Lực lượng chức năng hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử tại thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang. (Ảnh minh họa)
Trong lộ trình CĐS quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án: “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Điều này khẳng định Chính phủ luôn coi trọng việc đào tạo, xây dựng nguồn NLS trong tương lai.
Triển khai các nhiệm vụ của đề án vào điều kiện thực tiễn và thực hiện chương trình CĐS của tỉnh Hà Giang, năm 2022, tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức 49 lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức các sở, ban, ngành, lãnh đạo quản lý cấp huyện, xã với trên 2.820 học viên tham gia; tổ chức tập huấn CĐS tại 11 huyện, thành phố; phối hợp với Tập đoàn FPT tổ chức hội nghị CĐS với chủ đề “Thành phố Hà Giang - Tiên phong chuyển đổi số”; thành lập 2.071 Tổ công nghệ số cộng đồng với 12.131 hội viên với vai trò nòng cốt là đoàn viên, thanh niên và sự tham gia của Hội Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Bí thư các chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho Tổ công nghệ số cộng đồng theo hình thức trực tuyến và trực tiếp 3 cấp tới 205 điểm cầu với 7.081 đại biểu tham gia; thành lập tổ CĐS cơ sở trong hoạt động đoàn viên, thanh niên; tham quan, học tập kinh nghiệm CĐS tại Tập đoàn FPT; duy trì Tổ ứng cứu sự cố máy tính tỉnh Hà Giang, giám sát, bảo vệ 100% các máy chủ thuộc hệ thống thông tin dùng chung đảm bảo an toàn thông tin và kết nối với Trung tâm giám sát an ninh mạng Quốc gia.
Ngoài nguồn NLS là cán bộ của các tổ chức, đơn vị được đào tạo để sử dụng thành thạo công cụ số trong xử lý công việc nội bộ và cung cấp dịch vụ số thì người dân cũng luôn được hướng dẫn, tập huấn để có kỹ năng, thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến và giao dịch trên môi trường điện tử.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng và đào tạo nguồn NLS vẫn còn nhiều khó khăn: Nhận thức về CĐS ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự đầy đủ và quyết tâm; mức độ sẵn sàng CĐS của các chủ doanh nghiệp, HTX chưa cao; kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của một số cơ quan, cán bộ công chức, viên chức còn hạn chế; chưa phát huy hết chức năng Tổ công nghệ số cộng đồng; thiếu một số quy định, cơ chế, chính sách về đào tạo nhân lực để thúc đẩy CĐS.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định: “Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Công nghệ số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất – kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội”. Vì vậy, CĐS là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển nhanh, bền vững và hội nhập sâu rộng hiện nay. Tuy nhiên, để thực hiện CĐS trên cả 3 trụ cột, cần tập trung phát triển nguồn NLS với các nhiệm vụ trọng tâm: Triển khai Chương trình đào tạo bồi dưỡng về CĐS cho công chức, viên chức cấp xã, huyện thực hiện đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; tập huấn, diễn tập thực chiến về an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức; ban hành quy định, định mức thuê chuyên gia về CĐS để hỗ trợ tỉnh triển khai các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), BigData và an toàn thông tin; nâng cao năng lực, vai trò và hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng để phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện CĐS và phát triển KT - XH trên nền tảng số.