ảnh minh họa
Theo CDC Cần Thơ, việc xây dựng môi trường không khói thuốc lá trong nhà trường rất cần thiết. Qua các buổi truyền thông, các em học sinh được nghe, xem các video clip về thực trạng hút thuốc lá, các tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, kinh tế, môi trường... Sau khi nghe bài trình bày, các em sôi nổi đặt câu hỏi chủ yếu về thuốc lá điện tử. Anh Lê Vũ Giang Huy, cán bộ Khoa Truyền thông, CDC Cần Thơ, giảng viên trực tiếp tuyên truyền cho biết: Các em học sinh hiểu khá rõ về tác hại của thuốc lá điếu truyền thống. Tuy nhiên, còn nhiều em chưa hiểu biết về tác hại của thuốc lá điện tử. Nhiều em còn cho rằng thuốc lá điện tử nhẹ, ít hại, không gây nghiện, mùi thơm... thậm chí còn cho rằng thuốc lá điện tử có tác dụng cai thuốc lá.
Những nghiên cứu gần đây về xu hướng sử dụng thuốc lá cho thấy tỷ lệ hút thuốc trong giới trẻ đang gia tăng và tuổi bắt đầu hút thuốc đang ngày càng trẻ hóa. Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13-15 tuổi năm 2014: Tỷ lệ hút thuốc lá trong học sinh nam là 4,9% và học sinh nữ là 0,2%. Trên 47,7% học sinh nhóm tuổi này thường xuyên hút thuốc lá thụ động tại nhà và trên 66,5% hút thuốc lá thụ động tại nơi công cộng. Theo Điều tra Quốc gia Sức khỏe học đường 2019 Việt Nam, 2,6% thanh thiếu niên 13-17 tuổi hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử.
Các chuyên gia cho rằng, hút thuốc càng sớm, bệnh tật càng sớm và hậu quả càng nặng nề. Hút thuốc ở trẻ em là nguyên nhân làm tăng khả năng nhiễm các tệ nạn xã hội khác như ma túy, rượu … Việt Nam là nước có dân số trẻ, vì vậy, việc phòng chống tác hại thuốc lá trong trường học giúp các em học sinh không hút thuốc, góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe các thế hệ tương lai của đất nước, giảm tỷ lệ hút thuốc trong cộng đồng, giảm các gánh nặng bệnh tật và kinh tế cho mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.