Ảnh minh họa
Như mọi ngày tại cửa biển Sông Ðốc, từng đoàn tàu lại rời bến cùng sự chịu thương chịu khó của ngư dân nơi đây. Hiện nay, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời quản lý tổng số 1.359 phương tiện trên địa bàn, riêng tại Khóm 2 có 146 phương tiện công suất lớn, nhỏ đang hoạt động ngoài khơi.
Tiếp chúng tôi, ông Tô Văn Triều, ngụ Khóm 4, thị trấn Sông Ðốc, làm nghề biển hơn 30 năm, cho biết, trước đây ông có 2 tàu công suất lớn trên 400 CV làm nghề cào, câu mực, làm ăn không hiệu quả dẫn đến bán tàu, chuyển sang làm dịch vụ thu mua. Hiện nay, giá cả thị trường không ổn định, ông làm đơn xin ngưng hoạt động để chờ giá cả ổn định.
Ông Triều chia sẻ: “Năm ngoái do ảnh hưởng của dịch bệnh và giá xăng dầu tăng cao, làm không có lời, nên tôi ngưng hoạt động. Ghe đậu vậy nhưng mình cũng phải chăm sóc, kiểm tra thường xuyên. Lúc Nghị định 67 ra đời, gia đình được hỗ trợ về phương tiện hậu cần nghề cá”.
“Sản lượng trước đây và hiện nay khác nhau nhiều lắm, trước đây 1 ngày được 1 tấn thì hiện nay chỉ còn 100-200 kg là nhiều rồi. Tuy nhiên, như ngày xưa con cá trích giá chỉ 1.000 đồng/kg, bây giờ lên cả chục ngàn, số lượng cá giảm 1/10 nhưng giá thì lên gấp 10, thành ra làm thì cuộc sống vẫn đảm bảo được. Nhưng gần đây giá cả xăng dầu tăng quá cao và hoạt động không hiệu quả thì không có lời, có khi lỗ”, ông Triều chia sẻ thêm.
Ông Phan Văn Sơn, 67 tuổi, hiện là chủ tàu CM 99655TS tại Sông Ðốc. Quê ở Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, trước đây khi còn trẻ ông cũng là bạn đi tàu từ lúc 18 tuổi, rồi đến đây lập nghiệp hơn 40 năm qua, giờ ông truyền lại cho con trai nối nghiệp gia đình khi mình không còn đủ sức khoẻ để bám biển. Ông Sơn tâm sự: “Làm nghề biển không chịu khó thì đói. Trừ những ngày biển động, dông gió, bão thì đậu thôi”.
“Hiện nay, việc cập nhật thông tin quá đầy đủ, ví dụ như có bão di chuyển vào nước ta thì đa số các chủ tàu đều nắm bắt được hướng bão, cho nên hạn chế gây thiệt hại cho các chủ tàu, chỉ có những trường hợp bất khả kháng như lốc xoáy xuất hiện bất ngờ không có dự báo trước thì mình phải chịu thôi. Còn như có dấu hiệu thành áp thấp hay vùng áp thấp, bão, đài thuỷ văn đã dự báo hướng đi của áp thấp, bão thì mình tránh… Hiện nay, thời công nghệ 4.0, mình ngồi ở nhà vẫn giám sát được tàu đang khai thác ở đâu, toạ độ nào, tất cả đều xuất hiện trên điện thoại của mình”, ông Sơn nhận định.
Cũng theo ông Sơn, đã lên tàu ra khơi thì đều coi bạn đi cùng như nhau, việc phân chia thu nhập cũng vậy. Tuỳ theo ngành nghề mà có cách ăn chia phần trăm như đi lưới trừ chi phí, 50% bạn và tài công, còn 50% là chủ tàu; còn đi ghe cào thì bạn 40%, chủ tàu 60%, do chiết khấu hư hao của tàu nhiều hơn tàu lưới đèn. “Với tình hình giá dầu biến động như hiện nay thì làm lỗ chứ không có lời bao nhiêu”, ông nói.
Nghề biển vốn nhiều hiểm nguy, giữa biển trời bao la, rộng lớn, bên cạnh nỗi lo cơm áo gạo tiền, ngư dân còn trăm thứ khác phải lo… Cái lo lớn hiện nay của các chủ tàu là tình trạng ngư phủ ứng tiền nhưng không đi làm ảnh hưởng đến việc thiếu nhân công trong việc đánh bắt.
Ông Sơn cho biết: “Ðánh bắt thì cần đủ lực lượng mới đánh bắt được. Lượng tàu đông, người giúp việc ít, thiếu hụt nhân công lao động, một số chủ tàu cho mượn tiền trước. Tàu mình chưa tới ngày hoạt động, tàu khác hoạt động trước, bạn tàu theo tàu đó đi, tới mình đi thì không có bạn. Tôi có báo với chính quyền địa phương, cũng có trường hợp được mời lên làm việc, hẹn lần này, lần sau trả mà có trả đâu… Còn mình đâu có bỏ công ăn việc làm được, cuối cùng đành bỏ tiền luôn”.
Nghề đi biển vốn chưa bao giờ là dễ dàng đối với những ngư dân nơi đây như lời ông Ðoàn Quốc Lượm, Khóm 2, thị trấn Sông Ðốc, chia sẻ: “Ðể đóng tàu mới và mua ngư cụ phục vụ việc khai thác, phải bỏ ra số tiền hơn 6 tỷ đồng. Lưới mới mua nếu sử dụng cẩn thận thì xài được khoảng 5 năm, mỗi năm tốn thêm chi phí 500-600 triệu đồng tiền bảo dưỡng và vá lưới. Một số anh em định thành lập tổ hợp tác thu mua nhưng gặp khó ở chỗ là sẽ có tình trạng 9 người 10 ý, khó thống nhất. Còn giá cả thuỷ sản thì không ổn định”.
“Trung bình mỗi chuyến ra khơi đem lại thu nhập khoảng 50-60 triệu đồng cho chủ tàu và 5-7 triệu đồng cho mỗi ngư phủ. Nếu trừ khấu hao tàu, máy, lưới, dư ra chút đỉnh, tầm trên dưới vài chục là may mắn lắm rồi. Càng đầu tư lớn, càng lỗ. Sau này chúng tôi nghỉ rồi không biết con cái còn theo nghề nữa không”, ông Lượm tâm tư.
Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng với những người đã gắn bó với biển mấy chục năm qua, họ vẫn coi biển là nghiệp mưu sinh, là cuộc sống của mình. Họ bám biển không chỉ để kiếm sống mà còn để bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo của quê hương./.