Tuyên truyền về chương trình SMEdx tới hơn 90.000 doanh nghiệp
Việc nhắn tin cho các doanh nghiệp để giới thiệu về chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số - SMEdx được Viettel, VNPT/Vinaphone, MobiFone, Vietnamobile, Gtel Mobile, I-Telecom và Reddi thực hiện theo đề nghị của Cục Viễn thông, Bộ TT&TT.
Cụ thể, các doanh nghiệp viễn thông di động được đề nghị nhắn tin tuyên truyền về Chương trình chương trình SMEdx cho những thuê bao di dộng của mạng mình là doanh nghiệp nhỏ và vừa với tiêu đề “HotroSME”, với tần suất 1 lần trong ngày 1/11.
Tin nhắn gửi đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nội dung “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp SME chuyển đổi số do Bộ TT&TT khởi động với nhiều ưu đãi. Chi tiết tại địa chỉ: smedx.vn”.
Đây là lần thứ hai Bộ TT&TT đề nghị các doanh nghiệp viễn thông di động gửi tin nhắn tuyên truyền về chương trình SMEdx để các doanh nghiệp nhỏ và vừa biết đến chương trình, tham gia sử dụng các nền tảng số Make in Vietnam xuất sắc đã được chương trình lựa chọn, thẩm định và công bố trong quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp mình.
Theo chia sẻ của đại diện Cục Tin học hóa, đơn vị được Bộ TT&TT giao là đầu mối triển khai chương trình SMEdx, lần nhắn tin thứ hai nhắn tin giới thiệu về chương trình có quy mô lớn hơn, với 87.000 doanh nghiệp, trong khi lần đầu tiên số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận được tin nhắn là 3.600.
Một trong những hoạt động chính của chương trình SMEdx là lựa chọn các nền tảng số Make in Vietnam xuất sắc để giới thiệu cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trải nghiệm.
Chương trình SMEdx do Bộ TT&TT phối hợp cùng Bộ KH&ĐT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức.
Được chính thức khởi động từ ngày 29/1, chương trình SMEdx hướng tới mục tiêu đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc sử dụng nền tảng số do Chương trình lựa chọn và những hoạt động nhằm giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động. Chương trình đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể như tối thiểu 50.000 người/ năm được tiếp cận, cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho doanh nghiệp; tối thiểu 30.000 doanh nghiệp/năm được trải nghiệm các nền tảng số...
Gần 10.700 doanh nghiệp SME sử dụng các nền tảng số
Tại thời điểm chương trình SMEdx được khởi động, Cục Tin học hóa và 15 doanh nghiệp cung cấp nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số đã ký kết biên bản ghi nhớ triển khai chương trình SMEdx. Tiếp đó, vào các ngày 16/7 và 14/10, đã có thêm 3 và 6 nền tảng số nữa được chọn tham gia chương trình.
Các nền tảng tham gia chương trình SMEdx đều là nền tảng số “Make in Vietnam” xuất sắc do Bộ TT&TT tập hợp, lựa chọn kỹ lưỡng, trước khi giới thiệu để cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ dùng thử và vận dụng vào các nghiệp vụ cụ thể của mình. Từ đó, từng bước thay đổi nhận thức, biến đổi tư duy và hành động mạnh mẽ, tham gia hiệu quả hơn vào thúc đẩy kinh tế số, xã hội số và sự hoàn thiện quốc gia số.
Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các doanh nghiệp đang tìm những phương thức phòng ngừa, duy trì sản xuất kinh doanh thông qua giải pháp số. Một số doanh nghiệp CNTT đã cho ra nhiều nền tảng cung cấp cho doanh nghiệp làm việc từ xa. Dịch Covid-19 đang thúc đẩy doanh nghiệp triển khai nhanh ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, đây không chỉ là giải pháp tạm thời mà được doanh nghiệp coi là giải pháp chiến lược.
Theo thống kê của Cục Tin học hóa, sau hơn 8 tháng triển khai, cổng thông tin chương trình SMEdx tại địa chỉ smedx.vn đã có hơn 68.000 lượt truy cập; có 10.696 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn quốc sử dụng và trải nghiệm các nền tảng số “Make in Vietnam” xuất sắc được chọn tham gia chương trình. Trong đó có 4.460 doanh nghiệp hết thời gian sử dụng miễn phí, muốn thử nghiệm tiếp, 1.849 doanh nghiệp SME đã ký hợp đồng.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, đội ngũ triển khai chương trình SMEdx sẽ tiếp tục lựa chọn, bổ sung các nền tảng số chất lượng cao đáp ứng đúng nhu cầu bức thiết của doanh nghiệp. Cùng với đó, Bộ TT&TT gấp rút triển khai các công nghệ mới trong việc giới thiệu và hỗ trợ các SME đăng ký sử dụng nền tảng số hiệu quả.
Đại diện Cục Tin học hóa cho biết thêm, dự kiến trong các tháng cuối năm 2021, những chương trình đào tạo, hội thảo tiếp tục được tổ chức tại các địa phương, có thể theo hình thức trực tuyến. Mục tiêu là thêm nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các tỉnh có ít cơ hội tiếp cận với công nghệ số, được trao đổi với các nhà sáng lập nền tảng, các chuyên gia chuyển đổi số để lựa chọn, đăng ký đúng nền tảng mình cần.