Nhiều ngành nghề mới xuất hiện trong lĩnh vực CNTT cần được cập nhật vào các văn bản pháp luật liên quan

Thứ năm, 20/03/2014 14:04

Một doanh nghiệp phần mềm đặt tại TP Hồ Chí Minh chuyên làm gia công phần mềm cho công ty mẹ ở Hoa Kỳ đã bị cơ quan thuế truy thu 3 năm thuế thu nhập doanh nghiệp, tương đương 2 tỷ đồng vì ngành thuế cho rằng “gia công” thì không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã “kêu” hộ doanh nghiệp trong buổi làm việc của Đoàn công tác Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh với Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng ngày 18/3/2014 tại Hà Nội.

img

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Gia công phần mềm của công ty đang chịu án treo vừa kể trên bao gồm thiết kế, viết coding cho đến chuyển giao sản phẩm cuối cùng. Đây là ví dụ điển hình về một doanh nghiệp phần mềm với 450 lao động, trong đó 80% là kỹ sư, chủ yếu sử dụng tri thức, không dùng nhiều vốn. Doanh nghiệp này chuyên gia công phần mềm trong lĩnh vực y tế cho thị trường Mỹ với doanh thu hàng chục triệu USD/năm, ông Lê Thái Hỷ cho biết.
 
Gia công phần mềm không thể xem như gia công hàng dệt may
 
Ngành công nghệ thông tin hiện nay có tốc độ phát triển rất nhanh, nhiều ngành nghề, dịch vụ mới trong lĩnh vực này lần đầu tiên xuất hiện. Các văn bản quy phạm pháp luật quy định về ngành nghề công nghệ thông tin không theo kịp với sự phát triển của công nghệ. Quyết định 337/QĐ-BKH quy định nội dung Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam của Bộ Kế hoạch Đầu tư ban hành năm 2007 thậm chí còn đưa xuất bản phần mềm vào lĩnh vực xuất bản. Ngoài ra, còn một số ý kiến đánh đồng “gia công phần mềm” với gia công trong lĩnh vực dệt may. Trong khi trên thực tế gia công phần mềm là một hoạt động đòi hỏi nội hàm tri thức cao. Được biết, Tổng cục Thuế hiện còn đang tranh cãi xem gia công thì gọi là sản xuất hay dịch vụ.
 
Theo đại diện Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang soạn thảo Thông tư quy định về quy trình sản xuất phần mềm gồm có 6 bước để tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp phần mềm được hưởng các ưu đãi về thuế. Quy trình 6 bước sản xuất phần mềm trong dự thảo Thông tư bao gồm: Xác định nhu cầu người dùng; Phân tích thiết kế; Lập trình; Kiểm thử, Hoàn thiện đóng gói; Cài đặt, bảo hành, bảo trì. Doanh nghiệp đạt được ít nhất 1 trong 4 bước lõi (từ bước 2 đến bước 4) đối với một sản phẩm công nghệ thông tin cụ thể được xác nhận là doanh nghiệp sản xuất phần mềm. Khi Thông tư ban hành, các doanh nghiệp tự công bố đạt được những bước nào trong quy trình sản xuất phần mềm, Bộ Thông tin Truyền thông không quy định thủ tục cấp giấy xác nhận.
 
Bộ Thông tin và Truyền thông cần có cơ chế thường xuyên cập nhật xu hướng ngành nghề mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin và hướng dẫn những ngành mới này có được phép đầu tư hay không, ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP HCM đã kiến nghị như vậy. Hiện nay, có nhiều ngành nghề mới xuất hiện theo đà phát triển của công nghệ thông tin như cung cấp dịch vụ trên điện toán đám mây, xây dựng cổng thông tin cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, dịch vụ lưu trữ dữ liệu, cung cấp thông tin lên Internet, thiết kế web… Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng yêu cầu Vụ Công nghệ thông tin khẩn trương soạn thảo Thông tư về ngành nghề kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin để Bộ ban hành trong thời gian tới nhằm giải đáp những nhu cầu kinh doanh chính đáng của doanh nghiệp.
 
Giang Phạm
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top