Ngày 9/12, Học viện Kỹ thuật Mật mã đã tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2021 – 2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến qua các nền tảng số.
Ngoài điểm cầu trực tiếp tại Hà Nội, lễ khai giảng năm học 2021 - 2022 của Học viện Kỹ thuật Mật mã còn được diễn ra trực tuyến qua các nền tảng số.
Ông Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Học viện cho biết, với chủ trương tập trung ưu tiên nguồn lực cho công tác đổi mới và phát triển đào tạo, thời gian qua, nhiều giải pháp đồng bộ đã được trường triển khai quyết liệt. Công tác đào tạo của Học viện đã có những bước chuyển lớn, chất lượng ngày càng được nâng cao. Các chuyên ngành mới mở của trường ngày càng có sức hút lớn với xã hội.
Kết thúc năm học 2020 - 2021, dù gặp nhiều khó khăn bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, song với sự nỗ lực của thầy và trò Học viện, trường đã tiếp tục đạt nhiều thành tích nổi bật, như: vừa đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả an toàn tuyệt đối vừa hoàn thành tốt kế hoạch năm học; cơ bản kiện toàn cơ cấu tổ chức biên chế tổ chức theo Quyết định mới của Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; công tác tuyển sinh tiếp tục đạt những thành tích nổi bật; các đội tuyển học viên, sinh viên tham dự các cuộc thi đạt thành tích cao...
Học viện Kỹ thuật Mật mã bước vào năm học mới 2021 – 2022 trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đẩy mạnh chủ trương chuyển đổi số toàn dân và toàn diện, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó lĩnh vực đào tạo là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số.
Đặc biệt, Nghị quyết 56 về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đã xác định: “Xây dựng Học viện Kỹ thuật Mật mã thành cơ sở đào tạo chất lượng cao về kỹ thuật mật mã và an toàn thông tin đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cơ yếu và nhu cầu kinh tế xã hội”
Trong bối cảnh mới, để thực hiện trọng trách được giao, đại diện lãnh đạo Học viện Kỹ thuật Mật mã cho biết, nhà trường chọn khâu đột phá trọng điểm là xây dựng Học viện theo mô hình đại học quản trị thông minh dựa trên nền tảng của chuyển đổi số toàn diện. Trọng tâm là công tác vận hành quản lý đào tạo và đánh giá kiểm định chất lượng đào tạo; song song với việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công tác đào tạo, gắn kết đào tạo với thực tiễn, với nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, gắn nhà trường và doanh nghiệp, gắn đào tạo với hội nhập hợp tác.
Với năm học mới 2021 - 2022, theo ông Nguyễn Hữu Hùng, Học viện đã lên kế hoạch triển khai quyết liệt, đồng bộ 7 nhóm giải pháp, trong đó có việc từng bước thực hiện mô hình Đại học quản trị thông minh, hướng tới quản trị đại học 4.0 - Phát triển hạ tầng CNTT; xây dựng quy trình quản lý và ứng dụng CNTT cho tất cả các lĩnh vực của quá trình quản trị đại học và đào tạo, phù hợp với xu thế đổi mới; kết nối hệ thống hình thành hệ sinh thái học tập tích hợp hiện đại và đảm bảo an ninh, an toàn.
Cùng với đó, Học viện cũng sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo trên tất cả các mặt, cả về chất lượng đội ngũ giảng viên; nội dung chương trình - giáo trình đào tạo; công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo; cũng như quy trình - phương thức và công nghệ quản lý đào tạo...
Phát biểu tại lễ khai giảng, Thiếu tướng Lê Xuân Trường, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ biểu dương những thành tích về mọi mặt mà Học viện Kỹ thuật Mật mã đã đạt được trong thời gian qua.
Nhận định nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao về an toàn thông tin và bảo mật thông tin đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, ông Lê Xuân Trường cho rằng: Là trung tâm đào tạo trình độ cao của ngành Cơ yếu Việt Nam, Học viện Kỹ thuật mật mã góp phần hết sức quan trọng giúp ban và ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Phó Trưởng ban Cơ yếu cũng đề nghị Học viện tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong mọi khâu của quá trình đào tạo để từng bước xây dựng mô hình đại học số và quản trị thông minh; Tăng cường mối quan hệ trong lĩnh vực hợp tác về đào tạo, nghiên cứu với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.
Đồng thời, Học viện cũng cần tập trung mọi nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng trường, lớp và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc giảng dạy và thực hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.