ảnh minh họa
Tỉ lệ tăng nhanh
Nhiều bệnh viện và trường học thời gian gần đây ghi nhận không ít trường hợp học sinh vào viện cấp cứu trong trạng thái kích thích, loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp do ngộ độc các chất trong thuốc lá điện tử.
Gần đây nhất kể đến là trường hợp bảy học sinh lớp 3 của Trường Tiểu học Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phải nhập viện cấp cứu, kiểm tra sức khoẻ do có biểu hiện buồn nôn, đau đầu sau khi hút hoặc hít phải khói thuốc lá điện tử.
Hôm 18.11, ba nam sinh lớp 12 của Trường THPT Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TPHCM) cũng xuất hiện nhiều biểu hiện khác thường như khó chịu, khó thở…, thậm chí có em ngất xỉu sau khi sử dụng cùng một loại thuốc lá điện tử.
Hay đầu tháng 11.2022, tại Hà Nội, một nam học sinh 12 tuổi sau khi sử dụng thuốc lá điện tử cũng được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng hoảng sợ, khó thở và co giật.
Hồi cuối tháng 8.2022, một nhóm học sinh Trường THPT dân lập Yên Hưng (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) cũng hút chung thuốc lá điện tử và sau đó cả nhóm phải nhập viện.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế cho biết trong một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng tỉ lệ hút thuốc lá điện tử ở học sinh tại Việt Nam từ năm 2019 đến năm 2021 tăng từ 2,6% lên 3,5%. Trong đó, tỉ lệ học sinh nam hút thuốc lá điện tử tăng từ 3,6% lên 4,3%. Tỉ lệ học sinh nữ hút thuốc lá điện tử tăng từ 1,5% lên 2,8%. Đáng chú ý là tỉ lệ học sinh đã từng thử thuốc lá điện tử là 7,8% (9,3% ở nam và 6,5% ở nữ).
Dễ mua, dễ nghiện
Theo ThS.BS Nguyễn Hữu Hoàng - Giảng viên Trung tâm Giáo dục Y học, Trường Đại học Y Dược TPHCM, tỉ lệ thanh thiếu niên hút thuốc lá có xu hướng tăng dần. Nguyên nhân bắt nguồn từ sự xuất hiện của thuốc lá thế hệ mới. Thuốc lá kiểu mới có 3 loại, gồm thuốc lá nhẹ, thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử. Trong đó, thuốc lá điện tử thế hệ mới làm thay đổi cách thức gây nghiện nicotine.
“Nếu học sinh hút thuốc lá điện tử, phụ huynh khó phát hiện. Bởi thuốc lá điện tử không có mùi thuốc lá và được trá hình dưới hình dạng như một chiếc USB, cây viết, hộp bút. Hơn nữa, thuốc lá điện tử cũng có nhiều kiểu dáng bắt mắt, thời trang và hiện đại gây thích thú, tò mò cho giới trẻ” - bác sĩ Hoàng nhận định.
Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử có nồng độ nicotine ở nhiều mức, tạo hơi sương cùng mùi hương đa dạng, do vậy, dễ hút và dễ tiếp cận, thậm chí là nghiện dễ dàng. Thành phần gây nghiện có trong loại này như nicotine, acetaldehyde,.… Các hương liệu cũng là một yếu tố gây nghiện mới. Hiện có hơn 20.000 chất tạo mùi.
Cũng theo bác sĩ Hoàng, các nghiên cứu cho thấy rằng thuốc lá điện tử thế hệ mới làm thay đổi tỉ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên nhỏ hơn 18 tuổi. Tóm lại, thuốc lá điện tử tạo ra một nhóm nghiện thuốc lá mới: nghiện nhận thức, nghiện hành vi, nghiện thực thể với một tốc độ nhanh hơn, dễ dàng hơn và nặng nề hơn. Vì vậy, cần có những biện pháp để ngăn chặn cũng như làm giảm tỉ lệ hút thuốc lá thế hệ mới nói chung và các loại thuốc lá điện tử.
Tại Hội thảo khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh 13-15 tuổi tại Việt Nam năm 2022 diễn ra ngày 26.7, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhận định việc phòng, chống tác hại của thuốc lá cho thanh thiếu niên ở Việt Nam còn rất nhiều khó khăn. Các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cũng đang có xu hướng gia tăng và cảnh báo khi thanh thiếu niên hiện có thể dễ dàng mua các sản phẩm thuốc lá mới không rõ nguồn gốc, xuất xứ thông qua các trang mạng xã hội và Internet.