Nhiều điểm nghẽn khi xâm nhập thị trường Halal

Thứ ba, 01/11/2022 08:23

Việt Nam có thể tận dụng tối đa hợp tác và các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ phát triển sản phẩm, dịch vụ tham gia sâu hơn vào thị trường Halal toàn cầu.

u12_1.jpg

Nhiều tiềm năng

Tại Hội nghị “Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Việt Nam nằm trong top 15 quốc gia dẫn đầu xuất khẩu nông sản trên thế giới. Sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam có mặt tại 196 quốc gia và vùng lãnh thổ với chất lượng, giá trị và vị thế không ngừng được nâng cao.

Đặc biệt, các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam được đánh giá là phù hợp với thị trường Halal. Theo báo cáo kinh tế Hồi giáo toàn cầu, chi tiêu cho thực phẩm Halal sẽ tăng nhanh, từ 1.400 tỷ USD năm 2020 lên mức 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050.

“Do vậy, thị trường sản phẩm Halal toàn cầu có tiềm năng to lớn, đầy triển vọng, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông lâm thủy sản, lương thực, thực phẩm”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, nhiều nông sản của Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với yêu cầu chứng nhận Halal và được người Hồi giáo ưa chuộng.

Tính đến năm 2021, có trên 50% các tỉnh, thành phố đã bước đầu xuất khẩu thực phẩm sang thị trường Halal toàn cầu; một số tập đoàn lớn và khoảng 750 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có chứng nhận Halal.

Tuy nhiên, hiện nay thực phẩm Halal xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là nông, thủy sản thô và sơ chế với 8 mặt hàng xuất khẩu chính là bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc, gạo, thủy sản, hạt điều, cà phê, hàng rau quả, hạt tiêu và chè.

Từ năm 2020 đến nay, Bộ Ngoại giao cùng với Bộ NN-PTNT và các cơ quan liên quan đã đánh giá tiềm năng, triển vọng thị trường Halal toàn cầu, định vị Việt Nam trên bản đồ Halal thế giới nhằm khai mở thị trường Halal toàn cầu.

“Thị trường này rất giàu tiềm năng và phát triển nhanh, với nhiều lĩnh vực như thực phẩm, dược-mỹ phẩm, du lịch, dệt may, dịch vụ… Nhiều nước đã có chiến lược, chương trình phát triển ngành Halal, nền kinh tế và hệ sinh thái Halal một cách chiến lược và toàn diện. Tuy nhiên, vị trí của Việt Nam còn khá khiêm tốn trên bản đồ Halal toàn cầu”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chia sẻ thêm.

Để giải quyết vấn đề này, cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu khẳng định, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm tới việc khai mở và giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.

“Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đã chỉ đạo, giao Bộ Ngoại giao phối hợp với các Bộ, ban, ngành và tỉnh thành liên quan xây dựng định hướng tổng thể thúc đẩy sự phát triển ngành Halal Việt Nam về dài hạn, nhất là đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ Halal toàn cầu”, lãnh đạo Bộ Ngoại giao nói.

Theo ông Phạm Quang Hiệu, để có thể tiếp cận và khai thác thị trường Halal, bên cạnh tập trung vào đối thoại chính sách, hướng dẫn quá trình sản xuất, chế biến, thị trường và chứng nhận Halal cho hàng nông lâm thủy sản, cần đưa ra được những ý kiến đóng góp về cơ chế, chính sách, thực tiễn triển khai.

Đồng thời, thúc đẩy xây dựng bộ tiêu chuẩn chứng nhận Halal chung của Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương cho hàng nông lâm thủy sản và hoạt động chứng nhận Halal cũng như hợp tác quốc tế, công nhận lẫn nhau cho thị trường Hồi giáo trên thế giới.

Việc tăng cường hợp tác quốc tế, kết nối thông tin sẽ là động lực để phát triển thị trường Halal cho nông sản Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Khai mở thị trường bằng hợp tác quốc tế

Phát biểu tại Hội nghị, nhiều đại biểu quốc tế như các Đại sứ Brazil, Pakistan, Tham tán Công sứ Indonesia, các chuyên gia, doanh nghiệp… đã chỉ ra một số vấn đề Việt Nam đang gặp phải trong quá trình phát triển thị trường Halal.

Đại diện các quốc gia đã chia sẻ kinh nghiệm, chiến lược phát triển ngành Halal và khuyến nghị Việt Nam cần tận dụng tối đa hợp tác và các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ phát triển sản phẩm, dịch vụ tham gia sâu hơn vào thị trường Halal toàn cầu.

Từ đó, các đại biểu đã đề xuất khả năng hợp tác giữa Việt Nam và các nước trong lĩnh vực Halal như thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương về phát triển ngành Halal giữa Việt Nam với các đối tác, nhất là các nước Hồi giáo và các nước ASEAN.

Bên cạnh đó, có thể ký kết các thỏa thuận về công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực Halal cũng như tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài để xây dựng các cơ sở sản xuất sản phẩm Halal đạt tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức chứng nhận Halal uy tín và các đối tác trên thế giới...

Chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, bà Trần Thị Minh Thu, Vụ trưởng Vụ Tín ngưỡng và các tôn giáo khác (Ban Tôn giáo Chính phủ), cho rằng để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Việt Nam, khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường Hồi giáo thì thúc đẩy hợp tác quốc tế là yêu cầu cấp thiết.

Một số giải pháp được bà Trần Thị Minh Thu đưa ra như hợp tác xây dựng hệ thống tiêu chuẩn Halal của Việt Nam đáp ứng được cơ bản tiêu chuẩn Halal quốc tế và từng quốc gia cụ thể. Trong đó, cần hợp tác với Viện Tiêu chuẩn và đo lường các Quốc gia Hồi giáo (SMIIC) thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) để xây dựng các tiêu chuẩn.

Ngoài ra, cần hợp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Halal về thông tin, thị trường, cảnh báo vướng mắc, rủi ro, kết nối với chính quyền các thị trường…

Trong khi đó, bà Phạm Hoài Linh, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương cho rằng, cần sớm ban hành Bộ Tiêu chuẩn chung của Việt Nam về sản phẩm Halal, đồng thời nghiên cứu, đề xuất Chính phủ thành lập một cơ quan quản lý thống nhất tiêu chuẩn Halal, chứng nhận Halal.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tổ chức tập huấn tại các địa phương để doanh nghiệp và người sản xuất hiểu rõ hơn về đặc điểm văn hóa, kinh doanh, quy định của các nước Hồi giáo./.

Nguồn: nongnghiep.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top