Bưu tá Đỗ Đắc Tuấn phân loại bưu gửi, sắp xếp mức độ ưu tiên và lộ trình trước khi bắt đầu di chuyển
Bưu tá Đỗ Đắc Tuấn thuộc Bưu cục phát Thương mại điện tử Từ Liêm bắt đầu công việc hàng ngày từ 6h30, sớm hơn nửa tiếng so với trước khi dịch bệnh xuất hiện. Sau khi hoàn tất việc đo thân nhiệt, sát khuẩn tay và quét mã QR khai báo y tế ở trước cửa Bưu cục, anh Đỗ Đắc Tuấn cùng các đồng nghiệp hội ý đầu ca. Buổi hội ý nào cũng vậy, lãnh đạo Bưu cục luôn động viên tinh thần mọi người nỗ lực, cố gắng hoàn thành công việc với chất lượng cao nhất đồng thời không quên nhắc nhở anh em nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch. Cuộc họp kết thúc, mọi người hối hả bắt đầu công việc.
Thực hiện nghiêm túc 5K theo quy định của đơn vị, anh Đỗ Đắc Tuấn đeo găng tay bảo hộ, đảm bảo cự ly giãn cách với các đồng nghiệp, nhanh tay phân loại, chia, chọn số bưu gửi vừa nhận; sắp xếp theo mức độ ưu tiên và lộ trình trước khi bắt đầu di chuyển. 17 năm làm nghề, anh Tuấn chưa bao giờ phải đảm nhận khối lượng công việc nhiều như thời gian này.
“Hiện nay, số lượng bưu gửi hàng hóa hàng ngày tăng từ 1,5 đến 1,7 lần do các khách hàng đặt mua trên các sàn thương mại điện tử tăng sản lượng gửi qua kênh chuyển phát của Bưu điện Việt Nam. Ngoài ra, một số tuyến phát lao động nghỉ do gia đình ở trong vùng dịch phải cách ly 1-2 tuần các tuyến phát khác chia sẻ phát. Hàng nặng, cồng kềnh về nhiều, ô tô không phát kịp, các tuyến xe máy cũng phải tăng cường nên thời điểm này anh em bưu tá đang phải căng sức vừa phòng chống dịch đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo chất lượng phát, thời gian làm việc tăng thêm.” - Bưu tá Đỗ Đắc Tuấn chia sẻ.
Bưu tá Nguyễn Tiến Cát luôn cố gắng chuyển phát hàng hóa bưu gửi nhanh nhất đế tay khách hàng
Từ khi dịch bùng phát trở lại, TP Hồ Chí Minh là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, thời gian đầu khi giãn cách, tâm lý người dân hoang mang nhất là về vấn đề lương thực thực phẩm. Với việc triển khai gần 200 điểm bán hàng thiết yếu phục vụ người dân của Bưu điện TP Hồ Chí Minh, lượng công việc của các bưu tá cũng tăng cao hơn trước trong khi nỗi lo về dịch bệnh thì luôn hiện hữu.
Theo bưu tá Nguyễn Tiến Cát, Bưu cục phát Quận 10, do thường xuyên phải di chuyển, tiếp xúc với khách hàng nên nguy cơ lây nhiễm của lực lượng bưu tá khá cao. Để đảm bảo an toàn cho chính mình và cho cộng đồng, mọi nhân viên khi đi làm nhiệm vụ đều phải nghiêm túc thực hiện khuyến cáo 5K cũng như trang bị đầy đủ găng tay, nước sát khuẩn và khẩu trang chống giọt bắn.
“Một chút lo ngại trong những ngày đầu tiên khi dịch bệnh tăng cao, tuy nhiên anh em chúng tôi với trách nhiệm của người bưu tá và của ngành Bưu điện luôn phục vụ tận tâm người dân bất kể trong thời điểm nào. Mỗi cá nhân chúng tôi luôn cố gắng chuyển phát hàng hóa, đặc biệt là lương thực thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho người dân một cách nhanh nhất, vừa để đảm bảo chất lượng, vừa để bớt đi nỗi lo về việc thiếu lương thực của người dân đặc biệt tại những khu vực bị cách ly. Với cá nhân mỗi bưu tá luôn phải đảm bảo thật an toàn, nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh cho chính bản thân mình và khách hàng.” Bưu tá Nguyễn Tiến Cát cho biết.
Lái xe Võ Anh Phong (áo vàng) đang khẩn trương xếp hàng lên xe để kịp giờ xuất phát
Là một trong những tỉnh miền Nam chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ dịch Covid-19 chỉ sau TP Hồ Chí Minh, từ khi tỉnh Bình Dương áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đến nay Bưu điện tỉnh đã vận chuyển hơn 800 tấn hàng hóa theo chỉ đạo của chính quyền địa phương. Có kinh nghiệm hơn 9 năm là lái xe vận chuyển, anh Võ Anh Phong, Trung tâm khai thác vận chuyển Thủ Dầu Một, Bưu điện tỉnh Bình Dương cũng đã phải vượt khó, cố gắng với hơn 100% khả năng của mình để đóng góp một phần nhỏ cùng cả nước chống dịch.
“Trước đây khi chưa có dịch bệnh, công việc của tôi thường là di chuyển trong ngày, nhiều nhất là 2 ngày thôi, nhưng từ khi dịch bệnh tăng cao có những lúc tôi phải xa nhà 4-5 ngày vì các điểm giao hàng thực hiện giãn cách khiến cho việc di chuyển trong tỉnh mất nhiều thời gian hơn do phải kiểm tra y tế tại các chốt kiểm dịch đồng thời phải tăng ca vì có một số anh em gia đình ở gần vùng dịch nên phải cách ly 1-2 tuần. Cũng mệt nhưng thấy trong lòng tự hào lắm, tự hào vì mình đã mang lại phần nào cho bà con sự yên tâm khi phải đối mặt với dịch bệnh.” Anh Võ Anh Phong chia sẻ.
Còn đó nhiều khó khăn, vất vả trong cuộc chiến chống Covid-19, song những con người cần mẫn như anh Tuấn, anh Quang và anh Phong cùng đội ngũ lái xe, bưu tá của Bưu điện Việt Nam vẫn hằng ngày âm thầm trên những con đường để đảm bảo duy trì ổn định chuyển phát thư từ, bưu phẩm, thậm chí cả hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm đến tay người dân. Và chúng tôi cũng hy vọng, tinh thần ấy, khí thế ấy sẽ lan tỏa mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh để chúng ta chiến thắng dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.