Tại phiên họp của Tiểu ban giúp việc Đề án Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam vừa diễn ra mới đây, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích đặc biệt lưu ý về hiện trạng nhiều địa phương vẫn chưa xác định đúng vai trò, nhiệm vụ của mình khi triển khai số hóa truyền hình.
"Thực tế, nhiều địa phương vẫn bảo đây là việc của Trung ương, của doanh nghiệp trúng thầu. Dù Thủ tướng Chính phủ nêu rất rõ rằng các cấp chính quyền địa phương, UBND các tỉnh chịu trách nhiệm chủ trì việc phân phối, lắp đặt, kiểm tra, giám sát... Cần có hướng dẫn để ít nhất các địa phương xác định được trách nhiệm của mình, qua đó tránh được những rủi ro pháp lý. Khi địa phương thấy được trách nhiệm của mình thì mới phối hợp tốt được, tránh chuyện phối hợp theo cơ chế xin – cho, vừa khó cho doanh nghiệp vừa khó cho cơ quan quản lý", ông Phạm Văn Dũng cho biết.
Ông Dũng cũng lưu ý hiện trạng có rất nhiều quy định trong việc triển khai số hóa truyền hình mà các địa phương hầu như chưa nắm được hết. Chẳng hạn như quy định về kỹ thuật, quy định về năng lực của nhà thầu, thế nào là sản phẩm khi đưa vào lĩnh vực công ích...
Nhiều địa phương chưa hiểu rõ đối tượng được hỗ trợ, thậm chí vẫn tuyên truyền rằng các hộ gia đình chính sách cũng thuộc diện đối tượng được hỗ trợ đầu thu số. Chính vì chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc giám sát nên trên thực tế, vẫn còn tồn tại một số trường hợp hộ dân thuộc diện được hỗ trợ không được lắp đặt tận nơi, không bàn giao tình trạng hoạt động của thiết bị được lắp đặt.
Hỗ trợ lắp đặt đầu thu truyền hình số cho hộ nghèo ở Hải Phòng. Ảnh: Mạnh Trường.
|
Ngoài số lượng hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương được Bộ TT&TT hỗ trợ, TP. Đà Nẵng đã hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho 5.043 hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn của Đà Nẵng; Hà Nội hỗ trợ cho 12.018 hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn của Hà Nội sử dụng truyền hình cáp. Giai đoạn 1 của Đề án số hóa truyền hình đã được triển khai thành công. Toàn bộ các kênh truyền hình tương tự mặt đất tại Đà Nẵng được ngừng phát sóng từ ngày 1/11/2015, còn tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Cần Thơ đã được ngừng từ ngày 15/8/2016. Không chỉ người dân tại 5 thành phố này mà người dân địa bàn lân cận thuộc 20 tỉnh khác cũng có điều kiện hưởng các lợi ích của truyền hình số mặt đất. Ước tính dân số thuộc địa bàn chuyển đổi giai đoạn 1 của 25 tỉnh, thành phố nêu trên chiếm gần 50% dân số cả nước.
Quỹ dịch vụ viễn thông công ích đã thực hiện hỗ trợ cho 460.232 hộ gia đình đủ điều kiện nằm trong vùng ảnh hưởng của việc tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương, đảm bảo 100% số hộ nghèo, cận nghèo tại Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ đủ điều kiện nhận hỗ trợ đầu thu để thu xem truyền hình số mặt đất. Trong đó, 16.052 hộ nghèo, cận nghèo tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam; 444.180 hộ nghèo, cận nghèo ở 4 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ và địa bàn của 19 tỉnh lân cận.
Giai đoạn 2 Đề án Số hóa truyền hình Việt Nam sẽ triển khai tại 25 tỉnh có địa hình thuộc khu vực đồng bằng, trung du, miền núi phía Bắc, gồm: Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Hà Nam, Hải Dương, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận.
"Hơn ai hết, chính quyền các địa phương đóng vai trò trực tiếp nhất trong việc xác định đối tượng được hỗ trợ, chủ trì phân phối, lắp đặt... Cần dành thời gian đích đáng cho việc chốt thời gian, thời hạn, tránh tình trạng thực tế thay đổi rất nhanh khiến chính sách không còn phù hợp. Ví dụ như chuẩn nghèo thay đổi, dẫn đến tình trạng có hộ thoát nghèo rồi, có cả xe máy rồi, vẫn được hỗ trợ đầu thu số", Giám đốc Phạm Văn Dũng lưu ý thêm.