ảnh minh họa
Tham dự có ông Nguyễn Văn Bình - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), lãnh đạo Khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước (Trường Đại học Luật Hà Nội), bà Trần Hương Giang - Quản lý dự án GIZ tại Việt Nam; lãnh đạo các phòng, khoa, đơn vị thuộc trường cùng đông đảo chuyên gia cùng các học viên.
TS Nguyễn Thị Thủy - Trưởng Bộ môn Luật Hành chính (Khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội) trình bày thông tin, thuốc lá điện tử (Electronic cigarettes) là thiết bị chạy bằng pin dùng để làm nóng dung dịch lỏng, biến dung dịch này thành hơi để người hút có thể hít vào phổi. Bề ngoài có hình dáng giống với thuốc lá thông thường với thiết kế hoàn toàn mới. Hầu hết các thiết bị này đều sử dụng buồng chứa tinh dầu, thường có nicotine, hương liệu và các chất phụ gia khác.
Chất nicotine trong thuốc lá điện tử và thuốc lá thông thường là chất gây nghiện. Bên cạnh nicotine, thuốc lá điện tử có thể chứa các thành phần độc hại khác bao gồm: Các hạt siêu mịn có thể hít sâu vào phổi, chất gây ung thư; Chất tạo mùi như diacetyl (một hóa chất có liên quan đến bệnh phổi nghiêm trọng); Hợp chất hữu cơ dễ bay hơi; kim loại nặng như niken, thiếc và chì...
Theo khảo sát tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020, tỉ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành có xu hướng tăng, từ 0,2% vào năm 2015 lên 0,7% năm 2020.
Trong đó, 2,6% học sinh trong độ tuổi tuổi hút thuốc lá điện tử. Nam giới tăng từ 0,4% năm 2015 lên 1,2% năm 2020.
Những người trẻ tuổi đã sử dụng thử thuốc lá điện tử có nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường cao hơn 3,5 lần so với nhóm người không dùng thuốc lá điện tử.
Hậu quả của thuốc lá điện tử, với người sử dụng, thuốc lá điện tử có thể gây nghiện, bệnh tật và thậm chí là tử vong như liên quan đến nhồi máu cơ tim, gây tổn thương phổi; gây viêm phổi; gây bệnh tim, ảnh hưởng hệ thống miễn dịch..v.v..
Ảnh hưởng của thuốc lá điện tử với những người xung quanh là gây tác hại do hút thuốc thụ động, gây nghiện mạnh, có tác hại cho sức khỏe.
Nguy hiểm hơn, với phụ nữ mang thai ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi trong thai kỳ (sinh non, thai chết lưu…), gây ngộ độc nặng cho trẻ nhỏ.
Với nhà nước, thuốc lá điện tử tăng gánh nặng về ngân sách y tế (chi phí y tế cho những người sử dụng thuốc lá điện tử và người xung quanh bị nhiễm bệnh). Vì nhà nước chưa có khung pháp lý cho mặt hàng này nên cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xử lý vi phạm và thu thuế.
"Đặc biệt, đối với xã hội, thuốc lá điện tử dẫn tới những hệ quả nghiêm trọng khi các xu hướng của giới trẻ ngày càng trở nên tiêu cực, độc hại, gia tăng tệ nạn cũng như tỉ lệ tội phạm trong xã hội. Có thể nói, thuốc lá điện tử có thể tạo thói quen không tốt cho lớp trẻ, đặc biệt là những người chưa thành niên" - TS Nguyễn Thị Thủy.
Câu hỏi đặt ra là vì sao tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử có chiều hướng tăng?
Lý do chính theo các chuyên gia đó là do nhiều người lầm tưởng hút thuốc lá điện tử là an toàn, không gây nghiện, sử dụng thuốc lá điện tử để thay thế thuốc lá truyền thống. Ngoài ra, sản phẩm có thiết kế thường bắt mắt, nhỏ gọn, nhiều mẫu mã, hương vị, giá rẻ.
Một bất cập hiện nay là chưa có khung pháp lý quy định về thuốc lá điện tử. Ngay cả Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (2012) cũng không có quy định riêng về loại hình thuốc lá này. Trong Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính, thuật ngữ "thuốc lá" chưa tường minh mà chỉ có quy định chung về sử dụng thuốc lá tại nơi công cộng.
Qua đây, riêng về nội dung này, nhiều ý kiến thảo luận cho rằng, cần tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về tác hại của thuốc lá điện tử trên các phương tiện thông tin đại chúng, trường học và các địa phương.
Ngoài ra, cũng cân nhắc sửa đổi bổ sung hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật cụ thể để điều chỉnh, giải quyết vấn đề bất cập của việc sử dụng thuốc lá điện tử.
Nhiều đại biểu, học viên đánh giá rất cao những thông tin, kiến thức thiết thực, hữu ích và hết sức giá trị, tầm quan trọng của việc đánh giá tác động xã hội của chính sách trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và mong muốn tới đây sẽ là môn học phổ biến trong trường
PGS. TS Nguyễn Văn Quang - Trưởng nhóm Chuyên gia, Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế (Trường Đại học Luật Hà Nội) nói: “Với mục đích nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ pháp chế bộ, ngành, cơ quan chuyên môn về đánh giá tác động chính sách nói chung, đặc biệt đánh giá tác động về chính sách xã hội nói riêng”.