online, là cách tiếp cận giám sát hiệu quả nhất. Giám sát online thì đầu tiên là trong nội bộ của Bộ, trong các hoạt động của Bộ. Thí dụ, giám sát online các doanh nghiệp, các đơn vị thuộc Bộ, giám sát hoạt động của các Chi bộ Đảng. Sau đó là giám sát các đối tượng mà Bộ quản lý nhà nước. Giám sát online toàn diện đến tất cả các đối tượng quản lý, trực tiếp từ hệ thống công nghệ thông tin của các đối tượng này thay cho báo cáo giấy, rồi dùng AI để phân tích dữ liệu lớn, sẽ là đổi mới căn bản quản trị nhà nước.
Thứ tư là làm proof of concept (làm mẫu, làm demo, chứng minh tính khả thi). Với các việc mới về chuyển đổi số của các Bộ, ngành và địa phương, nếu trước đây, chúng ta tham gia làm trực tiếp, triển khai trực tiếp, thì nay nếu có làm là làm proof of concept, sau đó để Bộ ngành, địa phương đầu tư, triển khai. Chuyển đổi số là việc mới, muốn thuyết phục người khác làm thì phải chứng minh là làm được, phải demo được. Đây cũng là nghề của người dẫn dắt. Chưa ai làm thì làm. Mọi người đã hăng hái làm rồi thì làm mẫu thôi. Làm mẫu chính là hoạt động nghiên cứu và phát triển (Research & Development). Các doanh nghiệp công nghệ số có thể làm tốt việc này nếu có chỉ đạo từ Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tổng chỉ huy xây dựng nền tảng làm việc số, trợ lý ảo, hệ thống giám sát online toàn diện, proof of concept là Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng. Năm nay, chúng ta tập trung vào làm bên trong, vừa là để có trải nghiệm, vừa là để làm mẫu cho các Bộ ngành, địa phương khác. Dẫn dắt chuyển đổi số thì đầu tiên là chuyển đổi số chính mình. Năm nay, chúng ta sẽ dự hội nghị ít đi, phát biểu “chém gió” ít đi, tập trung vào làm. Năm nay làm thành công thì sang năm sẽ lại “chém gió”. Chém gió là tốt, nhưng là trong 2 trường hợp sau: Một là, khởi xướng cái mới chưa ai biết; hai là, phổ biến một kinh nghiệm, giới thiệu một thực tế thành công mà mình đã làm được. Năm nay, Bộ ta không chuyển đổi số thành công thì nên từ bỏ vai dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia. Tôi nói điều này là nghiêm túc, là Bộ ta không có đường lùi nữa. Không làm được vai dẫn dắt thì nên nhường người khác, vì nếu không thì Ngành, đất nước sẽ chậm lại, mất đi cơ hội bứt phá thành nước phát triển.
Về công tác cán bộ. Hiện nay, Bộ ta đang còn nhiều vị trí lãnh đạo các đơn vị chưa bổ nhiệm được vì thiếu cán bộ có đủ năng lực. Lý do là chúng ta đã chưa làm tốt công tác đào tạo các lứa lớp trong nhiều năm qua. Đưa một người đi hay một người về hưu là lại như mò kim đáy bể. Chúng ta thiếu các lứa lớp. Qui hoạch xong là để đó mà không có kế hoạch đào tạo, hoặc có kế hoạch nhưng để làm vì. Ban Cán sự không thể chỉ quan tâm đến cấp trưởng, mà còn phải quan tâm đào tạo đến cấp phó, đến cấp phòng, cấp chuyên viên chính. Rất nhiều nhân viên có tiềm năng nhưng lãnh đạo không nhìn thấy họ, họ không được trao cơ hội để phát triển. Nếu không phát hiện và đào tạo những người này thì lấy đâu ra cán bộ để kế cận, để kế tiếp, để thay thế.
Giao ban tháng của Bộ cũng là một buổi đào tạo. Lãnh đạo Bộ sẽ không chỉ nói về đôn đốc công việc, mà còn nói về nhận thức mới, cách tiếp cận mới, về tầm nhìn mới, về các chuyên đề mới, về quản trị, cũng như nghe trực tiếp cán bộ. Mỗi tháng giao ban một lần, giao ban quí với Sở, với đơn vị trong Ngành sẽ không thay thế giao ban tháng của Bộ. Thành phần giao ban sẽ là lãnh đạo các đơn vị, các cấp phó tập sự, các đồng chí đi biệt phái.
Mỗi quí một lần, Bộ trưởng hoặc Lãnh đạo Bộ sẽ dành một buổi giao lưu, đối thoại trực tiếp với cán bộ từ cấp phòng và tương đương.
Vụ Tổ chức Cán bộ lập kế hoạch đào tạo cấp Bộ, hướng dẫn các đơn vị lập kế hoạch đào tạo của đơn vị mình. Xong trong Quí II/2022. Nói rõ, đào tạo là nhiệm vụ của cấp trưởng. Phát hiện, đào tạo, sử dụng người hiền tài là cái gốc của cầm quyền, vì vậy là nhiệm vụ quan trọng nhất của người lãnh đạo.
Phát hiện, giới thiệu người hiền tài, người có tiềm năng là trách nhiệm của tất cả chúng ta, từ nhân viên tới lãnh đạo, là của toàn dân. Người hiền tài là tài nguyên quan trọng nhất của một quốc gia và cũng là khan hiếm nhất. Quốc gia chỉ hưng thịnh khi người hiền tài được phát hiện, được đào tạo, được thử thách và được trọng dụng. Bất kỳ ai có phát hiện thì giới thiệu trực tiếp tới Bộ trưởng, có thể chỉ cần qua nhắn tin. Lãnh đạo Bộ sẽ gặp gỡ trực tiếp, nói chuyện, phỏng vấn nhân sự được giới thiệu để có hướng đào tạo, sử dụng phù hợp. Tương tự như vậy, cấp trưởng các đơn vị làm với đơn vị mình.
Người hiền tài chỉ xuất hiện khi có việc khó, việc đặc biệt. Việc trung bình ai cũng làm được thì người tài sẽ không xuất hiện, vì việc trung bình thì không cần đến họ, việc trung bình cũng không làm lộ ra người tài. Việc trung bình thì khi bổ nhiệm có đến cả chục người đáp ứng, không biết chọn ai. Chọn một người thì mất lòng đến 9 người, rất dễ xảy ra mất đoàn kết. Việc khó, thách thức lớn thì tự việc đã chọn ra người, rất dễ có được sự đồng thuận cao. Bởi vậy, gốc của việc có được người hiền tài là tổ chức đó, người đứng đầu đó phải có sứ mệnh lớn lao, có tầm nhìn lớn lao, có mục tiêu lớn lao, biết tạo ra thách thức lớn lao.
Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông